Cùng nhịp tim với người mẹ
Nếu cơ thể không duy trì được nhịp điệu căn bản nhất của sự sống – nhịp tim – chúng ta không thể sống sót. Quá trình điều hòa nhịp tim cũng không đơn thuần là giữ một trật tự cố định hay nhất quán: tim và não không ngừng truyền tín hiệu cho nhau để điều chỉnh theo những thay đổi của cuộc sống. Chẳng hạn, nhịp tim chúng ta phải tăng nhanh để chuẩn bị chống trả hay trốn chạy, và nó buộc phải duy trì được nhịp đập nhịp nhàng như thế bất chấp những đòi hỏi khác. Quá trình điều hòa nhịp tim trong lúc căng thẳng và điều chỉnh nồng độ nội tiết tố căng thẳng là hai nhiệm vụ tối quan trọng đòi hỏi sự chính xác về mặt thời điểm của não bộ.
Bên cạnh đó, rất nhiều nội tiết tố khác cũng được điều hòa theo nhịp điệu. Bộ não không chỉ tuân theo một nhịp điệu duy nhất: nó điều khiển nhiều nhịp sinh học cùng lúc, và tất cả những nhịp điệu này cần phải đồng bộ không chỉ với chu kỳ ngày và đêm (ở phụ nữ, chúng còn phải đồng bộ với chu kỳ kinh nguyệt hay các giai đoạn mang thai và cho con bú), mà đồng thời phải đồng bộ lẫn nhau.
Sự rối nhiễu ở các khu vực phụ trách duy trì nhịp điệu của não bộ thường gây ra chứng trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác. Thế nên các tình trạng rối loạn tâm thần gần như lúc nào cũng song hành với các vấn đề về giấc ngủ (theo một cách nào đó là sự lẫn lộn nhịp điệu ngày và đêm).
Trong điều kiện phát triển bình thường, một đứa trẻ sẽ tiếp nhận một nhịp điệu quen thuộc, để từ đó nhiều cơ chế khác sẽ đồng bộ theo. Khi được mẹ âu yếm lúc cho bú sữa, đứa trẻ sẽ được vỗ về bởi nhịp tim của mẹ. Trên thực tế, xúc chạm gần gũi này phần nào giúp điều hòa nhịp tim ở trẻ sơ sinh: có một lý thuyết cho rằng hiện tượng Đột tử ở trẻ sơ sinh (tử vong bất ngờ và đột ngột ở trẻ em dưới một tuổi, thường xảy ra trong khi ngủ hoặc trong khu vực ngủ của trẻ) xảy ra khi trẻ không được tiếp xúc về mặt thể chất với người lớn và do đó không có được những xúc tác giác quan tối quan trọng.
Một số nghiên cứu thậm chí cho rằng khi còn trong bụng mẹ, đứa trẻ đã có cùng nhịp tim với người mẹ. Chúng ta đều biết rằng nhịp tim của người mẹ giúp tạo nên những tín hiệu theo khuôn mẫu, lặp đi lặp lại – giúp kích thích thính giác, dao động và xúc giác – vốn đóng vai trò tối quan trọng trong việc tổ chức thân não và các hệ thống dẫn truyền thần kinh điều tiết căng thẳng.
Khi một đứa trẻ khóc vì đói bụng, nồng độ các nội tiết tố căng thẳng trong cơ thể em sẽ gia tăng. Nhưng nếu cha hoặc mẹ thường xuyên có mặt để cho trẻ ăn, nồng độ các nội tiết tố này sẽ quay về mức bình thường, và qua thời gian, chúng được điều tiết theo một khuôn mẫu được lặp đi lặp lại nhờ thói quen hằng ngày. Tuy nhiên, có những lúc trẻ sẽ thấy khó chịu và quấy khóc dù không thấy đói, không bị ướt tã và không bị đau hay bị thương; những lúc như thế dường như không có cách gì giúp trẻ ngơi khóc. Khi gặp tình huống này, hầu hết các bậc cha mẹ sẽ ôm và đung đưa đứa trẻ theo nhịp.
Gần như hoàn toàn theo bản năng, họ sẽ dùng những cử động nhịp nhàng và xúc chạm âu yếm để vỗ về đứa trẻ. Điều thú vị là nhịp điệu đung đưa của chúng ta khi dỗ trẻ con thường rơi vào khoảng tám mươi nhịp một phút, bằng với nhịp tim trung bình ở trạng thái nghỉ của người lớn. Nếu tốc độ nhanh hơn thế, đứa trẻ bị kích động bởi sự rung lắc; còn nếu chậm hơn thế, đứa trẻ sẽ không chịu nín khóc. Chúng ta dỗ dành trẻ nhỏ bằng cách hòa hợp cơ thể các em với nhịp điệu sự sống quan trọng nhất của chính mình.
