Đám cưới 'xưa' ở miền Tây Nam Bộ, nhớ biết chừng nào

Trương Chí Hùng25/03/2021 09:30
Đám cưới 'xưa' ở miền Tây Nam Bộ, nhớ biết chừng nào

Bữa đó đi công tác ở dưới U Minh Thượng, vào quán ăn, thấy đề món bún cù lao, cả đoàn ngạc nhiên không hiểu đây là món gì.

Hỏi ra mới biết, đó là món bún được nấu theo kiểu cù lao ngày xưa, và cũng được đựng trong cái cù lao cho thực khách dùng. Nghe đến đây, mấy vị khách quê ở miền Tây liền nhận ra ngay, riêng khách miền ngoài thì đành chịu, vì chẳng ai biết cái “cù lao” là cái gì. Thực ra, vốn dĩ cù lao là danh từ người miền Tây dùng để gọi một khoảng đất cát nổi lên giữa sông, do phù sa bồi đắp lâu ngày mà thành. Ở miền Tây có những cù lao rộng hàng trăm cây số vuông, dân cư sinh sống đông đúc, như cù lao Minh ở Bến Tre, cù lao Dung ở Sóc Trăng, cù lao Ông Chưởng, cù lao Giêng ở Chợ Mới, An Giang. Cũng có những cù lao chỉ là mảng đất nhỏ nổi lên, trên ấy mọc vài chòm cây bụi cỏ.

chiec-cong-dam-cuoi-bang-la-dua-dam-chat-mien-tay.jpg
Chiếc cổng đám cưới bằng lá dừa đậm chất miền Tây - Ảnh: Chí Hùng

Từ “cù lao” cũng được dân miền Tây dùng để chỉ một món ăn giống như cái lẩu hiện giờ. Sở dĩ gọi vậy là vì món này được đựng trong cái cù lao, một vật dụng làm bằng chất liệu thau, hình dáng giống như cái chân đèn dầu nhưng lớn hơn. Chính giữa là hình trụ tròn, rỗng, dùng để chứa than nóng. Xung quanh là bộ phận chứa nước lẩu và thức ăn, có nắp đậy. Ngày xưa, đám tiệc ở miền Tây đều phải có món cù lao. Đến nỗi đi ăn đám cưới ở miền Tây người ta gọi là “đi ăn cù lao”. Khi hỏi một ai đó khi nào lấy chồng hoặc lấy vợ, người ta sẽ nói: “Ê, chừng nào cho ăn cù lao đây mậy?”.

Người miền Tây đi ăn đám cưới gọi là đi ăn cù lao, bởi cù lao là món chủ đạo, không thể thiếu trong đám cưới trước đây. Món cù lao gần giống như món lẩu ngọt ngày nay. Thịt heo, thịt gà, thịt vịt đều nấu cù lao được. Các loại thịt này nấu chung với đậu phộng, củ cải, bắp cải, nấm, tôm khô... Món cù lao thường được gia chủ dọn ra vào cuối buổi tiệc. Người ta cũng thường dựa vào chất lượng của món này để đánh giá chung xem thợ nấu đám có khéo tay hay không. Bởi vậy, ai đi đám cưới mà ăn chưa tới món cù lao là coi như bữa tiệc của người ấy chưa trọn vẹn.

Người miền Tây ăn đám giỗ thì không câu nệ soi xét, chớ ăn đám cưới thì bà con cũng... khó tính lắm. Nhiều người cho rằng đám cưới là tiệc có chuẩn bị trước của gia chủ, nếu gia chủ không nấu nướng hay tiếp đãi chu đáo thì chắc là gia chủ coi thường mình. Với lại, đám cưới phải đi thiệp, phong bì, nên người ta có "quyền" xét nét. Còn ăn đám giỗ nhiều khi chỉ mua một xị rượu để hùn với gia chủ, rồi được ăn nhậu tới chiều, ai mà dám bắt lỗi bắt phải gia chủ nữa. Ở đám cưới, bà con để ý từ chất lượng bữa tiệc, đến thái độ phục vụ của gia chủ, kể cả cách đón tiếp và tiễn khách họ cũng lưu tâm. Nếu chủ lễ mà sơ sót, bà con phật ý trong bữa tiệc là một chuyện, sau đó họ còn đồn đại râm ran suốt một thời gian dài.

