Shaobo Han thử ướm chân vào đôi giày gót nhọn đầu tiên năm 11 tuổi. Đôi giày, dĩ nhiên, không phải của anh. Han lén lấy nó từ tủ quần áo của mẹ anh, để, như anh nói, “luyện tập cách đi đứng” khi không có ai ở nhà. Từ nhỏ, Han đã nghĩ những đứa bé trai không được phép mang cao gót, nên anh chỉ dám chơi đùa cùng giày dép trong phòng riêng.
“Sau này tôi gặp một vài người bạn nam từng làm điều tương tự, thử diện quần áo hay giày của mẹ họ.” Chàng trai gốc Á hiện sống tại New York, trả lời phóng viên Daily Beast.
“Nó khiến tôi bất ngờ bởi chúng tôi chia sẻ cùng một trãi nghiệm tuổi thơ. Kể cả nếu lúc ấy, không ai dạy chúng tôi cách mang những đôi giày cao gót, chúng tôi vẫn muốn thử xỏ chúng vào chân".
Nhiều năm sau, đến tuổi trưởng thành, Han mua đôi cao gót đầu tiên của riêng anh tại một cửa hàng Forever21. “Tôi may mắn trong việc mua giày gót cao bởi size chân không quá lớn. Nhiều nam giới, thường có kích cỡ chân to hơn tôi, luôn phải chật vật khi chọn giày".
Ngày nay, tại Hoa Kỳ, nếu một nam thanh niên sở hữu cỡ chân lớn muốn tìm mua giày đế cao, giải pháp duy nhất là cửa hàng bày bán phục trang giả nữ. Địa chỉ quen thuộc của giới nghệ sĩ giả nữ (drag-queen), tuy nhiên, chỉ kinh doanh loại cao gót tạo hình cầu kỳ, đặc thù để diễu hành hoặc trình diễn trên sân khấu. Bạn sẽ khó lòng tìm ra một mẫu giày gót cao đơn giản, dễ mang.
[A2] Han tạo dáng trong những thiết kế giày da đế cao
Han hiện vừa theo đuổi đam mê thiết kế đồ họa, vừa điều hành ‘Syro’ - thương hiệu giày cao gót dành riêng cho nam giới, cùng một người bạn và đối tác. Công ty thời trang đặt trụ trở tại Brooklyn (New York) chuyên bán mặt hàng giày cùng bốt đế cao theo size đa dạng, phù hợp với cộng đồng LGBT nam.
Những thiết kế giày Syro biểu thị phong cách sành điệu, hợp thời nhưng không quá choáng ngợp, sặc sỡ. Trực tiếp nhắm vào tầng lớp khách hàng thuộc cộng đồng LGBT yêu thích mốt giày cao gót, Syro mong muốn mang đến cho họ cảm nhận ‘dung hòa’ giữa yếu tố thời trang lẫn giới tính.
“Chúng tôi nhận được thư phản hồi từ một số khách hàng trẻ tuổi, nói rằng họ rất biết ơn khi tìm ra thương hiệu Syro. Những chia sẻ tích cực ấy khiến tôi ấm lòng,” Han bày tỏ. “Họ kể đã mang giày cao gót đến tiệc tốt nghiệp trung học, hoặc tham dự đám cưới. Những sự kiến vốn thường mang nặng định kiến giới tính, nay là dịp để giới trẻ thể hiện gu thời trang cá nhân, cũng như thách thức chuẩn mực trang phục thông thường.”
Một mẫu giày ấn tượng từ thương hiệu Syro
Tuy nhiên, nhìn về tổng thể, ngành công nghiệp thời trang chính thống còn tồn tại xu hướng xem nhẹ, thậm chí lờ đi nhóm khách hàng là người chuyển giới, đồng tính. Giày cao gót bấy lâu vẫn được ngầm hiểu như món phụ kiện ‘không nhân nhượng’ cho sự phi giới tính.
Đầu tháng 10.2018, nhà thiết kế thời trang cao cấp Francesco Russo trình làng một bộ sưu tập giày gót nhọn đặc biệt, size từ 35-45, với lời quảng bá ‘phù hợp cho mọi giới".
Bậc thầy thiết kế giày người Ý cho biết: “Những mẫu giày này không phản ánh nỗ lực đấu tranh, hay minh chứng tuyên ngôn nhân quyền nào cả. Chúng đơn thuần chứa đựng thông điệp: xã hội cần không ngừng tiến bộ".
Dẫu trông mềm mại, gợi cảm, giày cao gót lại có lịch sử ra đời khá thăng trầm.
Khá nhiều loại giày cao gót cổ xưa được thiết kế dành riêng cho nam giới. Trên ảnh là một số mẫu giày cổ trưng bày tại Bata Shoe Museum.
“Ở Ba Tư, giai đoạn Trung cổ đã xuất hiện một loại giày gót cao bấy giờ chỉ dùng cho mục đích cưỡi ngựa.” Edward Maeder, sử gia và giám đốc bảo tàng giày Bata Shoe (Canada) chia sẻ.