Jane chỉ muốn tìm “đúng” thuốc và dạy Connor biết “hành xử”
Trên thực tế, một số lý thuyết trong lĩnh vực phát triển ngôn ngữ đã gợi ý rằng loài người đã học cách nhảy múa và ca hát trước khi biết nói, rằng âm nhạc mới thật sự là ngôn ngữ đầu tiên của con người. Và đúng là trẻ em có thể hiểu được nhạc điệu trong lời nói – ví dụ như ngụ ý của những tông giọng khác nhau – rất lâu trước khi hiểu được nội dung câu nói. Mọi người thường nói chuyện với trẻ sơ sinh – và hết sức thú vị là với cả thú cưng – bằng tông giọng cao để nhấn mạnh sắc thái trầm bổng, xúc cảm và tình yêu thương. Ở mọi nền văn hóa, dù hát hay hay hát dở thì người mẹ nào cũng hát ru con mình, điều này cho thấy âm nhạc và lời ca tiếng hát đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, Connor lại không được tiếp xúc với âm nhạc và nhịp điệu vào giai đoạn cậu bé cần đến nhất. Trong những tháng đầu đời, vào ban ngày, khi Connor bật khóc đã không có ai đến đung đưa và dỗ dành cậu bé để giúp hệ thống phản ứng căng thẳng và nồng độ hoóc-môn căng thẳng của em trở về trạng thái bình ổn. Dù cậu bé được chăm sóc bình thường vào các buổi tối và những ngày cuối tuần trong mười tám tháng đầu đời, nhưng khoảng thời gian tám tiếng liên tục bị bỏ mặc mỗi ngày đã để lại cho cậu bé những thương tổn kéo dài.
Để bù đắp lại những mất mát của Connor, chúng tôi quyết định cho cậu bé tham gia một lớp học về âm nhạc và chuyển động nhằm giúp cậu bé học cách giữ nhịp có ý thức, và hy vọng có thể giúp não bộ của cậu bé có được cảm nhận chung về nhịp điệu. Connor gặp rất nhiều khó khăn vào thời gian đầu tham gia lớp học, và Jane bắt đầu nản lòng.
Đến thời điểm đó, chúng tôi đã điều trị cho Connor được khoảng chín tháng. Những cơn bột phát của cậu bé không còn diễn ra thường xuyên như trước, nhưng đến một ngày, cậu bé bỗng nổi cơn thịnh nộ dữ dội ở trường. Nhà trường đã gọi cho Jane ở chỗ làm, yêu cầu cô phải đến trường đón con ngay lập tức.
Tôi vốn đã quen với những cuộc gọi đều đặn, lúc nào cũng trong trạng thái bấn loạn của cô, vài lần một tuần, nhưng sự cố này đã đẩy nỗi tuyệt vọng của cô đến giới hạn. Cô cho rằng việc điều trị cho Connor đã hoàn toàn thất bại, và tôi đã phải vận dụng hết mọi khả năng thuyết phục để cô đồng ý tiếp tục kiên trì với liệu trình của chúng tôi, liệu trình mà ai cũng công nhận là khác thường. Cũng như rất nhiều phụ huynh của các trẻ em gặp rối nhiễu khác, cô chỉ muốn chúng tôi tìm ra “đúng” thuốc và dạy Connor biết “hành xử” đúng tuổi.
Một cuối tuần nọ, tôi cau mày khi nhìn thấy số điện thoại của Jane hiện lên trên máy nhắn tin của mình một lần nữa. Tôi không muốn phải gọi lại cho cô và nghe thêm về một bước lùi khác, hay phải một lần nữa khuyên cô không nên thử những phương pháp thay thế chỉ gây phản tác dụng đến từ một “chuyên gia” nào đó mà cô mới được rỉ tai. Tôi phải ép bản thân gọi lại cho cô và hít một hơi thật sâu để giữ bình tĩnh. Tôi ngay lập tức nhận ra giọng nghẹn ngào của cô ở đầu dây bên kia, xác nhận nỗi lo sợ lớn nhất của tôi dường như đã thành hiện thực.
“Có vấn đề gì thế?”, tôi hỏi ngay.
“Ôi, bác sĩ Perry”, cô lên tiếng rồi nghẹn lại như đang cố dằn lòng trước khi nói tiếp. Tim tôi chùng xuống. Nhưng rồi cô tiếp tục: “Tôi phải cảm ơn anh. Hôm nay Connor đã chủ động đến gần tôi, ôm lấy tôi và nói rằng thằng bé yêu tôi”.
Đó là lần đầu tiên cậu bé bày tỏ tình cảm một cách tự nhiên đến thế. Thay vì lo ngại và hoài nghi như lúc trước, giờ đây Jane đã trở thành một trong những người ủng hộ nhiệt tình nhất đối với phương pháp điều trị của chúng tôi.