Tháng 9/2019, Hiểu Thiên (tên nhân vật đã được thay đổi) đến xin việc tại nhà hàng Thất Duyệt ở quận Hoà Bình, thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc.
Hiểu Thiên được nhận vào làm việc trong khu bếp. Cô đã trải qua 3 tháng thử việc với mức lương 2.300 tệ (tương đương 8,2 triệu đồng). Sau đó, Hiểu Thiên được nhận vào làm chính thức nhưng đôi bên lại không ký hợp đồng lao động.
Ảnh minh hoạ
Ngày 19/8/2020, trong lúc làm việc, Hiểu Thiên bị máy cắt cứa vào tay, khiến ngón trỏ của cô bị thương. Cô phải khâu 4 mũi ở tay và buộc phải tạm nghỉ việc để điều trị. Hiểu Thiên đã tiến hành thăm khám, khâu vết thương và cắt chỉ tại bệnh viện trung tâm trực thuộc Học viện Y học Thẩm Dương, chi phí do phía Thất Duyệt chi trả. Bác sĩ kiến nghị cô nên nghỉ ngơi đến ngày 14/9.
Tuy nhiên, đến ngày 10/9/2020, dưới sức ép của công ty, Hiểu Thiên đã nộp đơn xin thôi việc. Cô cho biết: "Bản thân tôi không định nghỉ việc, nhưng phía công ty nói với tôi rằng kỳ nghỉ này quá dài, nghi ngờ lý do là bịa đặt nên muốn sa thải tôi. Bởi vậy, tôi đành phải viết đơn xin thôi việc."
Nghỉ việc bất đắc dĩ, Hiểu Thiên quyết định kiện công ty ra Toà. Cô yêu cầu phía Thất Duyệt phải bồi thường cho mình gấp đôi tiền lương do không ký hợp đồng lao động, chi trả khoản tiền lương chưa được thanh toán, tiền bảo hiểm y tế mà cô đã nộp trong thời gian làm việc tại nhà hàng, phí tổn thất do bị thương trong lúc làm việc, tiền điều trị... tổng cộng lên tới hơn 46.000 tệ (tương đương 163,3 triệu đồng).
Ảnh minh hoạ
Trải qua quá trình tố tụng, Toà án quận Hoà Bình, thành phố Thẩm Dương đưa ra phán quyết cuối cùng là phía Thất Duyệt phải bồi thường cho Hiểu Thiên 28.700 tệ (tương đương 102 triệu đồng), trong đó bao gồm các khoản: tiền lương chưa được thanh toán, gấp đôi tiền lương chênh lệch (trường hợp cơ quan/tổ chức sử dụng lao động từ hơn 1 tháng cho đến chưa tròn 1 năm mà không ký kết hợp đồng bằng văn bản với người lao động thì phải trả cho người lao động 2 lần tiền lương tháng), các loại chi phí bảo hiểm y tế.
Phía Thất Duyệt không đồng tình với phán quyết trên và nộp đơn kháng cáo lên Toà án cấp cao hơn. Ngày 2/7/2021, Toà án nhân dân Trung cấp thành phố Thẩm Dương bác bỏ đơn kháng cáo của Thất Duyệt và giữ nguyên bản án ban đầu.
Không thể làm khác, nhà hàng Thất Duyệt buộc phải bồi thường cho Hiểu Thiên theo phán quyết của Toà án. Thế nhưng, cách bồi thường của Thất Duyệt lại khiến cho Hiểu Thiên được phen dở khóc dở cười.
Hiểu Thiên nhớ lại: "Sau khi phán quyết có hiệu lực, phía công ty nói với tôi rằng tài khoản của ông chủ hiện không dùng được nên không thể chuyển khoản, chỉ có thể trả tiền mặt và yêu cầu tôi đến lấy."
