'Hoàng tử Phục hưng' Raphael: Cuộc đời đoản mệnh, hưởng đủ lạc thú

21/03/2021 14:30
'Hoàng tử Phục hưng' Raphael: Cuộc đời đoản mệnh, hưởng đủ lạc thú

Danh họa người Ý Raphael (1483 - 1520) chỉ sống trên đời 37 năm nhưng đã tạo nên một tầm ảnh hưởng vĩ đại trong lịch sử hội họa.

Dù tuổi đời ít ỏi hơn Michelangelo (1475 - 1564) và Leonardo da Vinci (1452 - 1519), nhưng Raphael đã bắt kịp với hai thần tượng để trở thành 3 bậc thầy lớn nhất của hội họa Phục hưng thời kỳ đầu. Dù cuộc đời đoản mệnh, nhưng Raphael đã kịp sáng tạo nên những siêu phẩm vẫn còn được nhắc nhớ mãi về sau. 

Hoàng tử Phục hưng Raphael: Cuộc đời đoản mệnh, hưởng đủ lạc thú - 1

Bức họa "Đức Mẹ và Chúa hài đồng bên Thánh John" được Raphael thực hiện vào năm 1507.

Chàng thanh niên Raffaello Sanzio về sau được hậu thế biết đến với tên gọi Raphael, lúc sinh thời, Raphael ít tuổi hơn hai danh họa Michelangelo và Leonardo da Vinci, chịu ảnh hưởng của hai bậc đàn anh và rồi vươn lên để đứng cùng đẳng cấp với họ, Raphael là một bậc thầy của hội họa Phục hưng với phong cách đề cao sự hài hòa, tỉ lệ và vẻ đẹp. 

Dù những khách hàng đặt tranh của Raphael đều là những nhà quý tộc giàu có, quyền lực, với sự quan tâm lớn dành cho địa vị, quyền lực, tài sản, săn bắn, tình ái..., nhưng Raphael không chiều theo thị hiếu của khách hàng để khắc họa những cảnh tượng dữ dội, tàn bạo hoặc quyến rũ, gợi tình.

Ngược lại, ông đưa vào những tác phẩm của mình sự dịu dàng, tinh tế. Những nhân vật trong tranh của Raphael thường chứa đựng vẻ đẹp của diện mạo, phong thái và nội tâm, dường như các nhân vật của ông luôn chứa đựng nhân cách đẹp. 

Hoàng tử Phục hưng Raphael: Cuộc đời đoản mệnh, hưởng đủ lạc thú - 2

Mới đặt chân tới thủ phủ nghệ thuật Florence của Ý khi mới ngoài 20 tuổi, Raphael thực hiện bức chân dung tự họa này trong khoảng thời gian từ năm 1504 - 1506. 

Đến năm 1508, Raphael dù còn rất trẻ nhưng đã nổi tiếng ở Florence bởi những bức tranh khắc họa Đức Mẹ tuyệt đẹp, chính lúc này ông được các chức sắc hàng đầu ở Vatican tin cẩn giao thực hiện những tác phẩm quan trọng để tô điểm cho các công trình lớn, ông không khiến các chức sắc trong giáo hội phải thất vọng.

Raphael càng trở nên nổi tiếng và được ưa chuộng, trọng vọng, dù tuổi đời còn trẻ so với các danh họa khác, chính vì vậy, Raphael được người đương thời mệnh danh là "họa sĩ hoàng tử". 

Những bước đi đầu tiên của một bậc thầy trong tương lai

Raphael sinh ra ở thành Urbino thuộc miền đông bắc nước Ý hồi năm 1483, ông là người con duy nhất còn sống sót của cặp vợ chồng Magia di Battista Ciarla và Giovanni Santi. Bản thân ông Giovanni Santi cũng là một họa sĩ tài năng, có sự nghiệp phát triển. Không may, cha mẹ của Raphael đều sớm qua đời khi ông còn là một đứa trẻ.

Dù vậy, cha của Raphael đã sớm nhìn ra năng lực của con trai và kịp truyền cho con tình yêu hội họa ngay từ nhỏ, tài năng của Raphael nhanh chóng bộc lộ, ông được gửi tới học tại xưởng vẽ ở thành phố Perugia (Ý) của họa sĩ nổi tiếng đương thời Pietro Perugino. Ban đầu, Raphael chịu nhiều ảnh hưởng từ phong cách hội họa của thầy. 

