Với Ngọc Mai (SN 2002, Hà Nội), những cuộc hẹn đi chơi với bạn bè chỉ được coi là trọn vẹn khi chụp được nhiều bức ảnh đẹp để lưu giữ kỷ niệm. Chiếc máy ảnh kỹ thuật số của cô đã làm tốt nhiệm vụ bắt trọn những khoảnh khắc ấy.
Máy ảnh Mai đang dùng vốn từng thuộc sở hữu của bố. Cô bắt đầu sử dụng từ hồi cấp 2 và không khỏi ngạc nhiên khi thấy những chiếc digicam hay digital camera (máy ảnh kỹ thuật số) như vậy bỗng trở nên phổ biến khắp mạng xã hội.
"Mình để ý là từ năm 2022, ngày càng nhiều bạn trẻ sử dụng digicam hơn. Mình cũng thấy mừng vì xu hướng này được quan tâm", Mai chia sẻ.
Trên thế giới, trào lưu sử dụng máy ảnh kỹ thuật số đang "gây sốt". Không phải những chiếc máy ảnh hiện đại với độ phân giải cao, giới trẻ hiện nay thiên về việc sử dụng digicam ra đời từ rất lâu và thịnh hình từ những năm 2000. Bởi vậy, màu ảnh có chất hoài niệm, mơ mộng.
Bên cạnh sự lăng xê của những người nổi tiếng như Bella Hadid, Brooklyn Peltz Beckham hay Emily Ratajkowski, TikTok cũng góp phần không nhỏ đằng sau sự hồi sinh này.
Tính đến tháng 3, hashtag (từ khóa) #digitalcamera thu hút hơn 300 triệu lượt xem với các nội dung đa dạng, từ video chia sẻ ảnh chụp cho đến bài đăng phổ cập kiến thức nên chọn mua máy ảnh nào, các mẹo cho người mới dùng, mua ở đâu cho vừa túi tiền...
Vật bất ly thân của giới trẻ
Máy ảnh của Thùy Dương (SN 2003, Hà Nội) vốn là quà tặng của một người bạn dành cho cô khi bước vào lớp 1. Với Dương, đây là món đồ rất có ý nghĩa và mang nhiều kỷ niệm. Cô thường dùng máy để ghi lại khoảnh khắc đời thường với người thân, bạn bè.
"Đôi khi, ảnh ra không phải lúc nào cũng như ý, có lúc bị rung, mờ hay mất nét. Nhưng sau cùng, đây đều là những kỷ niệm tuổi trẻ mình muốn lưu giữ", cô chia sẻ.
Dương nói thêm, máy ảnh dù nhỏ gọn đến mấy cũng không tiện lợi được như điện thoại. Nhưng khi so sánh, màu ảnh từ máy kỹ thuật số mang cảm giác như quay về quá khứ, màu sắc cũ kỹ hệt như những bức ảnh hồi bé của cô.
So với máy ảnh kỹ thuật số, Xuân Lan (SN 2001, Đà Nẵng) vẫn ưa thích chụp phim hơn. Bởi lẽ, cô thích cảm giác tò mò chờ đợi xem thành quả cuộn phim mình chụp hình sẽ như thế nào.
Tuy nhiên, Lan thẳng thắn cho biết: "Máy phim cũng đẹp nhưng rất lách cách, chưa quen hay bị chụp hỏng, dễ gây chán nản. Tốt nhất là mua máy digital, chụp xong có thể xem luôn thành quả và máy có chỗ để cài đặt lại rất dễ dùng, dễ làm quen".
"Hiện tại, máy ảnh kỹ thuật số rất hot nên hãy cẩn thận hơn khi đi mua máy, nhiều nơi bán giá chênh cả triệu đồng. Vậy nên, tốt nhất là hãy đi cùng người có kinh nghiệm để dễ kiểm tra lỗi, hoặc vào các nhóm bán đồ cũ trên Facebook mua lại của người dùng cho rẻ", cô gái sinh năm 2001 tiết lộ.
Giá những chiếc máy ảnh này cũng rất đa dạng, dao động từ 500.000 đồng đến khoảng 5 triệu đồng, tùy vào từng hãng, dòng máy và tình trạng sử dụng.
Không ít bạn trẻ lựa chọn đến những khu chợ chuyên bán đồ cũ với mong muốn sở hữu một chiếc máy ảnh có giá từ 100.000 đồng. Tuy vậy, khi đi những khu chợ này, máy được bày bán đa phần là xác máy nên việc mua được sản phẩm lành lặn là rất hên xui. Người mua cần chuẩn bị cho mình kiến thức và lựa chọn thật kỹ càng để có được chiếc máy ảnh ưng ý.
Thế hệ của sự hoài niệm
Máy ảnh kỹ thuật số là một khía cạnh khác của thời trang Y2K (thẩm mỹ những năm 2000). Đây là thứ song hành cùng thời đại hotpink (màu hồng nóng) và chân váy ngắn.
Những chiếc máy ảnh này thường có độ phân giải thấp, lấy ít ánh sáng. Vì thế, ảnh chụp ra thường có màu ảnh khá cổ điển, với tông màu trầm mang vẻ đẹp của những năm 2000.
Thực tế, máy ảnh kỹ thuật số chỉ là một trong rất nhiều xu hướng cũ đã được tái sinh nhờ một thế hệ vốn được nuôi dưỡng bởi hoài niệm: Gen Z (những người sinh năm 1997-2012). Họ được ghi nhận là đã mang trở lại tai nghe có dây - quay lưng với sự phát triển của AirPods (tai nghe không dây) - hay điện thoại nắp gập và máy nuôi thú ảo.
Sự phát triển chóng mặt của công nghệ trở thành tiền đề cho nỗi luyến tiếc quá khứ: Chu kỳ một xu hướng thường khá ngắn, các sản phẩm được yêu thích thường bị thay thế đột ngột bằng các phiên bản cập nhật, thậm chí có vài trường hợp còn bị ngừng sản xuất hoàn toàn.
Do đó, việc giới trẻ muốn níu giữ hay phục hồi những đồ vật, công nghệ, xu hướng từ ngày xưa cũng là điều rất tự nhiên.
Trào lưu này có nhiều nét tương đồng với các trào lưu chụp ảnh khác của giới trẻ như photo dump (trào lưu đăng nhiều ảnh ngẫu nhiên), chụp ảnh 0.5x (chụp ảnh bằng chế độ góc siêu rộng trên camera sau của điện thoại thông minh), locket (nền tảng mạng xã hội chia sẻ ảnh).
Chúng đều có điểm chung là để phản ánh chân thực khoảnh khắc, không cần qua bộ lọc để thu hút sự chú ý, đồng thời cũng là cách ngầm chống lại những chuẩn mực về cái đẹp trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, digicam lại có một điểm khác. Đó là người dùng phải thêm một bước chuyển ảnh từ máy ảnh qua điện thoại, thay vì chụp xong đăng trực tiếp. Tốc độ sử dụng phương tiện truyền thông này khác xa với những gì chúng ta trải nghiệm ngày nay, nhưng lại là cách tiếp cận mà Gen Z rất thích thú.
Diệp Linh