“Họ đang dạy trẻ sơ sinh làm toán”
Khi xem qua lịch sử điều trị của Connor, chúng tôi nhận thấy cậu bé đã nhận được hàng chục chẩn đoán tâm thần - thần kinh khác nhau ở nhiều thời điểm, từ tự kỷ cho đến rối loạn phát triển lan tỏa, tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), rối loạn trầm cảm nặng, rối loạn lo âu và nhiều nữa.
Năm mười bốn tuổi, Connor lần đầu được đưa đến khám ở chỗ tôi. Thời điểm đó, cậu bé đang được chẩn đoán rối loạn bùng phát gián đoạn (bao gồm các giai đoạn xuất hiện đột ngột, lặp đi lặp lại của các hành vi bốc đồng, hung hăng, bạo lực hoặc bột phát bằng lời nói tức giận), loạn thần và rối loạn giảm chú ý. Cậu bé đang phải uống năm loại thuốc điều trị tâm thần và điều trị với một nhà trị liệu có chuyên môn về phân tâm học. Connor bước đi xiêu vẹo, thiếu tự nhiên.
Những khi lo lắng hay căng thẳng, cậu bé sẽ lắc lư người, vặn vẹo hai bàn tay theo nhịp và tự ngâm nga những âm thanh không giai điệu khiến người khác cảm thấy vô cùng khó chịu. Thỉnh thoảng, cậu bé lại ngồi đung đưa từ trước ra sau, giống như Justin đã làm khi tôi gặp cậu bé lần đầu trong chiếc cũi ở bệnh viện. Connor không có bạn: cậu bé trở thành mục tiêu ưa thích của bọn bắt nạt. Connor được cho tham gia một nhóm kỹ năng xã hội với mục tiêu giúp cậu bé cải thiện tình trạng bị cô lập và kỹ năng tương tác kém, nhưng đến hiện tại những nỗ lực này đã hoàn toàn thất bại. Tôi nhanh chóng phát hiện rằng các can thiệp được sử dụng trong nhóm này chẳng khác gì đang dạy trẻ sơ sinh làm toán.
So với người bình thường, Connor rõ ràng có những biểu hiện kỳ quặc, nhưng cậu bé lại không hề có các triệu chứng điển hình của hội chứng tự kỷ lẫn tâm thần phân liệt. Hành vi của cậu bé thoạt nhìn có vẻ giống các bệnh nhi mắc các hội chứng này, nhưng cậu bé lại không bị “mù tâm trí” và cũng không thể hiện thái độ thờ ơ với các mối quan hệ – vốn là đặc trưng ở một số dạng tự kỷ – đồng thời, cậu bé cũng không có lối tư duy hỗn độn thường gặp ở các cá nhân tâm thần phân liệt.
Trong lúc thăm khám cho Connor, tôi có thể thấy cậu bé đang tìm cách giao tiếp với người khác, một đặc điểm rất hiếm gặp ở những người tự kỷ. Rõ ràng cậu bé có khả năng thích nghi xã hội kém, nhưng mức độ tương tác của em lại cao hơn rất nhiều so với bé trai tự kỷ điển hình. Đồng thời, vì cậu bé đang được cho dùng quá nhiều loại thuốc, rất khó để xác định đâu là các “triệu chứng” liên quan đến những vấn đề ban đầu em mắc phải, còn đâu là tác dụng phụ của thuốc. Tôi quyết định cho Connor ngừng dùng thuốc. Nếu sau một thời gian nhận thấy buộc phải can thiệp hóa dược, tôi sẽ cho em tái sử dụng.
Những biểu hiện của Connor rất khác thường, song lại không trùng khớp với những triệu chứng của tự kỷ và tâm thần phân liệt. Chúng gợi tôi nhớ về các tình trạng thường gặp ở các trẻ em gặp sang chấn vào thời thơ ấu hay từng bị bỏ mặc giống như Justin. Cụ thể, dáng đi nghiêng ngả kỳ lạ của cậu bé khiến tôi ngờ rằng nguồn gốc vấn đề có lẽ đã bắt đầu từ giai đoạn sơ sinh, bởi khả năng phối hợp di chuyển được điều tiết bởi vùng não giữa và thân não – các khu vực đồng thời có vai trò quan trọng trong việc điều phối phản ứng với căng thẳng. Thân não và não giữa cũng là những khu vực được hình thành sớm nhất trong quá trình phát triển, nên nếu có trục trặc xảy ra ở những phần não này thì khả năng cao chúng đã diễn ra khi đứa bé chưa tròn một tuổi.
