Lời toà soạn: Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu chia sẻ của bà Tôn Nữ Thị Ninh - Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM xung quanh câu chuyện từ thiện và thiện nguyện. Mời quý độc giả đón đọc.
—-
Không phải cứ "cho đi" đã là đủ, mà chúng ta cần nhận ra "cách cho" của mình có tạo nên tác động tích cực bền vững hay không. Hơn nữa, qua những đợt vận động kêu gọi từ người nổi tiếng, nếu họ được hướng dẫn bởi khung pháp luật cụ thể, những đáng tiếc về tính minh bạch có lẽ đã không xảy ra. Vậy nên, đã đến lúc chúng ta cần hướng tới văn hóa thiện nguyện "trưởng thành"!
Ai có trách nhiệm, vai trò và đóng góp cho xã hội công bằng hơn, hòa nhập và nhân ái, cho phát triển xã hội bền vững của Việt Nam?
- Theo tôi, Nhà nước có trách nhiệm hàng đầu và đóng vai trò điều phối tổng quan qua khung pháp lý, chính sách chế dộ và bộ máy thực thi. Tuy nhiên cộng đồng, các tổ chức, những cá nhân hướng tới từ thiện - thiện nguyện đã và đang chủ động tham gia đóng góp sự nghiệp tốt đẹp này.
Nói cách khác quá trình xã hội hóa biện pháp, hoạt động từ thiện và thiện nguyện không chỉ là chủ trương một chiều từ phía cơ quan Nhà nước mà là thực tế hai chiều với sự chủ động từ phía cộng đồng và các cá nhân.
SỰ KHÁC BIỆT GIỮA TỪ THIỆN VÀ THIỆN NGUYỆN
Cần phải nhìn nhận rõ hơn về mối liên hệ và sự khác biệt giữa hai khái niệm và phương thức: "từ thiện" và "thiện nguyện". Theo cách tiếp cận của chúng tôi tại Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM, được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng phi lợi nhuận, từ thiện (tương đương với ‘charity’) nằm trong tổng thể hệ sinh thái thiện nguyện (tương đương với ‘philanthropy’).
Hệ sinh thái thiện nguyện bao gồm hàng loạt chủ thể rất đa dạng: từ đoàn thể quần chúng, hội nhóm từ thiện, quỹ xã hội, tổ chức phi lợi nhuận khác nhau, doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp tạo tác động xã hội, và cả những cá nhân là người nổi tiếng, nghệ sĩ, người có sức ảnh hưởng, v.v…
Hoạt động từ thiện truyền thống thường mang tính cứu trợ, nhân đạo, đáp ứng tức thời, ngắn hạn, gắn với tình thương, cảm xúc. Truyền thống lá lành đùm lá rách vốn chảy trong dòng máu người Việt bao đời nay. Dễ dàng thấy được sự tương trợ ấy mỗi khi có thiên tai hay chỉ cần một cá nhân gặp hoạn nạn.
Còn nhớ đợt lũ ở miền Trung năm 2020, cả nước cùng hướng về đồng bào mình bằng những chuyến cứu trợ, những cuộc vận động quyên góp khởi xướng bởi cơ quan báo đài, tổ chức, cá nhân.
Một hoạt động của Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM trong năm 2020.
Hoạt động thiện nguyện được định hướng bởi những nguyên tắc phương châm phổ cập trong cộng đồng thiện nguyện quốc tế, bao gồm: xác định đối tượng hỗ trợ rõ ràng, ổn định; có mục tiêu trung dài hạn, hướng tới góp phần giải quyết một vấn đề của xã hội; có chương trình, kế hoạch, quan tâm hiệu quả; giải ngân minh bạch, với trách nhiệm giải trình với bên tài trợ.
Một đòi hỏi để đảm bảo hiệu quả và tính bền vững của hoạt động thiện nguyện đó là tạo niềm tin nơi nhà tài trợ cũng như cộng đồng được hỗ trợ. Vì lẽ đó cũng có người gọi thiện nguyện là từ thiện phát triển để phân biệt với từ thiện truyền thống, gọi là từ thiện cứu trợ/nhân đạo.
Một điển hình tiêu biểu của từ thiện phát triển là chương trình "Nhà chống lũ" của Quỹ Sống, đi thẳng vào gốc rễ của vấn đề để đưa ra kế sách lâu dài mang tính phòng chống giúp người dân "sống chung với lũ" an toàn.
Trước khi có thể gợi mở một kết luận cho bài phân tích này, tôi xin có một bài bình luận ngắn về một số việc làm từ thiện – thiện nguyện được dư luận chú ý thời gian qua
MỘT VÀI SUY NGẪM VỀ TỪ THIỆN VÀ THIỆN NGUYỆN THỜI HOẠN NẠN
Đúng là trước hoàn cảnh đồng bào gặp hoạn nạn như thiên tai và bệnh dịch, người Việt thường: sẵn lòng đóng góp, chia sẻ, giúp đỡ nhiệt tình, với nhiều cách chủ động, đa dạng, sáng tạo; cũng như nhanh nhẹn vào cuộc.
Điều này được minh chứng với ba ví dụ:
- Ca sĩ nổi tiếng kêu gọi đóng góp cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt và trong vòng ít ngày thu hút được trên 170 tỷ đồng.
- Doanh nhân trẻ với sáng kiến ATM Gạo, ATM Oxy giúp người nghèo, người bệnh trong giãn cách vì Covid-19.
- Chủ tịch Tập đoàn FPT quyết định FPT sẽ nhận nuôi ăn học 1000 trẻ em mồ côi cha mẹ vì dịch bệnh.