dam-cuoi-mien-tay-the-hien-ro-net-tinh-lang-nghia-xom-va-loi-song-co-ket-cong-dong.jpeg
Hàng xóm chung tay giúp dựng rạp đãi đám cưới - Ảnh: Chí Hùng

Trước đây, khi nhà nào chuẩn bị đám cưới, thì một người đàn ông có uy tín trong gia đình đó sẽ cầm chai rượu có quấn giấy đỏ đi mời khắp xóm giềng. Đến nhà nào cũng vậy, người đó cung kính chào hỏi, sau đó lễ phép mời gia chủ một ly rượu, rồi mới nói lý do và mời đám. Lời nói phải thật sự lưu loát, dùng nhiều kính ngữ vì người ta quan niệm rằng nói vấp váp thì đôi uyên ương sẽ có thể trắc trở trong mối lương duyên, còn nếu nói quá xuề xòa thì xem như coi thường khách mời, có thể vì thế mà họ sẽ phật ý, không thèm đi dự đám cưới.

Ngặt một nỗi, đi đến đâu thì người mời đám cũng phải uống rượu, chủ nhà đôi khi chỉ nhấp môi nhưng người đi mời thì phải uống cạn. Do vậy mà chỉ được vài ba hộ, người đi mời đã ngà ngà say, thế là không dám đi tiếp vì sợ có rượu sẽ ăn nói hàm hồ, đành quay về nhà ngủ một giấc rồi hôm sau đi mời tiếp. Có lúc mời đám mà ghé ngay nhà “chiến hữu”, thế là làm xong nghi thức như đã nói, họ bèn tổ chức luôn một bữa rượu tại gia. Khỏi nói thì cũng biết kết quả thế nào rồi. Bởi vậy, nhiều khi có một đám cưới thôi mà người ta phải đi mời hàng tháng trời mới giáp.

may-tam-van-ngua-dat-trong-bep-cho-may-ba-may-co-de-thit-tha-thuc-an-len-do.jpeg
Chuẩn bị đồ ăn đãi cưới - Ảnh: Chí Hùng

Thông thường thì đám cưới vui nhất là giai đoạn chuẩn bị cho đến ngày nhóm họ, chớ mấy ngày đãi khách hoặc đưa dâu, rước dâu thì ai cũng bận rộn, không có thời gian đâu mà tận hưởng niềm vui. Trước đám cưới khoảng 5 ngày là người ta đã bắt đầu lục đục chuẩn bị. Cánh phụ nữ thì họp bàn sẽ nấu bao nhiêu mâm, nấu những món gì, phân công ai bếp chính ai bếp phụ, ai đi mượn dao thớt chén đĩa, ai đi chợ mua thịt, rau củ, gia vị. Cánh nam nhi thì kéo nhau đi chặt cây dựng rạp, đi mượn mấy bộ lư đồng về để trên bàn trưởng tộc, vác mấy bộ bàn ghế về chuẩn bị đãi khách. Cả mấy tấm ván ngựa dày cộp cũng được vác về, có tấm thì để trong bếp cho mấy bà mấy cô sắp xếp đồ ăn trước khi lên mâm, có tấm để ở góc nhà cho khách ngả lưng khi mỏi mệt.

Trước đây, hầu như nhà nào có đám cưới thì cả xóm đến chung tay chuẩn bị, mỗi người một việc, nặng hay nhẹ tùy theo sức. Ai có vật dụng gì phục vụ được cho đám thì cũng đem đến cho mượn, người cái dao người cái thớt, người bộ ghế bộ bàn, cứ thế mà chủ tiệc tươm tất mọi thứ để đãi khách. Có người làm ăn khá giả, thế là mua sẵn bàn ghế chén đĩa để sẵn trong nhà. Không phải để họ xài mà để dành nhà nào có đám cưới thì cho mượn. Mà mượn xài có khi sứt mẻ chút đỉnh cũng không bắt đền hay than trách gì.

Nói chung, trong những lúc có đám tiệc như thế, mới thấy tấm lòng của người miền Tây Nam Bộ sống với nhau như bát nước đầy. Dù đôi khi tiếp đám có cực nhọc, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, nhưng ai cũng vui vẻ. Dường như sự hoan hỉ của gia chủ đã lan tỏa sang mọi người.

