Chúng ta vẫn nghĩ khi đủ khả năng chi trả cho mọi thứ mà mình mong muốn thì cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng và lý tưởng hơn. Thế nhưng, một thử nghiệm được trình bày trong cuốn sách “Dám nghĩ nhỏ” đã phủ định điều ấy, rằng dù cho người giàu thường có xu hướng hạnh phúc hơn người nghèo đi chăng nữa, thì tiền vẫn không có giá trị trong việc “cải thiện hạnh phúc của chúng ta”.
Thử nghiệm “Hai mươi đô-la”
Đây là một thử nghiệm được tiến hành bởi 3 nhà nghiên cứu Elizabeth Dunn, Lara Aknin và Mike Norton tại Canada.
Họ đưa những chiếc phong bì chứa hai mươi đô-la cho những người đi đường một cách ngẫu nhiên. Một số người sẽ nhận “món quà” từ trên trời rơi xuống này với lời đề nghị: trước năm giờ chiều, phải dùng hai mươi đô-la đó để mua cho mình một món quà, hoặc chi trả cho bất kỳ khoản chi tiêu nào của chính mình; và nhóm còn lại sẽ phải tiêu số tiền này vì người khác hoặc trao lại cho một quỹ từ thiện.
Bản chất thử nghiệm này không phải để tìm hiểu xem mọi người có xu hướng chi tiêu gì cho bản thân hay mua sắm gì cho người khác. Mục đích là để đo lường mức độ tác động của các khoản chi đó đến trạng thái hạnh phúc của chính họ.
“Đa số chúng ta đều sẽ nói ta cảm thấy hạnh phúc hơn khi chi hai mươi đô-la cho chính mình, chứ không phải cho người khác”, các nhà nghiên cứu nói. Thế nhưng, kết quả hoàn toàn ngược lại. “Những người tiêu tiền vì người khác (còn được gọi là ‘chi tiêu vì xã hội’) thường cảm thấy hạnh phúc hơn so với những người tiêu tiền vì bản thân họ”, 3 nhà nghiên cứu kết luận. Và khi số tiền được trích ra để chi tiêu vì xã hội càng cao thì mức độ hạnh phúc lại càng tăng.
Tất nhiên, nghiên cứu này có xác suất chính xác cao hơn đối với những ai không quá khốn đốn về vấn đề mưu sinh. Bởi lúc này, theo các tác giả, việc suy nghĩ cách sử dụng tiền bạc một cách hợp lý sẽ đem lại cho chúng ta nhiều lợi ích hơn là cố gắng kiếm thật nhiều tiền.
Vậy, nếu tiền – thứ mà lúc bấy giờ, mọi người vẫn tin là có thể mua được hầu như tất cả mọi thứ - lại gần như không thể mua được hạnh phúc, thì đâu mới là thứ giúp cuộc sống của ta trở nên đáng sống hơn?
Vốn dĩ, “Chúng ta thường không đoán được điều gì sẽ giúp mình cảm thấy hạnh phúc hơn”, các tác giả chia sẻ. Điều này dẫn tới hệ quả là ta sẽ đặt ra những mục tiêu sai cho cuộc sống ngay từ ban đầu.
Trong cuốn sách “Dám nghĩ nhỏ”, Service và Gallagher đã đem đến bộ hành vi nền tảng gồm 7 bước, được xem là cuốn cẩm nang giúp độc giả không ngừng tạo ra cú hích cho bản thân và đạt được thành công lớn nhờ để tâm đến các chi tiết nhỏ. Trong đó, Xác định mục tiêu là bước đầu tiên và sẽ là đúng hướng nếu bạn biết chính xác điều gì sẽ quyết định mức độ hạnh phúc của mình.
5 yếu tố cải thiện cảm giác hạnh phúc
Thử nghĩ về những người giỏi quảng giao quanh bạn, có phải hầu như khi nào gặp họ, bạn cũng cảm nhận được một nguồn năng lượng tích cực tràn đầy toả ra từ họ? Đó là bởi “Người thường giao tiếp xã hội sẽ hạnh phúc hơn so với những người ít giao tiếp xã hội”, các tác giả khẳng định.
Theo đó, nếu bạn thuộc một hội, nhóm, tổ chức bất kỳ, hay có khuynh hướng dành nhiều thời gian để xây dựng, gắn kết các mối quan hệ với người khác, thì khả năng cải thiện mức độ hạnh phúc của bạn cao hơn những người bình thường. Điều này cũng lý giải cho thực trạng người thất nghiệp luôn kém hạnh phúc hơn so với những người có việc làm.
