Ở cái tuổi đã ngoài bát tuần, nhưng cụ Khổng Thị Biện ở thị trấn Lập Thạch (Vĩnh Phúc) vẫn còn khá minh mẫn. Thấy người lạ ghé thăm, cụ đoán ngay là người đi mua đất về để ăn, cụ hỏi: "Chú lấy mấy cân, có cần hun khói không, giờ đất còn ít lắm, nếu lấy nhiều thì để tôi nhờ con trai tôi ra sau nhà lượm nhặt thêm".
Rồi cụ nhanh nhảu vào bếp và lấy ra một túi nilon, bên trong là những thỏi đất màu trắng đục đã được phơi khô sẵn, cụ Biện chia sẻ: "Vài năm trước tôi vẫn đi chợ để bán món đất hun khói này đấy, nhưng giờ già rồi chỉ quanh quẩn ở nhà thôi, thỉnh thoảng vẫn có người tới mua về để ăn hay làm quà".
Theo cụ Biện, giá mỗi kg đất hiện giờ là 120 nghìn đồng, đồi Vàng nhà cụ là nơi có nhiều đất ăn được nhất, đất này thường được người dân trong vùng gọi với cái tên quen thuộc là đất ngói.
Để lấy được đất, người lấy phải đào một hố sâu khoảng 5- 6m, sau đó lật hết lớp đất màu vàng bên trên mới đến lớp đất ngói. Sau khi đào lên, đất được đem đi phơi khô, vạc thành những miếng nhỏ theo thớ đất, cạo hết lớp đất bám bên ngoài, phía bên trong lộ ra miếng đất trắng tinh như thạch cao.
Miếng đất trắng đục sau khi được hun khói sẽ ngả sang màu vàng, ngậy mùi thơm bởi lá sim hun khói quyện vào
"Bây giờ chẳng mấy ai ăn nữa, vài chục năm trước dân trên này không ai xa lạ với món này, hồi đó thì làm gì có bánh kẹo như bây giờ, từ trẻ con đến người già ai cũng ăn.
Đặc biệt, những phụ nữ khi mang bầu họ rất khoái món đất ngói này, có người đi chợ là phải tìm đến hàng đất ngay để ăn vội vài miếng cho đỡ thèm, có phiên chợ tôi bán được cả gánh đất, đắt như tôm tươi" - cụ Biện kể.
Phải đào 5 - 6m mới lấy được lớp đất ăn được.
Cởi bỏ lớp áo khoác bên ngoài, cụ Biện đi ra sau nhà hái một vài cành lá sim và một nắm rơm khô, cụ quay trở vào bếp nhóm lửa, rồi cầm trên tay rổ đất hơ lên trên cột khói đang bốc cao nghi ngút.
Cụ Biện cho biết, làm như vậy để khói lá sim quyện vào đất, khoảng 15 phút miếng đất được sẽ hun ngả sang màu vàng.
Tuổi đã cao, nên việc lấy đất giờ đây cụ Biện nhờ cả vào người con trai.
Những thỏi đất đào được để riêng trong rổ
"Ngửi mùi khói đã thấy thèm rồi, miếng ngói mùi thơm, vị bùi, càng nhai càng ngon. Ăn nhiều người còn nghiện đấy, ông nhà tôi lúc còn sống cứ cách vài ngày là phải lấy để ăn, giờ tôi gần đất xa trời rồi nhưng không có nó cũng không chịu được.
Ngày xưa, có người thèm quá còn ra những nơi có đất ngói, nhặt những mảnh vụn rồi cứ thế ăn mà không cần chế biến. Nhưng giờ chả mấy người còn ăn nữa, trẻ con có nhiều bánh, kẹo ngon hơn nên không đứa nào thèm ăn đất nữa" - cụ Biện nói.
Đất sau khi đào về phải được làm sạch hết lớp đất bẩn bám bên ngoài
Theo cụ biện, hiện giờ đồi Vàng cũng không còn mấy thứ đất ăn được này nữa, bởi con cháu của cụ đã san đi để làm nhà lên trên.
"Tôi chỉ còn khoảng 1 tạ đất ăn, bán hết số đó là không còn đất để bán, đồi Vàng đã được con cháu tôi san đi gần hết để làm nhà cửa lên trên. Sau này khi tôi mất đi, tục ăn có lẽ sẽ cũng không còn, những gì còn lại chỉ là hoài niệm trí nhớ của nhiều người về một vùng quê nghèo" - cụ Biện luyến tiếc.
Cụ Biện cho hay, người xưa ở đây trước kia cho rằng loại đất ngói ăn được rất tốt cho phụ nữ mang thai vì đất này chứa nhiều canxi lại mát cho cơ thể.
Theo tìm hiểu, tục ăn đất ngói ở Lập Thạch có từ khoảng những năm 1970 trở về trước, đất giống như dạng đất cao lanh non.
Nhiều người trước kia, trong đó có cả những phụ nữ mang thai thường mua đất này về để ăn. Bởi người dân cho rằng loại đất trên mát, có nhiều canxi, tốt cho thai nhi. Tuy nhiên, trên thực tế chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh điều này.