Chuẩn bị mọi thứ vừa xong cũng là đúng ngày nhóm họ. Nếu nhà nào mần heo làm đám thì đêm nhóm họ thực khách thế nào cũng được thưởng thức món cháo lòng nóng hổi thơm ngon. Còn nếu nhà không mần heo mà đặt thịt ở chợ, thì đêm nhóm họ người ta thường đãi cháo vịt. Có thể kèm theo nhiều món phụ nữa, nhưng món cháo thì nhất định phải có. Bởi vậy, nhiều người gọi đi ăn bữa nhóm họ là “đi ăn cháo khuya”. Cánh phụ nữ ăn cháo xong thì đi chuẩn bị kỹ càng bếp núc để sáng sớm phải kịp đỏ lửa, còn quý ông thì đương nhiên uống rượu tới khuya.

phu-nu-trong-xom-cung-nhau-nau-dam-cuoi-trong-niem-hoan-hi.jpeg
Đám cưới là dịp gắn kết tình làng nghĩa xóm - Ảnh: Chí Hùng

Sau mấy ngày chuẩn bị vất vả, giờ là lúc cánh đàn ông tận hưởng thành quả của họ. Họ uống và nhận xét cổng đám cưới đã được làm công phu như thế nào, về cái rạp này được dựng vững chãi ra sao. Có khi họ nói về công lúa mới trổ đòng đòng, nói về một loại thuốc trị rầy nâu rất hữu hiệu mà họ vừa mua về xịt. Nói chung đủ chuyện trên trời dưới đất được cánh mày râu sẻ chia. Rượu vào lời ra. Uống và nói. Nói và uống. Cứ thế cho đến khuya, có khi tới sáng. Không sao cả, dân quê mà, lâu lâu nhậu một lần nhằm nhò gì. Họ về nhà tắm rửa, thay bộ đồ lịch sự vào, đến dùng bữa điểm tâm, uống mấy ly trà xong là khỏe re, có thể bưng bàn ghế, xếp chén đũa chuẩn bị đãi khách. Lúc này, trong bếp thợ nấu cũng đã xong mấy món khai vị.

Ngày xưa, ở miệt quê, ngày nào có đám cưới thì cả xóm vui như hội. Người lớn nô nức ăn mặc đẹp đi dự đám. Con nít thì rồng rắn kéo nhau đi xem cô dâu chú rể. Ngộ là, nhiều khi ngày thường đã quá quen mặt với cô dâu chú rể rồi, nhưng bữa đám cưới phải nhìn thấy mặt cô dâu chú rể một cái mới toại nguyện. Có đứa còn chơi ác, cô dâu chú rể vừa bước ra là tụi nó hát to: “Cô dâu chú rể/làm bể bình bông/đổ thừa con nít/bị đòn nát đít”. Hát xong cả nhóm chen nhau vừa cười vừa chạy, chạy một chút rồi quay lại đám cưới chơi tiếp.

Nếu để ý kỹ, ta sẽ thấy mấy cô mấy chị khi đi đám cưới thường ăn mặc đẹp, và hình như nhà có bao nhiêu vàng là lấy ra đeo hết, nào dây chuyền, nào đeo bông, nào cà rá, nào vòng tay. Nếu nhà nào không có, họ sẽ đi mượn mấy nhà khác để đeo, đi đám cưới về rồi tháo ra trả lại. Khổ nỗi mấy cô mấy chị ở quê quanh năm tay lấm chân bùn, nước da đen sạm vì nắng vì mưa, nên khi đeo vòng vàng lóng lánh thì vàng ra vàng mà người ra người, chẳng thấy ăn nhập vào đâu. Nhưng kệ, đi đám cưới thì phải đẹp, nếu không đẹp thì cũng phải sang, cho người ta thấy mình là người có của.

lau-cu-lao-1-1641.jpg
Cái cù lao chứa thức ăn - Ảnh: Internet

Cánh đàn ông thì cũng ăn mặc gọn gàng lịch sự, nhưng không quan tâm đến phụ kiện trang sức, mà quan tâm đến các “chiến hữu” có thể nhậu tới bến với mình. Lâu lâu có đám tiệc một lần nên họ thường gác chuyện đồng áng qua một bên để chơi xả láng, đến khi ra về là say quắc cần câu. Đám cưới quê ngày xưa không có âm nhạc hát hò như bây giờ. Người ta ăn uống nhậu nhẹt và tâm sự với nhau đủ thứ chuyện. Ngoài chuyện đến chúc phúc cho gia chủ, đám cưới còn là dịp người dân quê được sẻ chia tâm sự, để vơi đi nỗi nhọc nhằn cơ cực.

