Bắt chước hủy hoại óc sáng tạo
Vì nội tâm sợ hãi, nên ta sợ sống cô đơn. Ta có thể có nhiều quần áo đẹp, nhiều đồ trang sức và của cải khác; nhưng bên trong, về mặt tâm lý, ta vô cùng nghèo nàn. Nội tâm càng nghèo nàn, ta lại càng cố gắng tự làm giàu bên ngoài bằng cách bám vào người khác, vào địa vị, vào tài sản.
Khi sợ hãi, ta không chỉ bám vào vật chất bên ngoài mà còn bám vào những thứ bên trong như truyền thống. Bởi vì các em không còn sáng tạo và chỉ biết tuân thủ rập khuôn nên truyền thống trở nên vô cùng quan trọng – truyền thống về những điều thiên hạ nói, truyền thống được trao truyền từ quá khứ. Khi sợ hãi, luôn luôn có khuynh hướng bắt chước. Người ta bắt chước vì người ta sợ hãi, họ bám vào truyền thống, vào cha mẹ họ, vào vợ họ, vào anh em, vào chồng họ. Và bắt chước hủy hoại óc sáng tạo.
Các em biết không, khi vẽ một cội cây, các em không bắt chước cội cây đó, không sao chép y hệt. Để tự do vẽ một cội cây, một đóa hoa hay một buổi hoàng hôn, các em phải cảm nhận những gì nó truyền đạt cho các em, tầm quan trọng của nó, ý nghĩa của nó. Điều này vô cùng quan trọng – cố gắng truyền đạt ý nghĩa của những điều các em thấy, chứ không chỉ sao chép, có như thế, các em mới khởi sự đánh thức được tiến trình sáng tạo.
Và để thực hiện điều này, phải có một trí não tự do, một trí não không mang nặng truyền thống, không thiên về bắt chước, mà hãy nhìn vào chính cuộc sống của các em và các cuộc sống quanh các em, để thấy chúng nặng tính truyền thống, nặng tính bắt chước đến nhường nào!
Trong một vài bình diện, các em bắt buộc phải bắt chước, như quần áo các em mặc, sách các em đọc, ngôn ngữ các em nói. Tất cả chúng đều là những hình thức bắt chước. Nhưng cần phải vượt lên trên bình diện này và cảm nhận được tự mình phải tự do suy nghĩ để không chấp nhận một cách dễ dãi những điều người khác nói, dù đó là ai.
Tự suy nghĩ, chứ không theo ai, là điều hết sức quan trọng: bởi vì tuân thủ rập khuôn là biểu hiện của sợ hãi. Khi người nào đó ban cho các em điều các em mong muốn thì nỗi sợ không đạt được liền xuất hiện, do đó, các em bắt đầu chấp nhận đi theo. Chừng nào các em còn muốn điều gì thì các em còn bị nỗi sợ ràng buộc, và sợ hãi làm hư hỏng trí não để rồi các em không thể nào tự do.
Các em hiểu một trí não tự do là gì không? Các em luôn luôn canh chừng để xem bạn bè nói gì về các em. Trí não của các em tựa như một ngôi nhà bị hàng rào hay dây kẽm gai vây kín. Trong tình trạng đó, không điều mới mẻ nào có thể lọt vào. Điều mới mẻ chỉ có thể xuất hiện khi không có sợ hãi. Muốn trí não thoát khỏi sợ hãi là việc cực kỳ gay go, bởi vì điều đó hàm ý thực sự thoát khỏi khao khát bắt chước, tuân thủ, thoát khỏi khao khát tích lũy của cải hoặc sống rập khuôn theo truyền thống – nhưng không có nghĩa là các em phải làm gì thái quá.
Sự tự do giải thoát của trí não xuất hiện khi không còn sợ hãi, khi trí não không còn có ý muốn phô trương và mưu cầu địa vị hay uy thế. Lúc đó, nó không còn có ý bắt chước. Và có một trí não thực sự thoát khỏi truyền thống, vốn là cơ chế hình thành nên thói quen của trí não, như thế là điều hết sức hệ trọng.
