Tên tuổi Napoleon Hill vốn gắn liền với “Nghĩ giàu & làm giàu” (“Think and Grow Rich”). Cuốn sách được xuất bản năm 1937, đến nay vẫn là một trong những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại, với hơn 60 triệu bản sách được bán ra trên toàn thế giới (dưới 100 ngôn ngữ khác nhau).
Tuy nhiên, bên cạnh “Nghĩ giàu & làm giàu”, Hill có còn những tựa sách hấp dẫn và đặc sắc khác. Trong số đó, phải kể đến “Chiến thắng con quỷ bên trong” (tựa gốc: “Outwitting the Devil”), sách được viết từ chính thất bại cay đắng của Hill trong cuộc Đại suy thoái năm 1929.
Cuốn sách được sinh ra từ thất bại
Trong “Chiến thắng con quỷ bên trong”, Hill kể lại tình cảnh ngặt nghèo của mình trong thời kỳ đó: “Tôi mất đi 600 hec-ta đất ở vùng núi Castkill; nguồn thu nhập của tôi hoàn toàn bị cắt đứt; Ngân hàng quốc gia Harriman - nơi tôi gửi toàn bộ tiền của mình - bị phá sản và đóng cửa. Trước khi hiểu được chuyện gì đang diễn ra, tôi thấy mình bị cuốn vào một cơn cuồng phong cả về mặt tinh thần lẫn kinh tế”.
Hill đã mất đến 3 năm chỉ để “ngồi xuống và chờ đợi”. Sau đó, ông nhận ra rằng cuộc suy thoái này đã mang đến cho ông cơ hội quý báu để kiểm nghiệm triết lý lâu nay của ông về thành công và quyền tự quyết của con người.
“Một lần nữa, tôi lại có cơ hội để kiểm tra xem triết lý của mình có hữu dụng không, hay chỉ là lý thuyết suông”, Hill thẳng thắn.
Cũng phải nói thêm, từ năm 1908, Hill đã bắt đầu nghiên cứu và phỏng vấn những cá nhân thành công lỗi lạc nhất. Trong quá trình đó, Hill dường như đã nắm trong tay bản đồ dẫn con người đi đến thành công, (điều được đúc kết trong “Nghĩ giàu & làm giàu”). Nhưng tại sao ông lại để bản thân mình sa vào thất bại cay đắng?
Thời điểm đó, Hill nhận ra rằng ông vẫn chưa nghiên cứu về những “thế lực đen tối” bên trong mỗi người, những khía cạnh tiêu cực lôi kéo ta vào sự buông thả, trì trệ, thất vọng và cản bước ta đi trên lộ trình thành công mà ta nên đi.
“Chiến thắng con quỷ bên trong” được viết sau “Nghĩ giàu & làm giàu” một năm, như một sự bổ sung thấu đáo dành cho tác phẩm trước. Như Brian Tracy, tác giả “The Way to Wealth”, nhận xét: “Trong khi Nghĩ giàu & làm giàu vạch ra con đường để đi đến thành công, Chiến thắng Con Quỷ bên trong sẽ giúp bạn phá vỡ mọi chướng ngại bạn có thể gặp trên đường đi”.
Ma lực đáng sợ của ‘Con Quỷ’
“Chiến thắng Con Quỷ bên trong” xoáy sâu vào những ma lực của “con quỷ” - cũng là nhân vật tưởng tượng đại diện cho phần tiêu cực bên trong mỗi người. Trong đó, Hill viết rằng đây là công cụ lợi hại nhất mà “Con Quỷ” sử dụng để kiểm soát con người. Khi buông thả, thì thay vì chủ động kiến tạo mọi thứ, ta lại rơi vào trạng thái lờ đờ, tiêu cực, thụ động, thả trôi - giống như những gì Hill đã trải qua trong cuộc suy thoái kinh tế đen tối.
