Là nhân viên văn phòng, nhưng vì yêu thích những búp bê làm từ giấy, chị Thương đã quyết định nghỉ việc để dành toàn bộ thời gian cho đam mê của mình. Dù sản phẩm cũng được mọi người đón nhận nhưng chưa bao giờ chị nghĩ bản thân sẽ trở nên nổi tiếng sau khi hoàn thành các tác phẩm về HLV Park Hang Seo và 24 cầu thủ của Đội tuyển bóng đá Việt Nam.
Cách đây 4 năm, chị Trần Thanh Thương, 39 tuổi, ở quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh) được một người bạn tặng con búp bê được xếp bằng giấy lượng sóng rất lạ. Vì quá thích thú, chị đã dành thời gian tìm tòi về nghệ thuật gấp giấy này, tuy nhiên có rất ít thông tin.
Sau quá trình tự tìm hiểu, chị Thương đặt tên cho kỹ thuật gấp giấy này là Kami, những quy tắc gấp được chị đúc rút ra từ chính trải nghiệm của bản thân chứ không học ở bất cứ ai khác.
Chị Thương bắt đầu tìm mua giấy về thử, nhưng loại giấy có thể làm búp bê trong nước không có nên phải nhập khẩu từ Nhật Bản và Đài Loan. Tuy nhiên, việc nhập nguyên liệu đầu vào này gặp rất nhiều khó khăn, chị Thương nói: "Nếu nhập nhiều quá thì khâu bảo quản rất khó. Nhưng nếu nhập ít, lại sợ bị động về nguồn giấy. Mỗi lần đặt giấy, phải 3-4 tháng sau chị mới lấy được".
Không ai hướng dẫn, chị tự lên Internet mày mò cả tháng, cứ gấp rồi tháo ra gấp lại đến cả chục lần. Sau nhiều đêm thức tự nghiên cứu và thực hành, chị Thương đã tạo ra quy luật riêng của mình.
Đầu tiên là chọn hình mẫu, chị thường nghiên cứu rất kỹ từng chi tiết của vật mẫu và hình dung luôn trong đầu chi tiết đó nên gấp theo cách nào. Bước thứ hai là chọn giấy và chọn màu. Bước 3 là cuộn, xếp, đẩy giấy và cuối cùng là dán giấy, sau đó trang trí. Tuy nhiên mình cũng phải lưu ý tùy kích thước, cuộn tròn giấy hay cuộn dài, đẩy nhọn hay đẩy vuông.
"Những sản phẩm ban đầu của tôi cũng xấu xí lắm chứ không tinh xảo như bây giờ, làm nhiều thì tay nghề sẽ tăng cao", chị Thương cười nói.
Nghe thì có vẻ dễ, nhưng mỗi sản phẩm dù đơn giản nhất chị cũng mất tới 4 giờ để hoàn thiện, còn những sản phẩm cầu kỳ hơn, đòi hỏi kỹ thuật cao và nhiều chi tiết phải bỏ công từ 2-3 ngày.
Nhắc về một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong suốt hơn 4 năm bỏ công việc ổn định để làm handmade, chị kể: "Tháng 12/2018, đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu với đội tuyển Malaysia tại AFF Cup, tôi đã xếp hình 4 cầu thủ cùng với huấn luyện viên Park Hang Seo, giới thiệu lên cộng đồng những người yêu đồ thủ công.
Không ngờ, sản phẩm được rất nhiều người thích thú và đặt hàng, trong đó có một nhân viên hãng hàng không. Họ liên hệ với tôi để đặt hàng tạo ra tất cả 24 cầu thủ trong đội".
Khi nhận được lời đề nghị này, ban đầu chị Thương từ chối vì chị nghĩ không làm kịp. Tuy nhiên, khách hàng thuyết phục và yêu thích đội tuyển nên chị nhận lời và cùng chồng thức trắng đêm để hoàn thiện đơn hàng, kịp thời gian mang sang Malaysia tặng các cầu thủ trên máy bay, cổ vũ tinh thần thi đấu.
Các sản phẩm chị Thương làm ra đều tinh xảo, độc lạ nên được nhiều người đặt mua làm quà lưu niệm. Không chỉ làm các hình thù quen thuộc, chị còn nhận đặt hàng từ mọi người. Theo chị Thương, tạo hình chân dung người là khó nhất đối với chị, bởi phải đặt tả sao cho giống với biểu cảm, vẻ bề ngoài của mỗi người.
Đây cũng là cách mà chị thể hiện tấm lòng trân trọng đối với những cống hiến, hy sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Hiện tại giá của đồ chơi xếp giấy Kami dao động từ 250.000 đồng đến cả triệu đồng một sản phẩm, tùy kích cỡ, độ khó dễ. Hiện chị đã tạo được hơn 300 mẫu khác nhau, trong đó, đắt hàng nhất là hình các con vật, xe máy, xe đạp, ông Thần tài, cho đến những cầu thủ bóng đá, những y, bác sĩ chống dịch Covid-19...
Những đồ chơi từ giấy này có ưu điểm là bền màu, không hóa chất độc hại. Tuy nhiên nó cũng có nhược điểm là phải tránh nước nên sản phẩm thường được dùng để trưng bày và làm quà tặng trong những dịp đặc biệt.
Trong thời gian tới, chị sẽ đẩy mạnh tạo hình những di tích, thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam bằng giấy và khi dịch Covid-19 được đẩy lùi, chị sẽ quảng bá loại hình này nhiều hơn nữa bằng các buổi workshop hướng dẫn học viên khắp mọi miền đất nước.
Hà Hiền
Ảnh: NVCC