Thu nhập ổn định khi mới ra trường
Đăng bộ ảnh vừa chụp cho khách hàng ở quán cà phê, Lê Thị Thu Hoài (23 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức, TPHCM) hút về hàng trăm nghìn lượt xem và hàng nghìn lượt tương tác.
Cô gái càng khiến người theo dõi bất ngờ hơn khi chia sẻ, bộ ảnh được chụp hoàn toàn bằng điện thoại, với mức giá chỉ bằng vài cốc trà sữa.
Vừa tốt nghiệp đại học, nữ cử nhân Gen Z (những người được sinh ra trong khoảng năm 1997-2012) quyết định không theo đuổi công việc theo ngành học mà trở thành một thợ chụp ảnh bằng điện thoại di động.
Ngày nay, công việc của Hoài được cộng đồng gọi là "photophoner". Nghề này được khai sinh khá lâu nhưng chỉ mới trở nên thịnh hành gần đây, do nhu cầu chụp ảnh của người trẻ ngày càng lớn. Một phần nguyên nhân là do không ít người khó chấp nhận được mức phí cao của dịch vụ chụp bằng máy ảnh chuyên nghiệp, thuê địa điểm.
Đầu năm 2024, thông qua mạng xã hội, Thu Hoài quyết định thử sức với công việc mới này. So với chụp bằng máy ảnh, Hoài cho hay chụp bằng điện thoại đơn giản hơn nhiều. Hoài không cần học qua các lớp chụp ảnh chuyên nghiệp mà chỉ cần vận dụng kỹ năng qua nhiều lần chụp ảnh cho bạn bè, người thân.
"Khó nhất là cách giao tiếp với khách hàng trong buổi chụp. Chúng tôi phải hướng dẫn sao cho khách có thể thoải mái tạo dáng và hiểu được chỉ dẫn của thợ về cử chỉ, gương mặt, dáng đứng để lên hình thật đẹp.
Sau khi chụp, thợ chỉnh ảnh trực tiếp trên điện thoại qua những ứng dụng biên tập ảnh có sẵn. Vậy nên tôi không cần đầu tư nhiều thiết bị, chỉ cần chiếc điện thoại có camera sắc nét là đủ", Hoài nói.
Hoài cung cấp dịch vụ khoảng 2 tiếng mỗi buổi chụp, chụp ảnh và quay video không giới hạn, với mức giá 250.000 đồng.
Ngoài ra, cô gái còn hỗ trợ chỉnh 10 ảnh miễn phí, tư vấn địa điểm, nơi thuê trang phục, thợ trang điểm... Nhờ chăm chỉ quảng bá thương hiệu trên mạng xã hội, chỉ trong vài tháng, lượng khách tìm đến Hoài tăng nhanh. Mỗi tháng, cô nhận chụp cho khoảng 60 khách, kiếm 10-15 triệu đồng "nhẹ tênh".
So với nhiều bạn bè cùng ra trường, làm văn phòng, mức thu nhập này có thể cao gấp đôi.
Nghiêm túc theo đuổi công việc, Hoài còn đầu tư chiếc máy ảnh số với giá 3,8 triệu đồng, để chụp thêm một vài tấm tặng khách hàng. Cô gái Gen Z còn thường xuyên cập nhật xu hướng chụp ảnh trên mạng xã hội để tay nghề tốt hơn.
Công việc tự do, thoải mái
Đang trong quá trình thực tập, nhóm sinh viên trường Cao Đẳng FPT Polytechnic gồm Trần Thị Hồng Vân, Trần Thùy Kiều Linh và Kiều Thị Ngọc Hân (20 tuổi, ngụ tại TPHCM) quyết định mở dịch vụ chụp ảnh bằng điện thoại để kiếm thêm thu nhập, đồng thời làm đề tài cho dự án tốt nghiệp.
Hồng Vân cho hay, dịch vụ của nhóm được chia làm 4 gói, với mức giá dao động 99.000-199.000 đồng. Các gói sẽ có chủ đề, ý tưởng, phong cách chụp khác nhau, tùy thuộc sở thích của khách hàng.
Ngoài ra, khách cũng phải chi thêm tiền cho phí di chuyển là 5.000 đồng/km, tiền vé vào cổng, nước uống nếu địa điểm chụp là bảo tàng, công viên giải trí, quán cà phê... và các chi phí phát sinh khác nếu có.
"Lúc đầu, lượng khách tăng khá nhanh nên nhóm bị bối rối, không biết sắp xếp lịch chụp như thế nào, dẫn đến việc đáng tiếc là phải từ chối một số khách hàng. Sau vài lần rút kinh nghiệm, nhóm cũng phân bổ thời gian, nhân sự hợp lý hơn", Vân chia sẻ.
Chỉ sau 1 tháng vận hành dịch vụ, nhóm nữ sinh đã có lượng khách ổn định, duy trì mức 30-40 khách/tháng.
Để đầu tư cho buổi chụp ảnh thêm chất lượng, nhóm của Vân còn chi thêm tiền để mua tấm hắt sáng, chân máy, quạt cầm tay, ô... phục vụ cho những buổi chụp ngoài trời.
"Nhìn chung, khách thường yêu cầu thợ chụp hỗ trợ sao cho nhìn họ thật tự nhiên và quan trọng là phải xinh đẹp. Khách cũng muốn ảnh được chỉnh sửa và gửi càng sớm càng tốt, để họ có thể đăng tải lên mạng xã hội đúng thời điểm mà bản thân mong muốn, chẳng hạn như sinh nhật, dịp lễ, sự kiện...", Vân cho hay.
Song Anh và Thục Nghi (ngụ tại Bình Dương) cho biết, dù chỉ mới bắt đầu làm "photophoner" được vài tháng nhưng công việc tiến triển rất thuận lợi, nhanh chóng. Các gói dịch vụ được cung cấp có giá từ 130.000 đến 400.000 đồng đều được khách hàng đón nhận, ủng hộ. Ngoài việc chụp ảnh, hai cô gái còn mở thêm dịch vụ trang điểm, hỗ trợ khách thuê trang phục miễn phí.
Trung bình mỗi ngày, cả hai có thể nhận chụp 3-4 đơn hàng.
"Nghề này không chỉ giúp tôi kiếm được thu nhập ổn định mà còn tạo cơ hội trải nghiệm nhiều nơi, gặp nhiều bạn đồng trang lứa. Chúng tôi hỗ trợ được nhiều người thích chụp hình nhưng còn ngại ngùng, không biết cách tạo dáng.
Chúng tôi sẽ cố gắng chọc cho bạn cười, tạo cảm giác thoải mái hết mức. Sau buổi chụp, nhiều khách hàng chia sẻ sự hài lòng vì tương tác thoải mái, mẫu ảnh có thể cởi mở hơn, loại bỏ nỗi sợ trước ống kính và học được cách tạo dáng để sau này có thể tự chụp được", Song Anh chia sẻ.
Các "photophoner" cho biết vào các dịp đặc biệt như lễ, Tết thường nhận đơn chụp không kịp nghỉ.
Tuy nhiên, đa phần thợ chụp ảnh bằng điện thoại cùng nhận định, công việc này không chắc sẽ mang lại sự ổn định về lâu dài. Vì thế, họ phải đầu tư, học hỏi thêm nhiều để nâng tầm chất lượng ảnh để có thể kéo khách hàng quay lại, giới thiệu cho nhiều người khác.