Hoàng tử Phục hưng Raphael: Cuộc đời đoản mệnh, hưởng đủ lạc thú - 3

Bức "Trao lại chìa khóa" do họa sĩ Pietro Perugino thực hiện hồi năm 1481.

Hoàng tử Phục hưng Raphael: Cuộc đời đoản mệnh, hưởng đủ lạc thú - 4

Bức "Lễ cưới của Đức Mẹ" do Raphael thực hiện năm 1504.

Điều này được thể hiện rõ nhất qua bức "Lễ cưới của Đức Mẹ" mà Raphael thực hiện hồi năm 1504. Ngay từ những tác phẩm đầu tay, Raphael đã thể hiện sự tinh tế của mình. Ông khắc họa mối quan hệ giữa các nhân vật qua phối cảnh, sử dụng vị trí và dáng dấp của nhân vật để kể nên câu chuyện và tạo sự hài hòa rất cầu kỳ cho tác phẩm.

Không có gì là ngẫu hứng hay tình cờ trong tác phẩm của Raphael, ông luôn tính toán rất kỹ từng chi tiết. Vẻ đẹp hội họa trong quan niệm của Raphael đòi hỏi sự tính toán cẩn trọng, "không thể sáng tạo hội họa tự nhiên như thiên nhiên sản sinh ra vạn vật, nhưng phải đẹp đẽ và tự nhiên như những gì thiên nhiên vĩnh hằng tạo ra". 

Bắt đầu vươn tới đẳng cấp của một bậc thầy

Giai đoạn tiếp theo trong cuộc đời Raphael là khi ông tận dụng những gì học được ở Perugia kết hợp với những ảnh hưởng tiếp nhận từ hai bậc thầy đương thời - Michelangelo và Leonardo da Vinci để tạo nên phong cách riêng của mình. 

Raphael từ Perugia tìm tới Siena rồi tới Florence - trung tâm của hội họa Phục hưng. Thời điểm này, cả Michelangelo và Leonardo da Vinci đều đã sáng tạo nên những siêu phẩm, cả hai bậc thầy đều nhiều tuổi hơn Raphael (Leonardo hơn 31 tuổi; Michelangelo hơn 8 tuổi), Raphael nhanh chóng tiếp thu, học hỏi từ các kỹ thuật của hai bậc thầy này.

Ở Leonardo, Raphael học cách bố cục chặt chẽ theo hình kim tự tháp và kỹ thuật sử dụng sắc độ để tạo nên những mảng khối mềm mại thay vì sử dụng những nét vẽ rõ ràng để khắc họa. 

Những bức vẽ Đức Mẹ hiền từ, dịu dàng mà Raphael thực hiện rất thành công trong giai đoạn lưu lại Florence thể hiện rất rõ việc ông bị ảnh hưởng bởi phong cách của Leonardo, từ bố cục kim tự tháp cho tới cách sử dụng màu sắc để biểu đạt.

Ở Michelangelo, Raphael học hỏi những kiến thức uyên thâm về giải phẫu cơ thể người - một thế mạnh giúp Michelangelo trở thành bậc thầy cả trong hội họa và điêu khắc Phục hưng.

Nhưng mối quan hệ giữa Raphael và Michelangelo không dễ chịu, thực tế họ được xem là những đối thủ vĩ đại nhất, một cặp kỳ phùng địch thủ trong lịch sử hội họa. Michelangelo không muốn quan tâm tới Raphael và từ chối mọi sự kết giao, điều này được phỏng đoán là bởi sự cạnh tranh của họ trước những khách hàng tiềm năng. 

Hoàng tử Phục hưng Raphael: Cuộc đời đoản mệnh, hưởng đủ lạc thú - 5

Bức "Chôn cất" do Raphael thực hiện năm 1507.

Những ảnh hưởng của Michelangelo có thể tìm thấy trong tác phẩm của Raphael, như bức "Chôn cất" thực hiện hồi năm 1507 khắc họa thi hài của Chúa trước khi được chôn cất. Đức Mẹ choàng khăn xanh ngất đi vì đau đớn.

