"Hotgirl 9x" rong ruổi khắp các tỉnh thành đưa đón "những người không quen"
Từ lâu nay, các bệnh viện trên địa bàn TP. Hà Nội đều quen thuộc với hình ảnh một cô gái có ngoại hình xinh xắn, dễ mến lái xe đến để chở những bệnh nhân nghèo đi khắp mọi nẻo đường để về nhà, đi chữa bệnh.
Đó là bạn trẻ Hoàng Kim Duyên (sinh năm 1993, quê quán: Thái Bình). Duyên đã có hành trình hơn 2 năm rong ruổi, giúp đỡ hàng trăm bệnh nhân nghèo từ khắp mọi tỉnh, thành trên những chuyến xe 0 đồng.
Một buổi sáng, đang ngồi tại nhà riêng làm việc, Duyên nhận được tin nhắn mới trên nhóm Zalo. Khi mở tin nhắn ra đọc, cô bạn trẻ biết được thông báo ngày hôm sau cần tài xế đưa một cặp vợ chồng cùng con nhỏ từ Bệnh viện Nhi Trung Ương về quê nhà tại Nam Định. Nhận thấy có thể thu xếp được công việc, Duyên nhanh chóng nhận thông tin chuyến đi.
"Những người không quen" mà Duyên đón hôm ấy là bé Nguyễn Minh N. và bố mẹ bé (anh chồng sinh năm 1989, chị vợ sinh năm 1991), quãng đường di chuyển cả đi và về hơn 200km. Theo Duyên chia sẻ, đây là lần thứ 2 chở gia đình bé, và đây cũng là gia đình để lại ấn tượng nhất đối với Duyên sau hơn 2 năm chạy xe miễn phí.
"Đây là lần thứ 2 mình chở bé N. về Nam Định và đây cũng là bệnh nhân để lại nhiều ấn tượng nhất đối với bản thân mình.
Khi đón bé, thoạt nhìn trông bé rất khoẻ mạnh, bụ bẫm, không ai nghĩ bé đang mang trong mình một căn bệnh quái ác "dị tật bẩm sinh". Chuyến xe trước đó, mình chở cả gia đình nhà bé N., trên chuyến xe bố mẹ bé khóc rất nhiều. Mình vừa lái xe, vừa luôn phải dặn lòng phải mạnh mẽ để không rơi nước mắt.
Bé N. là người con thứ 4, gia đình bé rất nghèo, không có một tài sản giá trị trong nhà. Khi mang thai ở tuần thứ 27, mẹ bé bị tràn dịch ổ bụng, bác sĩ đã khuyên nên bỏ. Nhưng hai anh chị rất giàu ý chí, quyết tâm giữ bé bằng được. Cuối cùng thì kì tích cũng đến, mọi chỉ số của bé trở lại bình thường. Tuy nhiên, sau khi sinh ra, bé mắc phải hội chứng đa dị tật bẩm sinh và rất nhiều bệnh từ mờ phổi phải phẫu thuật, đến tuyến giáp, máu khó đông,..
Trên chuyến xe của mình, cũng có nhiều bệnh nhân khác mắc các bệnh rất nặng, nhưng mình rất nể phục bé, nghị lực sống phi thường và sự cố gắng của bố mẹ bé."
Duyên nhớ lại ngày hôm đó: "Sau khi lo viện phí để con trải qua cuộc phẫu thuật, trong người bố mẹ cháu N. vỏn vẹn 200.000 đồng. Không có tiền, hai vợ chồng bối rối khi gặp mình. Sau khi được giải thích đây là chuyến xe 0đ, giúp đỡ mọi người, hai vợ chồng mới thở phào nhẹ nhõm. Ngồi trên xe, nhìn qua gương, mình thấy người vợ lăn dài những giọt nước mắt trên đôi má gầy gò, người chồng đỏ hoe đôi mắt. Suốt quãng đường, hai vợ chồng liên tục nói: "Suốt đời em sẽ không quên các chị,…" Mình rất xúc động.
Về đến quê nhà tại Nam Trực, Nam Định, mình giúp vợ chồng chuyển đồ vào trong. Ngôi nhà không có đồ vật gì cả, chỉ duy nhất một chiếc giường sinh hoạt của 2 vợ chồng cùng 4 đứa con nhỏ, một bé 6 tuổi, một bé 4 tuổi, một bé 2 tuổi và bé Nhật mới chỉ có 5 tháng tuổi. Chị vợ ái ngại nhìn mình, nói: "Tất cả 5 người và đến bây giờ là có 6, cả gia đình nằm trên một chiếc giường nhỏ này cho tình cảm". Cảm xúc khi này của mình rất khó tả, hai anh chị thực sự để lại cho mình lòng quyết tâm rất lớn."