Đám cưới ở miền Tây trước đây thường đưa dâu và rước dâu bằng tàu ghe. Bởi vậy, cánh mày râu tha hồ nhậu nhẹt mà không sợ cảnh lái xe mất an toàn hay bị công an đo nồng độ cồn như bây giờ. Thông thường, đàng trai qua nhà đàng gái thì chỉ được đãi bánh nước chớ không đãi tiệc, đến khi làm lễ xong thì rút lui. Còn đàng gái qua đàng trai thì được đãi ăn uống hoành tráng lắm. Mỗi bàn đều có người bên phía đàng trai ngồi chung, để tiếp đãi cho họ nhà gái. Bàn của mấy chị mấy cô thì chỉ ăn uống và trò chuyện. Chớ bàn của mấy anh mấy chú thì đương nhiên phải có rượu. Thậm chí, đàng trai phải cử những người nhậu mạnh nhất để tiếp rượu đàng gái.

Có điều, thời gian dùng tiệc bên nhà trai không thể kéo dài mãi. Đến khi các vị trưởng tộc dùng bữa xong là xin kiếu về. Lúc này, các bàn nhậu bắt đầu tăng tốc, có khi mỗi người uống một lần hai ba ly rượu như chơi. Để thể hiện sự nhiệt tình, cánh đàng trai còn cầm theo mấy chai rượu đưa tiễn các chiến hữu của mình từ nhà chú rể xuống tới tận chỗ chiếc tàu đưa dâu đang đậu, đi vài bước là uống với nhau một cái. Uống đã đời rồi, khi họ nhà gái đã lên tàu hết, phía đàng trai còn gửi thêm mấy chai rượu và vài đĩa mồi lên tàu. Tàu rời bến, mấy anh trên tàu lúc này mới đem rượu đem mồi ra nhậu tiếp. Tàu chạy cứ chạy, mấy anh cứ uống. Uống đến khi nào tàu về đến bến thì mới nghỉ. Bởi vậy, dân gian gọi là “nhậu tới bến”. Sau này, cụm từ đó được dùng với nghĩa rộng hơn, là nhậu đến khi nào say bí tỉ mới thôi.

dam-cuoi-la-dip-ba-con-don-chung-vui-va-chuc-phuc-cho-gia-chu-dong-thoi-cung-la-dip-de-ba-con-gap-go-tam-su-tham-hoi-nhau.jpg
Chung vui và chúc phúc cho cô dâu, chú rể - Ảnh: Chí Hùng

Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống tiện nghi hơn nên dần dà đám tiệc người ta cũng thuê mướn đồ đạc, đặt nhà hàng nấu nướng và tiếp đãi khách hết. Khỏe thì có khỏe, nhưng mất đi biết bao niềm vui của những ngày gái trai trong xóm hồ hởi đi tiếp đám, mất đi sự kết cộng đồng ở chốn thôn quê mà chỉ có trong đám cưới truyền thống mới rõ nét nhất. Tệ hơn nữa là bây giờ hầu như nhà nào có đám cưới gia chủ cũng thuê dàn âm thanh công suất lớn về hát hò ỏm tỏi. Người đi dự đám lâu ngày gặp nhau, có biết bao câu chuyện cần sẻ chia nhưng không nói được, vì tiếng hát đã lấn át mất tiếng nói. Họ chỉ đành ngồi ăn uống và nhìn nhau, đợi nhạc dừng thì tranh thủ nói với nhau vài tiếng, rồi nhạc cất lên và họ lại ăn uống trong sự lặng lẽ.

Có nhiều người không chịu nổi tiếng nhạc “tra tấn”, nể lòng gia chủ họ vẫn đến dự tiệc, nhưng chỉ ăn qua loa một lát thì rút lui. Cứ thế, mỗi ngày trôi qua, những nét đẹp trong tình làng nghĩa xóm, trong các lễ tục dân gian lại mờ nhòa dần. Có lúc, đang ngồi dự đám cưới mà lòng ngơ ngẩn buồn, thấy nhớ cái đám cưới miền Tây ngày xưa biết chừng nào.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
1

Công ty sách First News chuẩn bị kiện Shopee vì sách giả, sách lậu15

Công ty TNHH Văn hóa - Sáng tạo Trí Việt (First News) đang lập vi bằng và khẳng định chuẩn bị khởi kiện sàn thương mại điện tử Shopee Việt Nam.