Tôi đã xem xét cẩn thận quá trình phát triển của Connor và hỏi chuyện mẹ của cậu bé, về thời thơ ấu của con trai cô lẫn của chính cô. Jane là một phụ nữ lanh lợi, nhưng đầy vẻ lo âu và rõ ràng đang bị quá tải. Tuổi thơ của cô trôi qua êm đềm; cô là con một và được sống trong tình yêu thương của cha mẹ. Tuy nhiên thật không may cho Connor, Jane sống xa họ hàng nội ngoại và ít khi chăm sóc trẻ em. Hệ quả là khi sinh con đầu lòng, cô gần như không có kinh nghiệm với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Trong xã hội di động hiện đại, việc sinh con ít hơn, sống xa gia đình hơn và phân biệt tuổi tác nhiều hơn là hoàn toàn bình thường, vì thế mà nhiều người ít khi được tiếp xúc với trẻ nhỏ, từ đó không có cơ hội hiểu cách bọn trẻ hành xử ở mỗi giai đoạn phát triển. Hơn thế nữa, chương trình giáo dục phổ thông hiện tại cũng không bao gồm các nội dung lý thuyết hay thực hành về quá trình phát triển, cách chăm sóc trẻ em hay kiến thức cơ bản về sự phát triển não bộ ở trẻ nhỏ. Hệ lụy là tình trạng “mù mờ về trẻ em”, điều góp phần lớn gây nên những vấn đề ở Connor.
14 tuổi vẫn quấy khóc như một đứa nhỏ ba tuổi
Vài năm trước khi sinh con, Jane và chồng cô, đã chuyển từ New Jersey đến New Mexico để bắt đầu công việc kinh doanh, và họ kinh doanh khá phát đạt. Khi đã ổn định tài chính, họ quyết định có con và không bao lâu sau thì Jane mang thai. Cô được chăm sóc cẩn thận trong suốt thai kỳ, sinh thường và đứa trẻ ra đời hoàn toàn khỏe mạnh. Thế nhưng công việc kinh doanh bận rộn đã buộc Jane phải trở lại làm việc sau khi sinh con mới chỉ vài tuần. Vì từng nghe qua những câu chuyện kinh khủng ở nơi giữ trẻ, Jane và chồng đã quyết định thuê một bảo mẫu trông con tại nhà. Trùng hợp thay, lúc đó một người em họ của Jane cũng vừa mới chuyển đến sống ở khu vực lân cận và đang tìm việc làm, thế nên việc thuê cô em họ đến trông đứa bé dường như là giải pháp lý tưởng cho cả đôi bên.
Thật không may, Jane và Mark, chồng cô lại không hề hay biết chuyện người em họ đã nhận thêm một công việc khác ngay sau khi đồng ý đến trông con cho họ. Vì muốn kiếm thêm thu nhập, cô ta đã không kể với Jane hay Mark chuyện mình để mặc đứa trẻ ở một mình để đi làm công việc thứ hai. Cô ta cho ăn và thay tã cho đứa trẻ vào buổi sáng, rời khỏi nhà để đi làm, sau đó quay về để cho ăn và thay tã vào giờ nghỉ trưa, rồi có mặt tại nhà trước khi cha mẹ đứa trẻ đi làm về.
Cô ta có lo lắng chuyện đứa trẻ bị hăm tã hay khả năng xảy ra cháy nhà hoặc tai nạn khi để đứa trẻ ở một mình, nhưng lại không hề lo nghĩ về những tác động hết sức tiêu cực lên đứa trẻ vì hành động bỏ bê của mình. Cô em họ thậm chí còn thiếu hiểu biết về sự phát triển của trẻ em hơn cả Jane: cô không hề nhận ra rằng trẻ sơ sinh cần được quan tâm và âu yếm vỗ về không kém gì cần chất dinh dưỡng, sữa, quần áo sạch và một tổ ấm an toàn.
Jane kể rằng trong khoảng hai tuần đầu khi cô mới đi làm lại, tiếng khóc của Connor khi cô rời đi khiến lòng cô quặn thắt. Nhưng sau đó Connor bỗng ngừng khóc, nên Jane tưởng rằng mọi chuyện đã ổn thỏa. “Thằng bé rất dễ nuôi”, cô nói và kể lại một lần khi cô vô tình đâm kim băng quần áo trúng người con trai, Connor thậm chí đã không hề rên la. “Thằng bé không bao giờ khóc cả”, cô nói, rõ ràng không hề ý thức được rằng việc một đứa trẻ không bao giờ khóc cũng đáng lo ngại không kém việc một đứa trẻ lúc nào cũng khóc. Một lần nữa, cô lại bị sự thiếu hiểu biết về quá trình phát triển của trẻ em ngáng đường. Giống như Maria, cô hiểu lầm rằng khi một em bé lặng im không quấy khóc tức là em đang vui vẻ, hạnh phúc.