Hơn nữa, theo các tác giả, những mối quan hệ xã hội bền vững còn mang đến cho chúng ta những lợi ích không tưởng về sức khoẻ thể chất.
Một số nhà khoa học sau khi thực hiện 148 công trình nghiên cứu với hơn 300.000 người đã phát hiện: “người nhận được sự hỗ trợ thích hợp từ xã hội sẽ có khả năng sống sót cao hơn 50% so với những người có hoàn cảnh tương tự nhưng lại không có những mối quan hệ xã hội chất lượng”.
Tham gia các hoạt động thể dục thể thao được xem là phương pháp hữu hiệu nhất để khơi dậy cảm giác hạnh phúc trong bạn, bởi lúc này, cơ thể chúng ta sẽ tiết hoóc-môn endorphin, hay còn được gọi với cái tên “hoóc-môn hạnh phúc”.
Cảm giác hài lòng với cuộc sống mà bạn cảm nhận tỷ lệ thuận với tình trạng sức khoẻ của bạn. “Nhiều nghiên cứu y học đã chỉ ra mức độ hạnh phúc thấp có liên quan đến các vấn đề về tim mạch, đột quỵ, thậm chí cả tuổi thọ.”, Service và Gallagher nói, “Nếu có quan điểm sống càng tích cực thì bạn sẽ càng ít có nguy cơ bị cảm cúm, và nếu mắc phải thì bạn sẽ có khả năng hồi phục nhanh hơn”. Cũng bởi thế mà tại Anh, rèn luyện thể chất là phương pháp điều trị đặc biệt dành cho những bệnh nhân mắc chứng lo âu, trầm cảm.
Có thể bạn chưa biết, nhưng khi càng hiểu biết, đầu óc càng được mở mang, kỹ năng và kiến thức càng được phát triển theo thời gian thì bạn sẽ càng trở nên hạnh phúc.
Điều này được lý giải là vì quá trình không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức sẽ thúc đẩy chúng ta cải thiện cảm giác tự tin vào bản thân, từ đó ta trở nên lạc quan và hài lòng hơn với chính mình.
Quan trọng hơn, việc này còn mang đến cho bạn lợi ích cộng hưởng từ các yếu tố giúp gia tăng mức độ hạnh phúc còn lại. Chẳng hạn như song song với việc nâng cao kiến thức của mình, ta có thể “Củng cố các mối quan hệ xã hội” khi tham gia vào các trường, lớp, câu lạc bộ, hay “Củng cố sức khoẻ và sự năng động” khi chơi các bộ môn thể thao.
Giáo sư tâm lý học của Đại học Harvard, Dan Gilbert đã đúc rút rằng giúp đỡ người khác chính là hành động tích cực mà chúng ta có thể làm trong cuộc đời, bởi những lợi ích mà nó đem lại không chỉ cho người nhận, mà đặc biệt là còn cho người trao đi, như nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, giảm nguy cơ tử vong, hay cảm thấy yêu đời hơn nhờ sự sản sinh của “hoóc-môn yêu thương” oxytocin…
Như thí nghiệm “Hai mươi đô-la” phía trên, rõ ràng việc chi tiêu tiền bạc cho người khác đã đem lại niềm vui cho chúng ta đáng kể. Nhiều nghiên cứu khoa học cũng đã kết luận những hoạt động thiện nguyện giúp cuộc sống của chúng ta trở nên ý nghĩa và hạnh phúc hơn.
Và dĩ nhiên, như các tác giả chia sẻ, “chúng ta có thể giúp đỡ người khác theo nhiều cách, chứ không phải chỉ bằng tiền”.
Hiếu kỳ, dưới định nghĩa của Service và Gallagher, không có nghĩa là tò mò hay tọc mạch, mà là “chủ động ‘chú ý’ từng hình ảnh, âm thanh, cũng như tất cả những gì đang diễn ra quanh ta, và quan tâm đến từng khoảnh khắc”. Đối với những ai đã từng tìm hiểu về chánh niệm thì đây cũng có thể được ví như thiền định – đưa nhận thức vào từng chuyển động quanh mình trong hiện tại.
Các khoá học về khám phá sức mạnh nội tại và phát triển cảm xúc là nơi chúng ta có thể nuôi dưỡng tính hiếu kỳ. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những người tham gia các chương trình này sẽ có mức độ hài lòng với cuộc sống cao hơn và trải nghiệm hạnh phúc cũng nhiều hơn. Theo nhận định của các tác giả thì giá trị mà chúng đem lại sẽ kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.