Những ngày qua, giới hội họa đang bàn tán về việc một số ca sĩ ký tên vào tác phẩm hội họa trong các cuộc đấu giá từ thiện. Nhiều họa sĩ cho rằng dù bất cứ lý do gì, mục đích gì thì việc nghệ ký thêm tên của mình lên tranh của người khác là không nên và có thể tổn thương đến bức tranh cũng như tác giả.
Cụ thể, gần đây trên trang cá nhân của một nick name có tên Hoang Tuan (qua xác minh từ họa sĩ Siu Quý chúng tôi được biết đây là FB của ông Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM) có chia sẻ hình ảnh về một buổi bán đấu giá tranh trong một chương trình ca nhạc để quyên góp tiền giúp nữ diễn viên đang bị bệnh ung thư. Hình ảnh cho thấy các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Lê Quyên, Quang Lê… cùng nhau ký tên lên mặt một tác phẩm hội họa sau khi bán đấu giá thành công.
Kèm theo đó là một dòng trạng thái đầy cảm thán của tác giả có nội dung: “Khóc cho đứa con của mình bây giờ đã trở thành con của nhiều người khác (!) Đó là cách ứng xử văn hóa chăng (!)”.
Chia sẻ dòng trạng thái của Hoang Tuan trên trang cá nhân của họa sĩ Siu Quý - Ảnh: Chụp màn hình
Dòng trạng thái của Hoang Tuan sau đó nhận được rất nhiều sự chia sẻ và bình luận của giới hội họa trên cộng đồng FB, nhiều người tỏ ra “không vui” với việc làm của các nghệ sĩ nói trên. Trong số những ý kiến, có người gợi ý rằng: “Vẫn có cách làm vừa đầy đủ ý nghĩa vừa đẹp mà không ảnh hưởng đến tác phẩm, ví dụ như đặt một tấm toan trắng căng sẵn trên giá vẽ đặt cạnh bức tranh cho mọi người ký. Ai mua tranh sẽ nhận cả hai bức. Có khó gì đâu, tại sao phải ký tên lên mặt tranh?”
Đồng tình với quan điểm này, người chia sẻ dòng trạng thái của Hoang Tuan là họa sĩ Siu Quý cũng lên tiếng: "Tôi không đồng tình với việc các ca sĩ ký tên lên tác phẩm hội họa. Tôi mong muốn các nghệ sĩ nên cân nhắc trước khi đặt bút ký tên vào tranh".
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng ký lên bề mặt của một bức tranh trong một buổi đấu giá từ thiện
Như tất cả chúng ta đều biết, hội họa là một phạm trù thuộc ngành mỹ thuật (bên cạnh đồ họa nghệ thuật và điêu khắc). Hiểu một cách đơn giản, hội họa là vẽ tranh. Đó là sự sắp xếp (bố cục) các hình khối, đường nét, màu sắc, kết cấu vv... trên bề mặt hai chiều của chất liệu để tạo ra một hình ảnh mang tính thẩm mỹ cao. Người thực hiện công việc này là họa sĩ; một tác phẩm hội họa thường thể hiện ý tưởng, cảm xúc, thị yếu về cái đẹp dựa trên kỹ thuật vẽ tranh của cá nhân họa sĩ.
Đa số các họa sĩ đều cho rằng việc ký tên trên tranh vốn là một việc hệ trọng, chỉ sau việc vẽ. Chữ ký trên tranh phải làm sao ăn nhập với tranh, lại lột tả đúng cái chất của người vẽ, nó là dung mạo, bản sắc, dấu ấn cá nhân đậm nét của tác giả.
Hoại sĩ Bùi Trọng Du chia sẻ: "Năm 2009 tôi cũng bị một chủ gallery mua bức tranh “Cây cầu hạnh phúc” và mời một số quan chức ký lên mặt tranh và đấu giá!"
Theo giới họa sĩ, trong hội họa không có bất cứ quy định chung nào về vị trí chữ ký. Tuy nhiên, đa phần các họa sĩ chọn góc dưới bên tay phải để đặt chữ ký và biểu tượng cá nhân. Chữ ký của họa sĩ trên tranh trước hết là ý thức khẳng định đây chính là tác phẩm của họ sáng tạo và họ chịu tất cả trách nhiệm với nội dung liên quan đến bức họa.
Vì vậy rất ít họa sĩ thay đổi chữ ký trong suốt quá trình sáng tạo nghệ thuật của mình. Chữ ký cũng có thể là một phần không thể thiếu trong bố cục tổng thể của bức tranh. Có những bức tranh trở nên khác hẳn và mất giá trị sau khi điểm thêm những “chữ ký lạ”.
Các nghệ sĩ trong một buổi đấu giá tranh - Ảnh: Ione.
Trong hội họa đỉnh cao của Việt Nam, chúng ta có thể thấy chữ ký của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm là là NGE, danh họa Bùi Xuân Phái chữ ký nghiêng ngả y như những phố mà ông vẽ, danh họa Tạ Tỵ luôn chăm chút 2 chữ T thẳng đúng bằng nhau, thấp hơn một chút là năm sáng tác, danh họa Nguyễn Sáng thì ký ngang tàng, thẳng thắn, bộc trực như con người ông...
Chữ ký trên tranh của họa sĩ Tạ Tỵ trong một bức tranh
Quay trở lại câu chuyện các ca sĩ ký tên lên bức tranh bán đấu giá vừa qua, giới hội họa cho rằng nhiều người cùng ký tên lên một bức tranh có thể dẫn đến mất tính nguyên bản của tác phẩm, thậm chí có thể làm “nhiễu loạn” về định hướng thẩm mỹ của tác phẩm.
Việc các nghệ sĩ tổ chức bán đấu giá tranh để giúp đỡ người khác rất đáng được ghi nhận. Thế nhưng dù vô tình hay cố ý khi họ cầm bút để ký tên mình lên bề mặt của bức tranh là điều cần suy nghĩ.
Tiểu Vũ