Gia đình bé N. được Kim Duyên lái xe đưa về nhà ở Nam Định.
Ngoài trường hợp của bé N., Duyên nhớ mãi về lần chở một bệnh nhân nhí ung thư về Lào Cai giữa tâm dịch, đây cũng là chuyến đi xa đầu tiên của cô gái trẻ. Ngồi trên xe là người mẹ rất trẻ cùng đứa con chừng 3 tuổi, bé rất đau sau trị hoá chất buổi thứ 4 và cũng đã không còn tóc. Bé khóc cả chặng đường đi và nôn trên xe liên tục.
"Mình nhớ nhất đấy là khoảnh khắc bé và mẹ trở về đến nhà, vượt gần trăm cây cùng nỗi đau thể xác. Tuy nhiên, tất cả mọi người trong nhà không có sự chào đón với bé và mẹ.
Hai mẹ con về nhưng bà nội với bố không ra chào đón, ngay cả bản thân mình khi chào hỏi cũng nhận sự lạnh nhạt từ bố và bà của bé. Thực sự, mình bị hụt hẫng, thương cả hai mẹ con khi ở trong hoàn cảnh như vậy. Về sau, anh trợ lái đi cùng cho mình biết là ở trên vùng cao khi mà bị bệnh, thực tế rất ít người muốn chạy chữa vì nó mất thời gian, mất tiền bạc." Duyên xót xa, nói.
Từ chuyến đi như vậy, cô càng đáng quý cuộc sống của mình. Ngoài chạy những chuyến xe 0 đồng, cô gái trẻ 9x gần như dành toàn bộ thời gian của mình cho những chuyến đi từ thiện vùng cao, giúp đỡ những nơi khó khăn.
Kim Duyên bộc bạch: "Mỗi chuyến đi là một "món quà đặc biệt", được trải nghiệm một hành trình đáng nhớ, được hiểu thêm về cuộc sống, niềm vui mình nhận ra đơn giản chỉ là dành cho nhau sự động viên qua những ánh nhìn."
Được hỏi về tổng số chuyến đi trong 2 năm vừa rồi, cô gái trẻ cười tươi, nói: "Không thể nhớ nữa, đi xa đi gần cũng gần trăm chuyến rồi đấy."
Luôn duy trì năng lượng, vững tai lái đảm bảo an toàn cho "những hành khách đặc biệt"
Chia sẻ về quá trình bén duyên với công việc thiện nguyện hiện tại, Kim Duyên cho biết, thời điểm dịch Covid-19, Duyên tình cờ biết đến và tham gia nhóm "PUN - Hành trình kết nối yêu thương", thông qua sự kết nối của nhóm tới một số bệnh viện như Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung Ương, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều,… để hỗ trợ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Cô gái 9x cho hay: "Cách đây nhiều năm trước, mình nhiều lần đọc được câu chuyện chia sẻ về việc chở bệnh nhân miễn phí. Nung nấu suy nghĩ tham gia từ rất lâu, tuy nhiên thời điểm đó, công việc bận rộn luôn cuốn mình đi. Khi đại dịch Covid-19 ập đến, công việc mình nhàn hơn, nên quyết định dành thời gian rảnh rỗi vào việc đi chở xe miễn phí.
Thời điểm Hà Nội giãn cách nghiêm ngặt từ tháng 7-9/2021, các phương tiện vận tải ngừng hoạt động, nhiều bệnh nhân tỉnh lẻ muốn về Hà Nội chữa bệnh hoặc đến lịch tái khám, điều trị hóa chất, truyền dịch gặp vô vàn khó khăn. Họ chỉ có hai lựa chọn, một là thuê những chuyến xe cứu thương hoặc xe dịch vụ chạy chui vô cùng đắt đỏ, hoặc là ở nhà chờ chết. Hiểu được những khó khăn đó của các bệnh nhân, Duyên xin giấy xác nhận của các bệnh viện, rồi nhận các cuốc xe trên nhóm mình tham gia.
Thời điểm dịch bệnh, vì chạy quá nhiều cung đường Hà Nam, Nam Định, Duyên được mọi người trong nhóm gọi với biệt danh thân thương "Cô gái của chốt Liêm Tuyền"
Để có thể kết nối và đưa đón bệnh nhân an toàn, cô gái trẻ 9x này đối diện với không ít khó khăn và những tình huống bất ngờ nằm ngoài dự đoán.
"Đôi lúc nghĩ lại những chuyến xe đêm, những lần đi lạc đường hay những khúc cua ngoằn ngoèo trên các cung đường, mình không nghĩ mình có thể bản lĩnh và vượt qua nỗi sợ của bản thân như vậy." Duyên bộc bạch.
