Thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ, tầng lớp được tiếp xúc và giáo dục từ rất sớm với các khái niệm thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, chuyển khoản hay QR code.
Thậm chí, mục tiêu của nhiều quốc gia trên thế giới là xây dựng một xã hội không tiền mặt. Thế nhưng, đại dịch Covid-19 làm áp lực kinh tế gia tăng cùng với sự lan tỏa mạnh mẽ của các xu hướng trên mạng xã hội trong tầng lớp trẻ, bao gồm Gen Y và Gen Z, đã và đang thay đổi thực tế này.
Và Hàn Quốc là một điển hình.
Bất chấp những tiến bộ của công nghệ thông tin và số lượng giao dịch trực tuyến gia tăng nhanh chóng, xu hướng tiêu dùng đáng chú ý đang nổi lên ở Hàn Quốc khi ngày càng nhiều người trong độ tuổi 20 và 30 lựa chọn sử dụng tiền mặt trong chi tiêu hàng ngày thay vì giao dịch thông qua thẻ tín dụng.
Tình trạng này bắt nguồn từ xu hướng mang tên "cash stuffing" hay còn gọi là "Sắp xếp tiền mặt".
Hiểu một cách đơn giản, đây là phương pháp lập ngân sách trong đó người ta sẽ rút tiền mặt từ tài khoản ngân hàng và chia nó vào các phong bì đã được cố định mục đích sử dụng, chẳng hạn như khoản 1 sẽ chi cho du lịch, khoản 2 sẽ chi cho ăn uống bên ngoài, khoản 3 sẽ dùng để mua đồ ở cửa hàng tạp hóa…
Xu hướng này ngay từ khi xuất hiện đã nhanh chóng trở nên phổ biến trong giới trẻ. Tuy nhiên, nó có 2 mặt, lợi và hại.
Lợi đó là nó giúp cho những người trẻ, vốn có thói quen chi tiêu hoang phí, biết cách lập kế hoạch chi tiêu và chi tiêu một cách hợp lý hơn, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn hậu dịch Covid-19.
Kim Ji-hye, một nhân viên văn phòng 32 tuổi, nói với The Korea Herald: "Trước đây, tôi sẽ chi khoảng 1 triệu won (770 USD) chỉ cho các ứng dụng giao đồ ăn, nhưng sau khi chuyển sang thanh toán bằng tiền mặt, khoản chi tiêu này đã giảm gần 70%".
Tương tự, Yang Eun-bi, một nhà thiết kế web chuyên nghiệp 33 tuổi, cho biết: "Trước đây, phần lớn thu nhập của tôi sẽ dùng để thanh toán hóa đơn mà tôi đã mua bằng thẻ tín dụng, nhưng kể từ khi bắt đầu sử dụng tiền mặt, số tiền tiết kiệm của tôi đã tăng từ 0 lên 1,2 triệu won mỗi tháng".
Hay như Choi Su-ji, một YouTuber thường xuyên chia sẻ nỗ lực lập ngân sách của mình thông qua các video trên trang cá nhân của mình, cho biết việc tiêu tiền mặt thực sự rất bất tiện, thế nhưng chính sự bất tiện này đã giúp cô hay những người bạn của cô có thể gạt bỏ những khoản chi tiêu không cần thiết.
Các khoản chi tiêu cho đồ ăn hàng của cô là rất lớn. Trước đây, cô thường đặt đồ ăn thông qua các ứng dụng giao hàng. Thế nhưng, sau khi sử dụng tiền mặt, mỗi lần cần đặt hàng ở quán đều phải gọi điện trực tiếp cho nhân viên, rồi phải tự đến cửa hàng lấy đồ ăn vì đa phần shipper sẽ thiếu tiền lẻ để trả lại hoặc thậm chí là không có, cảm thấy bất tiện nên cô dần chuyển sang nấu ăn tại nhà.
Trong bối cảnh lạm phát tăng cao và tỷ lệ lạm phát cao sẽ kéo dài, việc tiết kiệm không còn chỉ là lựa chọn của nhiều người trẻ Hàn Quốc, nó là bắt buộc. Phương pháp quản lý tiền bạc "cash stuffing" không đơn thuần là một xu hướng trên mạng xã hội mang tính giải trí nữa. Nó là một trong những nhiều biện pháp "thắt lưng buộc bụng" được giới trẻ Hàn Quốc áp dụng.
Ví dụ, năm ngoái, thử thách "không chi tiêu" nổi lên, theo đó nhiều người sẽ thực hiện bỏ bữa hoặc chỉ ăn những thực phẩm còn sót lại trong tủ lạnh.
Tính đến nay, tìm kiếm hashtag "thử thách tiền mặt" (cách gọi khác của xu hướng "cash stuffing" trên Instagram đã cho ra kết quả hơn 360.000 bài viết, cùng với rất nhiều video dạng ngắn.
Theo những người tham gia xu hướng này, kỹ thuật lập ngân sách có sức hấp dẫn độc đáo, khiến việc tiết kiệm trở nên thú vị và mang lại những lợi ích khác kèm theo.
Thử thách này người ta sẽ cần một chiếc ví hoặc đồ cất trữ tiền có nhiều ngăn, giới trẻ lại rất thích thú với việc trang trí những chiếc ví hay những phong bì đựng tiền này. Một số người có năng khiếu và biết chớp thời cơ đã đã thử sức trong việc thiết kế phong bì theo yêu cầu và tạo ra một nguồn thu nhập cho mình.
"Lần đầu tiên tôi muốn có những chiếc phong bì độc đáo, khó tìm thấy ở các cửa hàng. Nhưng sau khi chia sẻ ảnh của chúng trên Instagram, tôi bắt đầu nhận được phản hồi tích cực và cuối cùng quyết định bán chúng", Kim, người đã mở một cửa hàng trực tuyến vào tháng 11, cho biết.
Thế nhưng, cái hại đó là việc chi tiêu thắt chặt của một bộ phận người tiêu dùng sẽ làm cho nền kinh tế thiếu đi động lực để vực dậy. Đồng thời, mục tiêu "xây dựng xã hội không tiền mặt" của chính phủ cũng sẽ bị trì hoãn.
Nguồn: Korea Herald