Hậu giãn cách: Cố 'quẩy' vì sợ bị bỏ rơi, mắc hội chứng tâm lý nhưng không chịu thừa nhận FOMO

20/09/2021 21:30
Hậu giãn cách: Cố 'quẩy' vì sợ bị bỏ rơi, mắc hội chứng tâm lý nhưng không chịu thừa nhận FOMO

"Thật sự là tôi đang mong để được đi làm trở lại, qua đó có cớ từ chối những lời mời tiệc tùng thế này", cô Olivia cho biết khi đã quá mệt với những buổi tiệc.

Thuật ngữ "mua sắm trả thù" từng xuất hiện khi Trung Quốc và nhiều nước nới lỏng giãn cách và kỳ vọng người tiêu dùng sẽ chi tiêu nhiều hơn sau quãng thời gian dài bị giãn cách tại gia.

Thế nhưng theo tờ The Vice, giới trẻ Phương Tây hiện nay còn có xu thế "tiệc tùng trả thù" hậu giãn cách với những buổi tiệc thâu đêm suốt sáng. Thậm chí nhiều người còn gặp phải áp lực quẩy hết mình vì lo sợ đại dịch sẽ bùng phát một lần nữa gây nên lệnh giãn cách.

FOMO

"Tôi cảm thấy mình đang cố tạo áp lực lên bản thân để liên tục tiệc tùng và có những đêm hoang dại, bởi tôi sợ rằng một đợt giãn cách mới có thể sẽ khóa chúng tôi trở lại nhà một lần nữa", anh George Atallah đến từ Jordan hiện đang sống ở thủ đô Berlin-Đức thừa nhận.

Trào lưu tiệc tùng ‘trả thù’ của giới trẻ hậu giãn cách: Kiệt sức vẫn cố quẩy vì sợ bị bỏ rơi, mắc hội chứng tâm lý nhưng không chịu thừa nhận - Ảnh 1.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Vice, anh Atallah chia sẻ bản thân đã phải trải qua những đêm tiệc vô cùng tệ hại nhưng vẫn phải cố tỏ ra hoàn hảo khi nói về chúng mạng xã hội.

Anh Atallah cho biết có lần một người bạn của anh uống quá nhiều và phải nhập viện cấp cứu, thế nhưng mạng xã hội về bữa tiệc đó lại tràn ngập các tấm hình vui chơi hết mình trong khi thực tế đêm tiệc chẳng hoàn hảo đến vậy.

Thật vậy, rất nhiều bạn trẻ Phương Tây giờ đây cố tình tham gia các buổi tiệc vì cảm giác sợ bị bỏ rơi (FOMO), sợ bỏ lỡ cuộc chơi trước khả năng xã hội bị giãn cách một lần nữa nếu bùng phát dịch. Số khác thì dù chẳng vui vẻ tham gia tiệc tùng nhưng vẫn cố tỏ ra mình ổn trên mạng xã hội để theo trào lưu.

FOMO là từ viết tắt của cụm từ "Fear Of Missing Out". Đây là hiệu ứng tâm lý của những người sợ bỏ lỡ cơ hội khi đứng ngoài trào lưu của đám đông.

Đồng quan điểm, cô Olivia Walsh đến từ West Sussex-Anh cho biết bản thân sống với bố mẹ nên rất sợ ra ngoài vì nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho người thân.

"Bởi nguy cơ dịch bệnh mà tôi cho rằng mỗi buổi đi chơi đêm cần đáng giá với rủi ro mà mình phải đối mặt...Thế nhưng có những bữa tiệc chẳng hay ho gì cả và tôi cảm thấy mình phải phiêu lưu với nguy cơ lây nhiễm mà chẳng được lợi gì", cô Olivia thừa nhận.

Trong một lần đi chơi đêm ở Brighton, cô Olivia cho biết mình rất mệt mỏi và chẳng vui vẻ gì nhưng vẫn phải đăng các tấm hình để mọi thứ nhìn như thật tuyệt, rằng họ đã quẩy hết mình.

"Thật sự là tôi đang mong để được đi làm trở lại, qua đó có cớ từ chối những lời mời tiệc tùng thế này", cô Olivia cho biết.

Trào lưu tiệc tùng ‘trả thù’ của giới trẻ hậu giãn cách: Kiệt sức vẫn cố quẩy vì sợ bị bỏ rơi, mắc hội chứng tâm lý nhưng không chịu thừa nhận - Ảnh 3.