Bộ sách Krishnamurti |
Giáo dục không phải chỉ chuẩn bị để vượt qua các kỳ thi
Giáo dục là một tiến trình khám phá mối quan hệ chân thực của chúng ta với vạn vật, với người khác và với thiên nhiên. Nhưng trí não lại tạo ra các ý niệm, và các ý niệm này trở nên quá ư mãnh liệt, quá ư vượt trội, đến mức đã ngăn cản tầm nhìn của chúng ta. Chừng nào còn sợ hãi thì ta còn tuân theo truyền thống, chừng nào còn sợ hãi thì còn có sự bắt chước. Một trí não chỉ biết bắt chước thì giống như một cỗ máy đang vận hành, nó không có tính sáng tạo, nó không thể nghĩ thông các vấn đề. Nó có thể tạo ra một vài hành động, sản sinh một số kết quả, nhưng trí não đó vốn không có tính sáng tạo.
Vì thế, việc mà tất cả chúng ta nên làm là cùng nhau đi sâu vào mọi vấn đề này, sao cho, từ chốn này ra về, các em sẽ là những cá nhân trưởng thành, đủ sức tự mình suy nghĩ, chứ không phụ thuộc vào một sự ngu muội có tính hệ thống truyền thống nào cả.
Bấy giờ, các em mới có đủ phẩm giá của một con người thực sự sống trong tự do. Đó là toàn bộ ý hướng của giáo dục – chứ không phải chỉ chuẩn bị để các em vượt qua các kỳ thi và rồi chuyển hướng suốt phần đời còn lại để trở thành cái gì đó mà các em không yêu thích, như trở thành luật sư, hay thư ký, hay làm nội trợ, hay làm một cái máy đẻ. Các em phải đòi hỏi để có được loại giáo dục khuyến khích các em suy nghĩ một cách tự do mà không sợ hãi, để giúp các em truy vấn, thấu hiểu; các em phải yêu cầu loại giáo dục này nơi quý thầy cô.
Nếu không, các em dự các kỳ thi lấy bằng cử nhân hay thạc sĩ, các em kiếm được công việc mà các em không thích, nhưng các em phải kiếm tiền, các em có gia đình và con cái – và các em mắc kẹt suốt phần đời còn lại trong đó. Các em trở nên khốn khổ, bất hạnh, hay sinh sự, nhìn về tương lai các em không có gì cả, ngoại trừ có thêm con cái, đói khát, đau khổ hơn.
Các em có gọi đấy là mục đích của giáo dục không? Chắc chắn giáo dục phải giúp các em sống thông minh, một cách thông minh sắc sảo, để các em làm công việc mình yêu thích và không bị sa lầy trong một lối sống ngu muội khiến các em khốn khổ suốt phần đời còn lại của mình.
Vì thế, trong khi còn trẻ, các em phải đánh thức ngọn lửa bất mãn trong chính mình, các em phải sống trong một tâm trạng cách mạng. Đây là thời gian để các em truy vấn, khám phá, trưởng thành; do đó hãy đòi hỏi cha mẹ và thầy cô của các em giáo dục các em một cách thích hợp.
Đừng chỉ bằng lòng ngồi trong lớp học và hấp thu thông tin về ông vua này hay cuộc chiến nọ. Hãy bất mãn, hãy đến gặp thầy cô giáo để truy vấn, tìm hiểu. Nếu họ không được thông minh, thì nhờ truy vấn như thế, các em sẽ giúp họ thông minh; và khi các em rời ghế nhà trường, các em lớn lên trong sự trưởng thành, trong sự giải thoát thực thụ. Rồi thì các em sẽ tiếp tục học suốt đời cho đến hơi thở cuối cùng, và các em sẽ là một người thông minh, hạnh phúc.