Phó tổng trấn Gia Định là sủng thần thời Gia Long bị Minh Mạng xử chết vì tham nhũng
Trong số trước, báo điện tử Một Thế Giới đã có bài về chuyện Phó tổng trấn Gia Định là sủng thần thời Gia Long bị Minh Mạng xử chết về tội tham nhũng. Chính sử đã ghi rất rõ chuyện Minh Mạng ban chết cho Hoàng Công Lý bởi tội danh tham nhũng. Thế nhưng, Hoàng Công Lý chưa bao giờ được chính sử ghi là cha vợ của Minh Mạng.
Tuy nhiên, Wikipedia phần chép về Hoàng Công Lý lại ghi: "Đến khi con gái ông được tuyển vào cung, được vua Minh Mạng phong làm phi (Huệ phi), ông càng được tin cậy" và đây là nguồn cơn khiến nhiều tờ báo ngộ nhận rằng con gái của Hoàng Công Lý là Huệ phi thì đương nhiên ông Lý là cha vợ. Trên thực tế, gia phả hoàng tộc nhà Nguyễn cũng không hề ghi chép về việc Minh Mạng có người vợ nào là Huệ phi, là con gái của Hoàng Công Lý cả. Do vậy, việc nói Minh Mạng "quân pháp bất vị thân" trong vụ xử chết cha vợ tham nhũng hay việc Lê Văn Duyệt "tiền trảm hậu tấu" đối với Hoàng Công Lý đều không có cơ sở.
Trước hết, cần phải xem trong Đại Nam thực lục ghi chép khá rõ việc xử tội Hoàng Công Lý. Cụ thể là năm 1820, "Phó tổng trấn Gia Định là Hoàng Công Lý tham lam trái phép, bị quân nhân tố cáo hơn mười việc. Lê Văn Duyệt đem việc tâu lên. Vua bảo Nguyễn Văn Nhân và Nguyễn Đức Xuyên rằng : “Không ngờ Công Lý quá đến thế, công trạng nó có gì bằng các khanh, duy nhờ Tiên đế cất nhắc, ngôi đến Phó tổng trấn, lộc nước ơn vua, thực không phải bạc, thế mà lại bóc lột tiểu dân, làm con mọt nước. Nay tuy dùng phép buộc tội, nhưng dân đã khốn khổ rồi”.
Cuối năm, khi bàn bạc với quần thần thì vua Minh Mạng lại nhắc đến Hoàng Công Lý với thái độ rất dứt khoát: “Trẫm nuôi dân như con, thực không kể phí tổn. Nhưng bọn quan lại tham lam giảo quyệt, ngấm ngầm chứa đầy túi riêng, mà kẻ quan quả cô độc lại không được thấm nhuần ơn thực. Gần đây Hoàng Công Lý làm Phó tổng trấn Gia Định không bao lâu mà bóc lột của dân đến trên 3 vạn. Nếu các viên mục thú đều như y cả, thì dân ta còn nhờ cậy vào đâu. Trẫm dẫu có lòng săn sóc thương xót cũng không làm thế nào được”.
Năm 1821, thời điểm Huỳnh Công Lý bị đưa ra chấp pháp thì Minh Mạng có dụ rằng: “Gia Định là nơi đất rộng dân nhiều. Hoàng khảo ta mưu tính, thành lập quân lữ, khôi phục dư đồ, cái nền móng xây dựng cơ nghiệp thực là ở đấy. Từ trước đến nay vẫn thận trọng lựa chọn những trọng thần công lao danh vọng sai trấn phủ cho muôn dân yên ổn. Không may có Hoàng Công Lý, lấy tư cách đê hèn, chứa chất thói tham bạo, vặn trái pháp luật, ăn lót kể đến muôn vàn, bắt người làm việc [riêng] mỗi lần đến hàng mấy nghìn, mọt nước hại dân đến thế là cùng. Nghĩ các ngươi vô tội mà gặp nỗi độc hại này, dù của cải đền được nhưng nỗi khổ lâu ngày khó mà hồi được. Nay tội nhân như thế, pháp luật phải thi hành, để cho nhân dân uất ức một phương đều rõ cái ý trừ bạo an dân của triều đình”.
Lý làm Tả thống chế quân Thị trung, ngày ngày bắt quân sĩ xây dựng nhà riêng ở trên bờ sông Hương, đến nay việc phát, hạ lệnh trị giá bán nhà ấy lấy tiền cho cấm binh. Rồi nhân đó dụ rằng từ nay biền binh trong ngoài nếu gặp kẻ tham tàn cậy quyền thế áp bức mà không kêu được, thì cho phép đón xa giá mà tâu. Lại dụ rõ cho các đại thần võ ban nên lấy việc Lý làm răn".
Như vậy, trong Đại Nam thực lục ghi rất rõ thái độ, phát ngôn của vua Minh Mạng về Hoàng Công Lý và cả việc xử phạt. Trong đó không hề nhắc chuyện như Wikipedia và các thông tin thiếu kiếm chứng trên mạng về sự kiện sau khi Hoàng Công Lý bị chấp pháp thì "gái ông là Huệ phi bị đuổi ra khỏi cung về làm dân thường".
Chuyện vô lý ở đây là nếu con gái của Hoàng Công Lý đã lên đến chức Huệ phi thì cũng có địa vị rất cao trong hậu cung và phải được ghi rõ trong thế phả hoàng tộc (nhà Nguyễn không lập hoàng hậu mà vua thường chỉ có rất ít người phi, tần rồi sau đó mới đến Tiệp dư, Quý nhân, Mỹ nhân, Tài nhân...). Nhưng trên thực tế thì nếu chiếu theo cuốn "Nguyễn Phúc tộc thế phả" của Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc biên soạn (do Nhà xuất bản Thuận Hóa - Huế phát hành năm 1995) không có dòng nào ghi chép về Huệ phi thời Minh Mạng.