Khi thời gian trôi đi, tư duy buông thả đó dần dần chiếm ưu thế và huỷ hoại hoàn toàn tính chủ động và tự quyết của chúng ta. Người buông thả như rơi vào một “nhịp điệu thôi miên” không thể thoát ra. Khi ấy, sự buông xuôi gần như đã được ấn định; dù ai có biết đến hàng trăm triết lý thành công thì họ cũng khó lòng gượng dậy để vận dụng những triết lý đó vào thực tế.
Theo như Napoleon Hill thuật lại, đây cũng chính là sức mạnh đã lấy đi của của ông sự quyết đoán, lòng can đảm… và đẩy ông vào “tình trạng đờ đẫn”. “Nó cũng chính là sức mạnh kìm hãm hàng triệu người khác trong cuộc Đại suy thoái”, Hill viết.
Bên cạnh đó, theo tác giả, các hệ thống xã hội đương thời - như trường học, nhà thờ… - cũng vô tình lập trình nên tình trạng thả trôi này nơi con người. Chẳng hạn, Hill cho rằng trường học và cách giáo dục cứng nhắc mang tính quản chế đến mức nó giúp ích cho phần tư duy tiêu cực bên trong ta. “Bọn trẻ được dạy hầu hết mọi thứ ngoại trừ việc sử dụng tâm trí và tư duy một cách độc lập”, Hill viết.
Giành lại quyền tự quyết
Trong “Chiến thắng Con Quỷ bên trong”, tác giả đồng thời cũng hé lộ bảy nguyên tắc giúp con người chấm dứt sự buông thả, từ đó “phục hưng ý thức” và giành lại quyền tự quyết cho cuộc đời mình. Suốt những dòng viết đó, Hill cũng không quên chia sẻ với độc giả quá trình chiến thắng “con quỷ bên trong” của chính ông.
“Điều cứu tôi thoát khỏi sự kiềm toả chết người của nhịp điệu thôi miên là tính rõ ràng của mục đích”, ông nói, “Tôi đã buông thả hết lần này đến lần khác vào mọi ý thích và nỗ lực thứ yếu của mình, nhưng sự buông thả đó đã được bù đắp bằng mục tiêu chính yếu của tôi, đủ để tôi lấy lại lòng can đảm”.
Những gì Hill viết trong sách không những hấp dẫn ở ý tưởng và giải pháp, mà còn ở văn phong, ở cách ông truyền đạt ý chí và lòng quyết tâm ngùn ngụt đến bạn đọc. Ông giúp người đọc hiểu rằng cuộc sống là một “cuộc đốc công tàn nhẫn”, rằng trong mỗi phút giây, trong tâm trí chúng ta luôn có sự đấu tranh giữa phần tư duy tích cực và tư duy tiêu cực.
Nhưng con người hoàn toàn có thể sử dụng sức mạnh ý chí và quyết tâm của mình để chiến thắng phần tư duy tiêu cực trong mình - trong từng khắc từng giờ. Dù nghịch cảnh, suy thoái có đen tối đến mình nào, thì quyền sử dụng tư duy theo cách nào vẫn hoàn toàn nằm trong tay chính ta.
“Cuộc sống không trao cho bất cứ ai khả năng miễn dịch trước nghịch cảnh, nhưng tất cả mọi người đều được ban cho sức mạnh tư duy tích cực, đủ để họ làm chủ được mọi hoàn cảnh bất lợi và chuyển chúng thành hoàn cảnh có lợi cho mình”, Hill viết.
Trên Goodreads và Amazon, có nhiều bình luận ngợi khen sự khác biệt của “Chiến thắng con quỷ bên trong” so với những cuốn sách tự lực khác. “Đây là cuốn sách có sức mạnh nhất về chủ đề này. Có rất nhiều trí tuệ, rất nhiều cảm hứng và động lực trong ấn phẩm này”, bạn đọc L. Galyean bình luận trên Amazon.
“Tôi tin rằng mình đã đọc hơn 100 cuốn sách về phát triển cá nhân, thành công và kinh doanh. Tôi đã có danh sách top 10 rồi… bây giờ tôi có danh sách top 11”, bạn đọc Doug Crowe bình luận trên Goodreads.