Hình thể, sức nặng, tư thế của các nhân vật đều gợi nhắc tới những tác phẩm của Michelangelo như bức "Doni Tondo" hay bức tranh chưa hoàn tất "Trận chiến ở Cascina". 

Chiến thắng hai bậc thầy đàn anh

Raphael đã vượt qua cả Leonardo và Michelangelo trong việc được mời tới Vatican để thực hiện một số bức bích họa quan trọng. Danh họa trẻ tuổi liền chuyển tới Rome và bắt đầu thực hiện các tác phẩm theo yêu cầu từ phía tòa thánh kể từ năm 1508. 

Khi ấy, Michelangelo đang thực hiện bích họa cho trần của nhà nguyện Sistine - một công trình khiêm nhường trong quan niệm đương thời. Chính sự cạnh tranh giữa hai họa sĩ khi ấy đã giúp cả hai cùng vươn lên đẳng cấp cao hơn. Họ cạnh tranh và thúc đẩy nhau tiến bộ.

Hoàn thành vào năm 1511, 4 bức bích họa mà Raphael thực hiện cho thư viện của Giáo hoàng thuộc vào những tác phẩm xuất sắc nhất của ông, đặc biệt là bức "Giảng đường ở Athens" được đánh giá là tác phẩm đỉnh cao của Raphael.

Hoàng tử Phục hưng Raphael: Cuộc đời đoản mệnh, hưởng đủ lạc thú - 6

Bức "Giảng đường ở Athens" do Raphael thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1509-1511.

Tác phẩm khắc họa 50 triết gia, trong đó có những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử như Plato, Aristotle, Socrates, Ptolemy, Euclid, Averroes, và Hypatia. Các nhà nghiên cứu hội họa đều tin rằng Raphael đã dùng chính những nhân vật đương thời làm cảm hứng để khắc họa nên các nhân vật. Plato đứng giữa với ngón tay chỉ lên bầu trời được cho là chân dung Leonardo da Vinci.

Heraclitus ngồi một mình ở tiền cảnh, tay chống cằm được cho là Michelangelo. Raphael cũng để mình xuất hiện trong tranh, ở góc ngoài bên phải. Raphael đứng cạnh Zoroaster (người cầm khối thiên cầu) và Ptolemy (người cầm quả địa cầu). 

Những lạc thú trần thế

Hoàng tử Phục hưng Raphael: Cuộc đời đoản mệnh, hưởng đủ lạc thú - 7

Bức "La Fornarina" do Raphael thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1518-1519.

Raphael dành những năm tháng thăng hoa nhất trong cuộc đời để sống ở Rome. Ông có xưởng vẽ của riêng mình với khoảng 50 học trò hỗ trợ ông thực hiện các tác phẩm theo đơn đặt hàng. Ông không lập gia đình và cũng không có con cái.

Các nhà nghiên cứu tin rằng Raphael không kết hôn là bởi ông có những tham vọng của mình trong con đường tiến thân lâu dài dựa trên những mối quan hệ hữu hảo với nhiều chức sắc ở Vatican.

Dù vậy, trong cuộc sống riêng, Raphael được biết tới là người đào hoa, đa tình. Theo những gì được kể lại, tình yêu lớn nhất của Raphael là dành cho nàng Margherita Luti, con gái của một người thợ làm bánh, nàng đã ngồi làm mẫu cho bức chân dung tuyệt đẹp của ông - "La Fornarina" thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1518-1519. 

Raphael qua đời vào năm 1520 khi đang là một danh họa giàu có và nổi tiếng. Người đương thời đồn đại rằng Raphael qua đời vì bệnh tật do các mối quan hệ tình ái đưa lại. Ông được yên nghỉ trong đền Pantheon ở Rome, Ý.

Trên bia mộ đề: "Nằm đây là Raphael. Khi còn sống, Mẹ Thiên nhiên sợ ông vượt qua Mẹ trong vai trò sáng tạo; khi ông chết đi, Mẹ sợ vẻ đẹp sáng tạo của mình không còn ai khắc họa được như thế nữa". 

Bích Ngọc
Theo National Geographic/Art News

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025