Đến nửa cuối thế kỉ 17, vua Louis XIV là người mang đôi giày cao gót đầu tiên. Bộ sưu tập giày lộng lẫy của ông, thường có thiết kế tinh xảo, sắc màu nổi bật, duy nhất được sử dụng nhằm tôn dáng đôi chân hoàng đế nước Pháp.
Maeder lý giải: “Thời ấy đàn ông thường mặc quần ống túm, để lộ bắp chân. Nếu bạn mang giày đế cao, cơ bắp ở chân sẽ nở nang hơn. Phần cơ này càng to lớn, rắn chắc, người đàn ông càng được cho là nam tính và quyến rũ.”
Bước sang đầu thế kỉ 19, công chúng lại dần ‘đào thải’ giày cao gót khỏi danh mục thời trang nam. Đến kỉ nguyên này, thiết kế - hoa văn bắt mắt của giày đế cao trở nên quá ‘nữ tính,’ bị quy kết như biểu thị cho thói chưng diện hay tính nhu nhược.
Hơn một thế kỉ tiếp theo, khi văn hóa và thời trang giả nữ (drag) bắt đầu nhen nhóm rồi bành trướng tại Bắc Mỹ, giày cao gót vẫn mất rất lâu để thoát khỏi ‘cái bóng’ của sự nữ tính độc quyền.
Ngay cả ở đô thị sầm uất - đa chủng tộc như New York, khi bạn có thể ngồi khóc trên ghế tàu điện ngầm mà không phải lo ngại bị làm phiền, người ta vẫn phản ứng bất ngờ nếu nhìn thấy một nam thanh niên đi lại trên đôi cao gót. Vài cá nhân thậm chí tỏ ý nhục mạ, trêu chọc, cho thấy đủ kiểu hành vi không mấy thân thiện.
Vì sao một số nam giới, bất chấp áp lực kỳ thị, lẫn trãi nghiệm khó chịu thường thấy trong lúc mang giày gót cao, vẫn yêu thích chúng?
“Tôi nghĩ vì họ đủ khả năng mang chúng,” sử gia Maeder nhận xét. “Đôi giày giúp thay đổi dáng người bạn khi đi đứng. Giày gót cao rất hiệu quả để tôn đường cong cơ thể, khiến người mang cảm thấy bề ngoài trở nên mềm mại, lôi cuốn hơn. Nhu cầu làm đẹp có thể tạm thời khiến bạn gạt bỏ nỗi đau đớn, khó chịu.”
Vài năm trở lại đây, tình trạng ‘lên ngôi’ của xu thế thời trang phi giới tính đang giúp cộng đồng LGBT có nhiều hơn lựa chọn quần áo, phụ kiện. Thế nhưng, stylist người Mỹ William Graper băn khoăn trước vấn đề liệu những nhãn hàng lớn đang tích cực ủng hộ người đồng tính đơn thuần vì chủ trương lợi nhuận.
“Tôi có thể hiểu người yêu thời trang luôn hướng đến những bộ sưu tập, thương hiệu với tầm nhìn và phong cách phù hợp,” Graper lý giải. “Nhưng nếu bạn dành cơ hội sáng tạo, thiết lập xu hướng vào tay một nhà thiết kế LGBT, để họ được thử sức, mọi người đều có thể hưởng lợi. Bất kể động thái phía sau một chiến dịch thời trang là tốt hay xấu, hiệu ứng sau cùng vẫn quan trọng hơn hết".
Đề tài giới tính trong ngành công nghiệp thời trang, dẫu vậy, luôn phức tạp.
Năm 2016, Zara từng gây làn sóng chỉ trích ồ ạt sau khi ra mắt bộ sưu tập ‘đa giới tính’ - gồm loạt thiết kế quần áo thun len dáng rộng, có size chung cho nam lẫn nữ. Thương hiệu nổi tiếng từ Tây Ban Nha bị giới phê bình ‘tẩy chay’ với cáo buộc ‘lợi dụng’ thông điệp bình đẳng giới để thúc đẩy kinh doanh.
Tháng 8 năm nay, Chanel giới thiệu ‘dòng mỹ phẩm nam’ của riêng họ, làm dấy nên những phê phán tương tự. Sản phẩm như phấn nền, son dưỡng môi và chì kẻ mắt dẫu gắn mác ‘dành cho nam giới’, vẫn được xếp vào danh mục ‘mỹ phẩm phụ nữ’ trên trang web bán hàng chính thức của hãng.
Có lẽ niềm hứng thú đứng trên đôi giày cao gót chỉ là một trong số hàng loạt những nỗ lực dở dang của cộng đồng LGBT, những người hãy đang đấu tranh không ngừng để tìm lấy chỗ đứng.
Như Ý (tin, ảnh: DailyBeast, Instagram nhân vật)