Bình yên và hàn gắn trong nhiếp ảnh khỏa thân

Những bức ảnh khỏa thân đen trắng huyền hoặc này được thực hiện bởi một nữ nhiếp ảnh gia đang đi tìm sự bình yên và hàn gắn trong tâm hồn.

Bên tách cà phê - Brazil từ thuộc địa trở thành cường quốc cà phê thế giới

Cà phê được trồng ở Brazil với mục đích ban đầu là khai thác thuộc địa. Thế nhưng, chính cà phê đã trở thành yếu tố quan trọng thúc đẩy kinh tế, đưa Brazil vươn lên vị thế cường quốc cà phê thế giới.

Một cách hiểu khác về nhiếp ảnh khỏa thân

Trong sự nghiệp trải dài hơn 20 năm của mình, nữ nhiếp ảnh gia người Brazil - Mona Kuhn (52 tuổi) đã luôn theo đuổi chủ đề nhiếp ảnh khỏa thân.

Ảnh người phụ nữ phơi cá của Việt Nam là bức ảnh du lịch đẹp nhất

Trong tuần qua, giải ảnh quốc tế uy tín Sony World Photography Awards 2021 Open Competition đã chính thức công bố 10 bức ảnh thắng giải ở các hạng mục.

'Hoàng tử Phục hưng' Raphael: Cuộc đời đoản mệnh, hưởng đủ lạc thú

Danh họa người Ý Raphael (1483 - 1520) chỉ sống trên đời 37 năm nhưng đã tạo nên một tầm ảnh hưởng vĩ đại trong lịch sử hội họa.

Triển lãm số 'Lặng yên rực rỡ' về Claude Monet và Pierre Bonnard

Từ ngày 19/03 - 24/04/2021, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) sẽ mở cửa triển lãm số “Lặng yên rực rỡ” – lần đầu tiên giới thiệu các tác phẩm phiên bản số của hai đại danh hoạ người Pháp Claude Monet và Pierre Bonnard tại Việt Nam.

Kiến trúc sư giành giải Nobel kiến trúc là phủ thủy hồi sinh các tòa nhà ở xã hội

Ane Lacaton và Jean-Philippe Vassal, được biết đến là những kiến trúc sư cải tạo và hồi sinh các tòa nhà cũ kỹ đã vinh dự được giải Pritzker 2021. Đây được xem là giải thưởng danh giá nhất trong ngành kiến trúc thế giới, tương đương với giải Nobel.

Nhà văn Kim Lân, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm được xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh

Bộ VHTT-DL đã đăng tải danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2021.

Tự do - Như chim tung cánh: Đi tìm chìa khóa của tự do thực thụ

Với những chia sẻ đầy khai mở, cuốn sách “Tự do – Như chim tung cánh” giúp người đọc xác định những trở ngại đối với tự do của họ, có thể do hoàn cảnh hoặc do bản thân họ tự áp đặt, tìm thấy lòng dũng cảm để thành thật với chính mình.

5 câu nói người EQ cao không bao giờ "treo" cửa miệng

Kỹ năng - Đông - 18/01/2025 12:00
Đây chính là "bí quyết" giúp người EQ cao luôn được lòng mọi người.

Cùng bị đánh lén, vì sao Trương Tam Phong và Vô Danh Thần Tăng phản ứng trái ngược?

Thư giãn - Chi Chi - 18/01/2025 11:00
Liệu sự khác biệt này của Trương Tam Phong và Vô Danh Thần Tăng có đến từ thực lực hay còn nguyên nhân nào khác?

Vì sao ông chủ shop không nhận cậu bé xin việc để mua quà sinh nhật cho em?

Truyền cảm hứng - Nguyễn Duy - 18/01/2025 10:00
Cậu bé học lớp 6 ở xã Nghi Phong, thành phố Vinh (Nghệ An) đạp xe ra phố, vào một shop (cửa hàng) thời trang xin việc. Hành động đẹp của ông chủ sau đó khiến câu chuyện cuối năm kết lại ấm áp.

Từng chê bai phim Sex Education, tôi bật ngửa về cách dạy con sai lầm của mình

Từ sách - Phim - Mỹ Hạnh - 18/01/2025 09:00
Tin nhắn chỉ vỏn vẹn 3 từ của con trai nhưng khiến tôi thao thức cả đêm.