Khó khăn, vất vả mà phải đối diện là không ít. Song để có một hành trình an toàn, Duyên tự nhủ phải luôn cố gắng duy trì nguồn năng lượng, vững vàng để giữ vững tay lái.
"Những mệt nhọc mà bản thân đang trải qua so với vất vả của bệnh nhân là quá nhỏ bé. Mình chỉ mong có thể đem lại cho các bệnh nhân kém may mắn những giây phút nghỉ ngơi để họ có thêm động lực chiến đấu với bệnh tật", Duyên tâm sự.
Mẹ chính là người "truyền lửa" để mình làm những việc tốt:
Khi nhắc về người tạo động lực để cô gái 9x có quyết tâm giúp đỡ những người khó khăn. Chợt, cô gái trẻ bật khóc: "Mình được mẹ truyền lửa và cũng răn dạy về những điều tốt."
Thời điểm bắt đầu cầm vô lăng chở bệnh nhân là thời điểm dịch căng thẳng nhất. Mình ở trên Hà Nội, bố mẹ ở quê rất lo lắng, liên tục gọi điện dặn con "ở trên này đừng đi ra ngoài, đừng đi đâu, phải thật cẩn thận." Nhưng mà đâu biết trong thời gian đấy, con ở ngoài đường gần như một trăm phần trăm, buổi sáng đi chở bệnh nhân, đêm về thì đi phát đồ cho người vô gia cư.
Mình giấu bố mẹ cũng được một thời gian, thế nhưng một lần tình cờ mẹ thấy hình ảnh mình đi chở bệnh nhân cũng chỉ mắng: "Con gái con nứa, mẹ hoàn toàn ủng hộ việc này mà, không có gì phải dấu cả". Duyên kể.
Gạt những gọt nước mắt, Duyên tâm sự: "Thực ra mẹ mình cũng mất vì dịch covid nên mình càng có động lực hơn để giúp đỡ những người khó khăn. Đối với mình, mẹ một người cao cả, vĩ đại, từ nhỏ thấy mẹ làm nhiều việc thiện nên mình học theo."
Khi trở thành tài xế của nhóm "PUN", ngoài những lời nói tích cực, mình cũng nhận lại nhiều lời chỉ trích: "Làm việc thiện đâu ai không có mục đích; bỏ tiền túi đi đổ xăng chở người dưng, nhiều người xì xào cho rằng "vác tù và hàng tổng", "họ hàng, làng xóm bao nhiêu người khó khăn thì không giúp, lại đi giúp người đâu đâu"…; Ban đầu cũng nản lắm nhưng nghĩ lại mình làm đẹp cho đời mà, đâu có gì phải suy nghĩ…"
Được hỏi về dự định trong tương lai, cô gái trẻ Kim Duyên cười nói: "Mình đang tìm một nửa còn lại, nhưng phải là người biết lái xe nhé!...Để còn cùng mình rong ruổi chở bệnh nhân, giúp đỡ mọi người. Bởi giờ công việc này mình coi là cuộc sống rồi, không thể từ bỏ được."
Một buổi chuẩn bị cho chuyến đi từ thiện vùng cao của Duyên cùng các bạn.
Hà Nội: Cô gái 9x và những chuyến xe đặc biệt chở “những người không quen”.
Nhóm Pun – hành trình kết nối yêu thương bằng những chuyến xe 0 đồng:
Với điều kiện có ô tô, có tấm lòng hảo tâm, có thời gian và kinh tế...nhóm PUN-Hành trình kết nối yêu thương từ 60 thành viên khi mới thành lập, giờ đã thu hút hàng nghìn người luôn sẵn sàng lên đường, chia sẻ khó khăn với bệnh nhân nghèo với phí "0 đồng".
Những chuyến xe là những hành trình ấm áp, lan tỏa yêu thương để các bệnh nhân thấy rằng, cuộc sống còn rất nhiều trái tim nhân ái và dù ở đâu, họ sẽ không cô độc và bị bỏ lại phía sau. Hiện, nhóm tài xế 0 đồng mang tên Pun- Hành trình kết nối yêu thương, với hơn 1000 chuyến đi, đã hỗ trợ được hơn 2000 bệnh nhân và người nhà bệnh nhân sau hơn 2 năm hoạt động.
Sau những chuyến đi, món quà giá trị nhất mà các thành viên nhóm PUN nhận được là những lời cảm ơn của bệnh nhân và gia đình họ. Từ suy nghĩ "Hạnh phúc không chỉ là được nhận, mà còn là cho đi", các thành viên của nhóm PUN không quản ngại những cuộc gọi lúc nửa đêm, luôn sẵn sàng lên đường để kết nối yêu thương.