Nguồn ảnh: The Conversation

Hội chứng cân bằng ấn tượng

Anh Matthew Sandham đến từ Lancaster-Anh cho biết mình đã tận hưởng đợt nới lỏng giãn cách bằng những bữa tiệc thâu đêm nhằm bù đắp cho những ngày cô đơn ở nhà. Thế nhưng một bữa tiệc tại York gần đây đã làm anh thay đổi quan điểm.

Bản thân Matthew đến bữa tiệc đầy háo hức nhưng cuối cùng chúng lại trở nên tệ hại vì bạn bè của anh đều say khướt và nôn mửa. Bữa tiệc này cũng đầy những sinh viên đến uống mừng kết quả kỳ thi của họ , điều mà Matthew chẳng thích chút nào bởi đây là đối tượng ít khi tiệc tùng cũng như khá buồn chán.

Dù cảm thấy bữa tiệc chẳng ra sao nhưng Matthew vẫn phải cố thuyết phục bản thân rằng mình ổn, rằng anh không hề tốn tiền hay thời gian, sức lực khi tham gia đêm tiệc đó.

"Có thể cuộc sống tiệc tùng suốt ngày như thế chẳng tốt lành gì trong dài hạn nhưng cảm giác được giao lưu xã hội đã an ủi cho quãng thời gian buồn tẻ, cô đơn và đầy khó khăn trong dịp giãn cách trước đó", anh Matthew thừa nhận.

Việc giới trẻ dù không thực sự thích thú nhưng vẫn cố tham gia tiệc tùng được giới tâm lý học giải thích bởi nhiều nguyên nhân.

Ngoài lý do "tiệc tùng trả thù" để bù đắp cho quãng ngày cô đơn vì giãn cách hay nỗi sợ FOMO, giáo sư tâm lý Mazad Hojjat nói với tờ The Vice rằng "Hội chứng cân bằng ấn tượng" (Impression Management) có thể là lý do cho vấn đề trên.

"Bản năng phóng đại niềm vui này vốn chẳng có gì mới trong tâm lý học, chúng tôi gọi nó là ‘Hội chứng cân bằng ấn tượng’", bà Hojjat nhấn mạnh.

Theo đó một cá nhân sẽ cố gắng khiến bản thân tự tin hơn, trấn an tâm lý bằng cách tự tạo ấn tượng rằng họ đang vui vẻ, đang sống rất tốt dù thực tế không hoàn hảo như vậy.

"Các mạng xã hội ngày nay càng khiến hội chứng này trở nên phổ biến hơn bởi mọi người có thể đăng những hình ảnh vui vẻ, tích cực của bản thân họ cho mọi người nhìn, cổ vũ và tự kích thích chính mình", giáo sư Hojjat cho biết.

Trào lưu tiệc tùng ‘trả thù’ của giới trẻ hậu giãn cách: Kiệt sức vẫn cố quẩy vì sợ bị bỏ rơi, mắc hội chứng tâm lý nhưng không chịu thừa nhận - Ảnh 4.

Nguồn ảnh: Independent

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 khiến nhiều người cảm thấy không khỏe, đầy lo lắng sau quãng ngày bị giãn cách càng thúc đẩy hội chứng này khi mọi người muốn làm gì đó vui vẻ, kích thích để xóa đi các cảm xúc tiêu cực.

Vậy hội chứng này có thật sự là cách để xóa đi các cảm xúc tiêu cực do giãn cách gây ra?

"Mọi người nên nhớ rằng tình hình hiện nay chỉ là tạm thời. Bất kỳ ai cũng có lúc khó khăn và thay vì tiệc tùng quá sức, mọi người có thể dùng sự đồng cảm, lòng vị tha để giải quyết hiệu quả cũng như lâu dài tâm trạng tiêu cực trên", bà Hojjat nói.

Rõ ràng, việc giả vờ mọi thứ vẫn ổn cũng như cố gắng tham gia các buổi tiệc tùng thâu đêm chỉ càng tạo áp lực cho bản thân. Đây không chỉ là vấn đề sức khỏe mà còn liên quan đến tiền bạc, thời gian cũng như các hệ lụy xã hội khác trong bối cảnh cả nền kinh tế bị chững lại sau đại dịch.

Thế nhưng theo tờ The Vice, giới trẻ Phương Tây sẽ hiếm khi thừa nhận mình đang có vấn đề về tâm lý, cũng như trường hợp của cô Olivia muốn đi làm để lấy cớ từ chối lời mời tiệc. Do đó, chừng nào các quán bar, sàn nhảy còn mở thì những bạn trẻ vẫn sẽ cắm đầu vào cuộc vui "trả thù" cho quãng ngày cô độc vì giãn cách.

*Nguồn: The Vice

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025