Trong các hậu phi của Minh Mạng được thế phả ghi rõ gồm Nhất giai Thần phi Hồ Thị Hoa (con Phúc quốc công Hồ Văn Bôi), người là mẹ vua Thiệu Trị sau khi Thiệu Trị lên ngôi mới tôn làm Tá Thiên nhân Hoàng hậu. Hai người phi là Nhất giai Hiền phi Ngô Thị Chinh (con gái của Chưởng cơ Ngô Văn Sở) và Nhị giai Gia phi Phạm Thị Tuyết (con gái của Quang Lộc tự thiếu khanh Phạm Văn Chẩn). Thời Minh Mạng chỉ ghi chép về 2 người phi này chứ tuyệt đối không có ai là Huệ phi cả, tức là không có ai mang họ Hoàng hay là con của Hoàng Công Lý được phong làm phi cả.
Vấn đề đặt ra là có thể Huệ phi bị gạch tên hay không? Câu trả lời là không. Trước hết có thể dựa vào chuyện của Lê Thị Tường (con gái của Quốc công Lê Chất). Do Lê Chất công cao nên con gái cũng được phong đến tước Tần trong hậu cung. Đến khi có án Lê Chất, Minh Mạng dù rất căm tức Lê Chất nhưng cũng chỉ phế tước trong hậu cung của Lê Thị Tường. Nếu chuyện của một tần là Lê Thị Tường được gia phả Hoàng tộc nhà Nguyễn ghi lại rõ ràng thì chẳng có lý do lại "quên" ghi một Huệ phi nào đó.
Quan trọng nhất là thời điểm xử phạt Hoàng Công Lý năm 1821 thì hậu cung nhà Nguyễn chưa hề có tước Huệ phi mà chức này chỉ được lập vào 15 năm sau, tức là năm 1836. Chúng ta có thể thấy việc này được ghi chép rõ trong Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ.
Trang 163 tập 6 cuốn Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ (do nhà xuất bản Thuận Hóa in năm 1993) có ghi việc phi tần hậu cung nhà Nguyễn thời kỳ đầu được quy định theo thứ bậc như sau: “Lúc quốc sơ định lệ cung giai: 3 Phi là Quý phi, Minh phi, Kính phi. 3 Tu là Tu nghi, Tu Dung, Tu viện. 9 Tần là Quý tần, Hiền tần, Trang tần, Đức Tần, Thục tần, Huệ tần, Lệ tần, An tần, Hòa tần. 3 Chiêu là Chiêu nghi, Chiêu dung, Chiêu viện. 3 Sung là Sung nghi, Sung dung, Sung viện. 6 chức là Tiệp dư, Dung hoa, Nghi nhân, Tài nhân, Linh nhân, Lương nhân”
Mãi đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà vua lại có chỉ dụ để đặt lại thứ bậc của hậu cung như sau: “… Nay châm chước việc người xưa đã làm, đặt làm 9 bậc ở Nội cung: đặt một Hoàng quý phi ở trên bậc nhất, để giúp Hoàng thái hậu trông coi lương thực ở trong cung, chỉnh tề công việc bên trong. Lại đặt Quý phi, Hiền phi, Thần phi làm bậc nhất, Đức phi, Thục phi, Huệ phi làm bậc nhì. Quý tần, Hiền tần, Trang tần làm bậc ba. Đức tần, Thục tần, Huệ tần làm bậc 4. Lệ tần, An tần, Hòa tần làm bậc 5. Tiệp dư làm bậc 6, Quý nhân làm bậc 7, Mỹ nhân làm bậc 8, Tài nhân làm bậc 9. Khiến cho trong chốn khuê môn được trật tự phân minh, để tỏ phong hóa tôn nghiêm, tuân theo mãi mãi. Lại xuống dụ: Trước đã chuẩn định nội cung 9 bậc, trong đó Đức phi, nay đổi làm Gia phi” - trích trang 164 tập 6 cuốn Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ.
Từ những điều ghi trong chính sử, trong thế phả và cả những sự kiện mang tính chất điển lệ thì có thể khẳng định nhân vật Huệ phi thời Minh Mạng vốn không tồn tại trong lịch sử. Trong số các phi tần bậc cao vốn dành chỗ cho các con gái đại thần cũng không có ai mang họ Huỳnh/Hoàng cả nên không thể có chuyện Hoàng Công Lý là cha vợ Minh Mạng. Do vậy, chuyện sau khi xử án Hoàng Công Lý, vua Minh Mạng đuổi Huệ phi về làm dân thường chỉ là giai thoại mơ hồ, gây ngộ nhận về nhân vật lịch sử Minh Mạng.
Chúng ta sẽ tiếp tục phân tích sự phi lý và thử mổ xẻ động cơ dẫn đến nảy sinh các giai thoại "Minh Mạng xử tử cha vợ" ở phần tiếp theo.
Chúng tôi đã gửi thư trao đổi với ông Nguyễn Đắc Xuân (nhà nghiên cứu Huế và lịch sử triều Nguyễn) về những hoài nghi về sự tồn tại của nhân vật Huệ phi được cho là con gái của Hoàng Công Lý. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết: Theo Nguyễn Phúc tộc Thế phả, viết theo Đại Nam Liệt truyện, vua Minh Mạng chỉ có hai bà phi là Hiền phi Ngô Thị Chính (vợ thứ hai) và Gia phi Phạm Thị Tuyết (vợ thứ ba của vua Minh Mạng). Không có ai mang họ Hoàng/Huỳnh được phong là Huệ phi cả.
Anh Tú