Lúc cùng người thân đến nhà hàng nhận tiền, Hiểu Thiên chẳng thể ngờ được Thất Duyệt đã chuẩn bị cho cô 2 giỏ đựng đầy tiền xu lẻ. Cô kể: "Tôi thấy trong đó đa phần là tiền 5 hào (tương đương 1.800 đồng), cũng có 1 tệ (tương đương 3.600 đồng) và 1 hào (tương đương 360 đồng) nữa. Họ muốn tôi đếm đủ rồi mang đi. Tôi cho rằng chỗ tiền này không đủ khoản bồi thường của tôi, nhưng bọn họ lại khẳng định là đủ."
Qua một hồi giằng co, cuối cùng Hiểu Thiên phải gọi điện báo cảnh sát. Lực lượng chức năng nhanh chóng đến hiện trường tiến hành hoà giải.
Ảnh minh hoạ
Người đại diện của nhà hàng Thất Duyệt nói với cảnh sát đây chính là tiền bồi thường dành cho Hiểu Thiên theo phán quyết của Toà án. Tại hiện trường, hai bên không ngừng tranh cãi về việc có nên đếm số tiền này và liệu số tiền trong giỏ có đủ khoản tiền bồi thường hay không. Phía nhà hàng tỏ ra khá gay gắt: "Chúng tôi không cần đếm, tiền chỉ có thừa chứ không thể thiếu được.", "Chúng tôi không thể giúp cô ta đếm tiền được, chúng tôi còn phải làm việc.", "Tôi thiếu tiền nên tôi phải trả đây, tôi đã đếm đủ rồi.", "Cô đếm luôn ở đây đi, không đủ tôi sẽ lập tức bù thêm cho cô, nếu không đếm xong thì không được mang tiền đi. Nếu cô đem đi rồi mà thiếu tiền thì dù là 1 đồng chúng tôi cũng sẽ không trả thêm đâu."...
Dưới sự hoà giải của cảnh sát, hôm đó Hiểu Thiên đã rời khỏi nhà hàng mà không đem theo 2 chiếc giỏ đựng đầy tiền xu.
Ngày 19/7, Hiểu Thiên cho biết: "Tôi đã nộp đơn lên Toà án yêu cầu tiến hành cưỡng chế. Tôi là người nhận tiền, tôi không có nghĩa vụ phải đếm số tiền ấy, tôi chỉ muốn nhận vừa đúng số tiền bồi thường mà thôi. Bọn họ nói chỉ có nhiều hơn, vậy thì đếm cái số thừa đó rồi lấy lại đi. Nếu bọn họ không đếm thì tôi sẽ không đem đi. Khi nào bọn họ chuẩn bị vừa đủ thì tôi sẽ lại đến lấy."
Từ trên xuống: Đồng xu 1 tệ, 5 hào và 1 hào đang lưu hành tại Trung Quốc
Buổi sáng ngày 30/7, phía truyền thông đã liên hệ với Thất Duyệt để tìm hiểu tình hình. Nhân viên ở đây chỉ nói người phụ trách không có mặt nên sẽ chuyển lời lại, tuy nhiên sau đó phóng viên cũng không nhận được bất kỳ câu trả lời nào.
Vì tò mò số tiền 28.700 tệ (tương đương 102 triệu đồng) nặng bao nhiêu, phóng viên đã liên hệ với một nhân viên ngân hàng. Người này tiết lộ, dựa theo trọng lượng của loại tiền xu đang được lưu hành tại Trung Quốc thì đồng 1 hào với chất liệu hợp kim nhôm dày 1,67mm, đường kính 19mm, trọng lượng 1,15g; đồng 5 hào với chất liệu hợp kim mạ đồng lõi thép dày 1,65mm, đường kính 20,5mm, trọng lượng 3,8g; đồng 1 tệ với chất liệu lõi thép mạ niken dày 1,85mm, đường kính 25mm, trọng lượng 6,1g. Nếu 28.700 tệ tiền bồi thường đều là đồng xu 1 tệ thì tổng trọng lượng là khoảng 175kg, nếu tất cả là đồng 5 hào thì tổng trọng lượng là khoảng 218 kg.
Hiện vẫn chưa có thêm thông tin về vụ việc kể trên, cũng không ai biết đôi bên đã thực hiện phán quyết của Toà án đến đâu rồi.
Nguồn: 163
Trí thức trẻ