Quy định về thể loại và thể lệ trong Cuộc thi sáng tác truyện ngắn khu vực ĐBSCL năm 2019 - Ảnh: Nguyễn Hồng
Cuộc thi có đến 114 truyện ngắn của 84 tác giả ở 13 tỉnh, thành phố trong khu vực tham dự. Xét về quy mô và số lượng tác giả, tác phẩm, có thể nói cuộc thi có sức hấp dẫn, thu hút được nhiều cây bút tham gia. Tuy nhiên, điều đáng nói là ban tổ chức cuộc thi (gồm các thành viên là lãnh đạo và cán bộ thuộc Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp, do ông Phạm Khiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp làm Trưởng ban) lại trao giải nhất cho tác phẩm “Căn cơ” của tác giả Nguyễn Phước Thảo (đơn vị Đồng Tháp) gây nên nhiều tranh cãi.
Tác giả Nhật Minh (tỉnh An Giang) phản ứng: “Trước hết, với dung lượng hơn 24.000 chữ, chiếm hết 90 trang sách in, tác phẩm này (Căn cơ) dường như đã vượt quá quy mô của 1 truyện ngắn. Tuy ban tổ chức không đưa quy định về số chữ tối đa của mỗi tác phẩm vào thể lệ cuộc thi, nhưng đó không phải là lý do để trao giải cho 1 truyện vừa hoặc truyện dài trong 1 cuộc thi được ghi rất rõ là truyện ngắn.
Để có thêm thông tin nhiều chiều, sáng 2.1, PV đã có cuộc trao đổi trực tiếp với ông Phạm Khiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi sáng tác truyện ngắn ĐBSCL năm 2019.
Ông Phạm Khiêm xác nhận, tác phẩm đạt giải nhất (Căn cơ) có số lượng chữ nhiều như vậy là do Hội đồng giám khảo, Hội đồng chuyên môn căn cứ vào nội dung, chất lượng tác phẩm chứ không dựa trên độ ngắn hay dài. “Trước khi quyết định trao giải cho tác phẩm này, chúng tôi (lãnh đạo các Hội Liên hiệp VHNT địa phương vùng ĐBSCL) đã có họp và thống nhất với nhau rồi”, ông nói.
“Rút kinh nghiệm từ các cuộc thi trước đây, do có tác phẩm chất lượng rất tốt nhưng dư một số chữ mà phải bị loại vì vi phạm quy chế (vượt giới hạn chữ quy định) nên cuộc thi này không hạn chế số lượng chữ trên 1 tác phẩm”, ông Phạm Khiêm cho biết thêm.
Tìm hiểu trong thể lệ Cuộc thi sáng tác truyện ngắn khu vực ĐBSCL năm 2019, PV nhận thấy tại mục III về thể loại và thể lệ, cuộc thi quy định rất rõ thể loại là truyện ngắn mà không hề đặt ra yêu cầu về giới hạn chữ cho mỗi tác phẩm.
Ảnh chụp một phần website của Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp sáng 2.1, bạn đọc cho rằng website này chỉ đưa các tác phẩm vào vòng chung khảo và dự kiến trao giải được 4 ngày rồi rút xuống - Ảnh: Nguyễn Hồng
Một nhà văn đang sống và làm việc tại TP.Cần Thơ băn khoăn: “Tôi cảm thấy khó hiểu tại sao từ trước đến nay, các cuộc thi sáng tác văn xuôi ở ĐBSCL đều quy định cụ thể số chữ tối đa cho 1 tác phẩm dự thi; trong thực tế đã có trường hợp tác giả vì viết dư 87 chữ thôi mà đã bị mất giải thưởng do vi phạm quy chế. Vậy mà lần này, Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp đăng cai lại loại bỏ quy định rất quan trọng này.
Trả lời thắc mắc của bạn đọc là tại sao ban tổ chức cuộc thi không công bố trên website của Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp các tác phẩm vào vòng chung khảo và dự kiến trao giải để bạn đọc có điều kiện theo dõi, đánh giá, ông Phạm Khiêm khẳng định: “Có chứ, chúng tôi công bố hết chứ, ban tổ chức làm việc rất công tâm, không có gì mờ ám, “địa phương chủ nghĩa” cả!”.
PV tiếp tục cung cấp thông tin của bạn đọc, rằng ban tổ chức chỉ đưa các tác phẩm này lên website của Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp chỉ được 4 ngày thì rút xuống; thông tin về lễ tổng kết, trao giải cuộc thi cũng không có trên website của hội. Ông Phạm Khiêm phân trần: “Vậy có thể do trục trặc hay sự cố gì rồi, tôi sẽ cho kiểm tra lại”.
Nguyễn Hồng