Tuy nhiên chỉ sau vài tháng, Jane bắt đầu nhận thấy có điều gì đó không ổn. Connor dường như phát triển chậm hơn các con của bạn bè cô. Cậu bé không biết ngồi, không biết lật và cũng không biết bò vào những độ tuổi mà các bạn đồng trang lứa đã làm được. Vì lo lắng con bị chậm phát triển, cô đã đưa Connor đến gặp bác sĩ nhi của gia đình. Nữ bác sĩ này rất giỏi trong việc phát hiện và điều trị các chứng bệnh thể chất, song lại không có chuyên môn trong việc nhận diện các vấn đề liên quan đến cảm xúc và tâm lý. Bản thân cô cũng không có con, nên về khía cạnh cá nhân, cô cũng không hiểu biết nhiều về tiến trình phát triển tâm lý trẻ em – và giống như đại đa số các bác sĩ khác, cô cũng không được tìm hiểu nhiều về vấn đề này trong chương trình đào tạo.
Vốn biết rõ về gia đình Jane nên vị bác sĩ bỏ qua khả năng đứa trẻ bị bạo hành hay bỏ bê. Do đó cô đã không hỏi những câu hỏi quan trọng, chẳng hạn như Connor có khóc hay không, hoặc cậu bé phản ứng với người xung quanh như thế nào. Cô đơn giản nói với Jane rằng mỗi đứa trẻ sẽ có tốc độ phát triển khác nhau và trấn an cô rằng có lẽ Connor sẽ sớm bắt kịp các bạn.
Tuy nhiên, một hôm, khi Connor tầm mười tám tháng tuổi, Jane rời chỗ làm về nhà sớm vì thấy không được khỏe. Ngôi nhà tối om, nên cô cho rằng bảo mẫu đã dẫn con mình ra ngoài chơi. Rồi cô ngửi thấy một mùi kinh khủng bốc ra từ phòng của Connor. Nhìn vào đằng sau cánh cửa khép hờ, cô phát hiện con trai mình đang ngồi một mình trong bóng tối, không đồ chơi, không âm nhạc, không bảo mẫu, trong một chiếc tã bẩn thỉu căng đầy chất thải. Jane bàng hoàng. Khi cô chất vấn người bảo mẫu, cô ta thú nhận mình đã để mặc Connor ở nhà để đi làm công việc khác.
Jane đuổi việc người em họ và nghỉ việc để ở nhà với con. Cô nghĩ mình đã cứu được một bàn thua trông thấy: cô cho rằng bởi con mình không bị bắt cóc, bị kẹt trong một vụ hỏa hoạn hay bị tổn thương về thể chất, thì hẳn trải nghiệm bị bỏ mặc một mình sẽ không để lại di chấn gì ở cậu bé. Cô đã không nhìn ra mối liên hệ giữa những hành vi càng lúc càng khác thường của con trai với hơn một năm ròng cậu bé bị bỏ mặc một mình gần như mỗi ngày.
Khi lớn lên, Connor càng ngày càng bị cô lập về mặt xã hội và bắt đầu xuất hiện các hành vi rập khuôn bất thường. Thế nhưng không một ai trong hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần, trường học, các giáo viên tại trung tâm giáo dục đặc biệt, các nhà trị liệu hoạt động hay các tham vấn viên từng tiếp xúc với cậu bé phát hiện ra lịch sử từng bị bỏ bê ở tuổi sơ sinh của em.
Người ta đã lãng phí hàng trăm ngàn đô-la và hàng trăm tiếng đồng hồ chỉ để cố điều trị hàng tá “rối loạn” của cậu bé. Kết quả chính là cậu bé mười bốn tuổi đứng trước mặt tôi lúc này, vừa đung đưa người vừa tự ê a, không có bạn bè, chìm đắm trong nỗi cô đơn và trầm cảm; một cậu bé không thể giao tiếp bằng mắt với người khác, vẫn la hét và quấy khóc như một đứa nhỏ ba tuổi; một cậu bé vẫn đang cần đến những kích thích mà não bộ em đã bỏ lỡ trong những tháng đầu đời.
Kỳ tới: Cách bắt tay có phần kỳ quặc của Connor