Tuy nhiên, từ ba thí dụ này có thể rút ra những nhận xét hữu ích rất khác nhau:
- Đối với trường hợp về doanh nhân trẻ: anh đã biết vận dụng hiệu quả kiến thức công nghệ, năng lực tổ chức của một doanh nhân, từ đó nhiều mạnh thường quân đã đóng góp gạo cho ATM Gạo và tiền để mua bình oxy cho ATM Oxy.
Mặt khác về cách thức triển khai "cho" của anh đã thể hiện văn hóa tôn trọng người nhận và tránh đề cao bản thân vì hầu như không xuất hiện gần các điểm ATM Gạo.
- Đối với trường hợp chủ tịch tập đoàn lớn: như mọi người, vị này không khỏi xúc động trước hoàn cảnh bất hạnh của các trẻ mồ côi vì Covid-19. Tuy nhiên, sự cảm xúc đó khiến ông đưa ra quyết định "lá lành đùm lá rách" mang tính thiện nguyện, có kế hoạch lâu dài là huy động nguồn lực của tập đoàn tạo điều kiện cho các cháu học và rèn luyện để có hành trang chắc chắn vào đời.
- Đối với trường hợp ca sĩ nổi tiếng: rõ ràng lời kêu gọi trên mạng xã hội của một nghệ sĩ nổi tiếng đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi và nhanh chóng bất ngờ.
Vị ca sĩ đó đã khẩn trương đến tận nơi bị lũ, tự phát tiền cho một số đồng bào, được dư luận trên mạng xã hội hoan nghênh. Sau khi có một số ý kiến thắc mắc làm sao một mình phát như thế ít ngày mà hết được số tiền hơn 170 tỷ đồng, ca sỹ nọ đã cho xây một chục nhà tránh lũ ở miền Trung (tin tháng 2/2021).
Câu chuyện này bộc lộ một số vấn đề: Có nên kêu gọi nhiều người không quen biết đóng góp vào tài khoản cá nhân của bản thân không? Đương sự khai thác triệt để hình ảnh cá nhân khi đích thân phát tiền. Đương sự hoàn toàn không chú tâm yêu cầu chuyên nghiệp, hiệu quả, minh bạch khi triển khai cứu trợ.
Hệ lụy cuối cùng là:
Ca sỹ nọ đã không thực hiện được trách nhiệm của "trung gian" nhận đóng góp phải giải trình kết quả cứu trợ cho những người đóng góp.
Ngoài ra, đương sự cũng không chứng minh được đã phát huy hiệu quả trung hạn của gói cứu trợ vô cùng lớn đó như thế nào.
Cùng với các sự việc liên quan đến một số nghệ sĩ nổi tiếng khác, để lại dư âm không hoàn toàn có lợi đối với hoạt động từ thiện cứu trợ của giới nổi tiếng.
Đồng thời rất đáng tiếc phải ghi nhận hiện tượng ngược lại: một số người Việt "xấu xí" trong bối cảnh hoạn nạn cũng nhanh nhẹn lợi dụng mạng xã hội lừa gạt những người tốt bụng đóng góp cho những trường hợp khó khăn - giả hoặc thật, nhưng cuối cùng để lùa tiền đóng góp để tư túi bản thân.
Việc này cần bị lên án vì là trò đáng xấu hổ, thực chất là cướp khoản giúp đỡ lẽ ra dành cho người thật sự khó khăn.
MỘT VÀI NHẬN XÉT VÀ HY VỌNG
Qua những nội dung và thí dụ cụ thể đã phân tích, tôi xin rút ra một vài nhận xét và hy vọng như sau:
Về phía cộng đồng (cá nhân, nhóm và tổ chức) từ thiện: làm sao chúng ta không chỉ xuất phát từ cảm xúc và chỉ hành động cảm tính, mà còn quan tâm và hướng tới hiệu quả, tính chuyên nghiệp, cũng như thực hiện trách nhiệm minh bạch giải trình. Thiết nghĩ sẽ rất có lợi cho quá trình này nếu các chủ thể từ thiện gắn kết nhiều hơn với hệ sinh thái thiện nguyện, tương tác nhiều hơn với các tổ chức thiện nguyện.
Bên cạnh đó, báo chí truyền thông phải phát huy trách nhiệm và vai trò trong việc xây dựng nhận thức cập nhật của công chúng về tổng thế cộng đồng thiện nguyện và thái độ hiểu biết của mọi người về các mặt của việc làm từ thiện. Không phải cứ "cho đi" đã là đủ, mà cần nhận ra "cách cho" của mình có tạo nên tác động tích cực bền vững hay không.
Ở góc độ cơ quan chức năng: cần tìm ra phương thức, cơ chế phù hợp để vừa phát huy tiếng nói của cá nhân có sức lan tỏa với công chúng, vừa đảm bảo các nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm, hiệu quả.
Mặt khác, các cơ quan Nhà nước cần nhìn nhận đúng mức đóng góp của các nhóm và tổ chức phi lợi nhuận đang tham gia Hệ sinh thái thiện nguyện và tạo thuận lợi cho các chủ thể này đang góp phần xã hội hóa chính sách xã hội của nhà nước. Rõ ràng qua những đợt vận động kêu gọi từ người nổi tiếng, nếu họ được hướng dẫn bởi khung pháp luật cụ thể, những đáng tiếc về tính minh bạch có lẽ đã không xảy ra.
Tóm lại, tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần hướng tới văn hóa thiện nguyện "trưởng thành"!
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị