Hẳn bạn không ít lần đã được truyền đạt rằng: nếu muốn trở nên vĩ đại, hãy học hỏi từ những người giỏi nhất. Ấy thế mà, nhiều nghiên cứu đã chứng minh điều ngược lại. Trong một nghiên cứu thú vị, các nhà kinh tế học muốn tìm hiểu xem liệu sinh viên có thực sự học hỏi nhiều hơn từ các chuyên gia hay không. Họ đã thu thập dữ liệu về tất cả sinh viên năm nhất tại Đại học Northwestern từ năm 2001 đến năm 2008 và điều tra xem liệu sinh viên năm nhất có học tốt hơn trong khóa học thứ hai của một môn học nếu lớp học nhập môn của họ do các giảng viên có trình độ cao hơn giảng dạy hay không.
Dữ liệu cho thấy những sinh viên học lớp đầu tiên do chuyên gia dạy cuối cùng lại có điểm kém hơn ở lớp tiếp theo. Nghiên cứu này đã được tổ chức trong nhiều năm với hơn 15.000 sinh viên trong các khóa học có mức độ chấm điểm khó dễ khác nhau. Và kết quả dẫn đến một mô thức chung, rằng các chuyên gia đặc biệt kém trong việc dạy những sinh viên có ít nền tảng lý thuyết.
Trong cuốn sách “Biến tiềm năng thành tài năng”, Giáo sư Adam Grant đã phân tích hai lý do khiến các chuyên gia gặp khó khăn trong việc hướng dẫn cho người mới bắt đầu. Một là, quãng đường của những chuyên gia đi đã quá xa để có thể nhớ được cảm giác khi ở trong vị trí của bạn. Các chuyên gia thường có hiểu biết trực quan về lộ trình, nhưng họ lại gặp khó khăn trong việc trình bày rõ ràng tất cả các bước cần thực hiện. Vì lẽ đó, thay vì giúp bạn tìm đường, sự hướng dẫn của các chuyên gia đôi khi khiến bạn mắc kẹt. Thậm chí, nó còn có thể khiến bạn cảm thấy những hạn chế của bản thân đang ngăn cản bạn tiến bộ.
Nhưng ngay cả khi chọn được một chuyên gia có thể hướng dẫn bạn đi theo lộ trình của họ thì bạn vẫn có khả năng rơi vào thử thách thứ hai: Bạn và chuyên gia đó không có điểm mạnh và điểm yếu giống nhau – “đỉnh cao và vực sâu” của họ không giống với bạn. Mặc dù bạn và họ có thể đang hướng về cùng một đích đến, nhưng bạn lại xuất phát từ vị trí cách vị trí của họ rất xa. Điều này khiến cho con đường của bạn trở nên xa lạ với họ giống như con đường của họ cũng xa lạ với bạn.
Lời khuyên của Grant là hãy tìm kiếm những lời hướng dẫn phù hợp với mình và mạnh dạn viết nên một cuốn sách hướng dẫn của riêng bạn. Cuốn sách này có thể là sự học hỏi từ lời dạy của những người đi trước, cộng với sự đúc kết từ chính cá nhân bạn.
Như Adam Grant đã chia sẻ: “Giống như việc tìm kiếm hướng dẫn cơ bản từ các chuyên gia danh tiếng là thiếu khôn ngoan, việc phụ thuộc vào một người dẫn đường duy nhất cũng là một sai lầm. Không ai khác biết chính xác lộ trình của bạn. Nhưng nếu bạn thu thập chỉ dẫn từ nhiều người, đôi khi bạn có thể kết hợp lại để thấy những con đường mình chưa từng biết đến. Con đường càng mịt mù và đỉnh cao càng hiểm trở thì bạn càng cần phải có nhiều người hướng dẫn hơn. Thử thách ở đây là kết hợp các lời khuyên khác nhau thành một lộ trình phù hợp với bạn”.
Suy cho cùng, nếu muốn phát triển, chúng ta cần khám phá những điều mà không người hướng dẫn nào có thể cung cấp và tự viết ra lộ trình cho riêng mình.