Tự do - Như chim tung cánh: Đi tìm chìa khóa của tự do thực thụ

Từ sách - Phim - Đan Thanh - 18/01/2025 08:00
Với những chia sẻ đầy khai mở, cuốn sách “Tự do – Như chim tung cánh” giúp người đọc xác định những trở ngại đối với tự do của họ, có thể do hoàn cảnh hoặc do bản thân họ tự áp đặt, tìm thấy lòng dũng cảm để thành thật với chính mình.

Không nên chia sẻ quá nhiều với chatbot AI

Kỹ năng - PL - 17/01/2025 12:00
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, người dùng không nên chia sẻ quá nhiều thông tin với chatbot AI, đặc biệt là những dữ liệu riêng tư.

Vì sao Giang Nam Thất Quái mất 10 năm không bằng Hồng Thất Công dạy Quách Tĩnh chỉ 1 tháng?

Thư giãn - Nguyệt Phạm - 17/01/2025 11:00
Vì sao 10 năm khổ luyện cùng Giang Nam Thất Quái lại không hiệu quả bằng 1 tháng học nghệ với Hồng Thất Công?

Nhiều người Việt trẻ lướt mạng xã hội hơn 3 giờ mỗi ngày

Phong cách sống - Ngọc Hiền - 17/01/2025 10:00
Báo cáo "Cuộc sống số của người Việt Nam" của Q&Me cho thấy, có đến 51% người trẻ trong độ tuổi 18 - 29 tuổi dành trên 3 giờ mỗi ngày để sử dụng mạng xã hội.

Trong 'Tây Du Ký' 4 đồ đệ của Đường Tăng đều phạm luật trời vì sao Bồ Tát vẫn chọn?

Từ sách - Phim - Tùng Lâm - 17/01/2025 09:00
Trong "Tây Du Ký", Đường Tăng đã thu nhận 4 đệ tử. Cả 4 người này đều phạm luật trời và được Quan Âm "chỉ điểm" trước khi theo Đường Tăng đi thỉnh kinh.

Sếp tồi - 3 cách để bạn không còn cảm thấy vội vã, hối hả mỗi dịp cuối năm

Từ sách - Phim - TĐ - 17/01/2025 08:00
Bạn có thấy gần cuối năm và lịch làm việc của bạn không một khoảng trống?  Cuối tuần rồi mà bạn vẫn không được nghỉ ngơi? Bạn có cảm thấy áp lực khi phải hoàn tất mọi việc trước khi kết thúc năm không?

Lo ngại TikTok bị cấm ở Mỹ, người dùng đổ xô tải app 'bản sao': Xiaohongshu

Kỹ năng - Vũ Anh - 16/01/2025 12:00
Đây một ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến ở Trung Quốc nhưng ít được biết đến bên ngoài đất nước.

Nhà khoa học cấp cao Nvidia ngỡ ngàng vì video robot hình người của Engine AI

Thư giãn - Sơn Vân - 16/01/2025 11:00
Engine AI hy vọng tận dụng được sự quan tâm với các robot hình người của mình bằng cách giảm giá trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt tại Trung Quốc.

Nguyên tắc dụng quân của Sếp giỏi: Trọng ‘Nhân tài’ - không cần tìm ‘Nô tài’

Suy ngẫm - Diệu Đan - 16/01/2025 10:00
Nhìn chung, ở nơi làm việc, giữ quy tắc, mới có được sự tin tưởng; có nguyên tắc, mới đáng để giao phó. Cho dù là công việc hay cuộc sống, việc "làm cho người khác cảm thấy yên tâm" là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của một cá nhân.

Xem phim Sex Education, tôi đúc rút bài học quý báu để dạy con trai

Từ sách - Phim - Mỹ Hạnh - 16/01/2025 09:00
Bộ phim Sex Education đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều trong việc dạy dỗ con cái.

Con đường chuyển hóa - Để không trở thành nạn nhân của vọng tưởng

Từ sách - Phim - Quìn - 16/01/2025 08:00
Khi đối diện một vấn đề, ta thường hay tự mình suy diễn, tưởng tượng đủ thứ, để rồi phiền não, đau buồn vì cái tưởng của mình. Nhưng ít ai nhận ra rằng, cái mà ta thấy chỉ là ảo ảnh do tâm tạo nên chứ không phải cái biết chân thật của mình.
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Chủ nhật, 19/01/2025