Bất kể danh tiếng vươn xa, kinh đô giải trí đang chịu kiểm soát áp đảo trong tay một số ‘ông lớn’ của thị trường nghệ thuật. Dù vậy, công chúng hãy còn quyền kỳ vọng vào viễn cảnh tương lai bình đẳng – khởi sắc hơn, nếu Hollywood sẵn sàng cải thiện 3 vấn đề sau, kể từ năm 2020.
Nâng tầm hoạt động quảng bá
Giữa lúc hàng loạt loại hình ‘giải trí tại gia’ tân tiến hiện nay như truyền hình cáp, dịch vụ streaming và thiết bị ghi video kỹ thuật số (DVR) ngày một bành trường, thị phần phim ảnh truyền thống đang dần ‘co cụm’ một cách đáng buồn. Đến mức, những dự án thuộc series điện ảnh ‘dài hơi’ – kinh phí ‘khủng’ gần như là đề cử duy nhất giúp đảm bảo doanh thu nhiều xưởng phim. Trong khi hàng loạt tác phẩm độc lập chất lượng, tiêu biểu gần đây như ‘Ad Astra’ hay ‘Booksmart’, bị bỏ rơi phía sau giữa ‘cuộc đua’ quảng bá.
Rõ ràng, chúng ta đang rất cần một thị trường marketing phim công bằng hơn tại Hollywood.
Theo truyền thống, studio phim thường đầu tư 75% ngân sách quảng bá một dự án cho hoạt động phát thanh, tuyên truyền trực tiếp và quảng cáo bằng hình ảnh trên đa dạng phương tiện truyền thông. Nói riêng ở thị phần Bắc Mỹ, nơi 50% công chúng xem video trực tuyến hằng ngày, với vô vàn nội dung điện tử đặc sắc – chẳng hạn tựa game đa người chơi Fortnite vốn thu hút hơn 250 triệu game thủ, cách quảng bá một sản phẩm văn hóa như trên có vẻ đã lỗi thời.
Hollywood cần cân nhắc xu hướng giới thiệu phim ảnh mới mẻ, hiệu quả hơn đối với những khán giả không nằm trong phân nhóm quen thuộc của họ, thông qua thế giới mạng điện tử.
Là series điện ảnh ‘biểu tượng’ của Hollywood kéo dài qua 4 thập niên, ‘Star Wars’, đáng tiếc, lại đang ‘châm ngòi’ cho những tranh cãi nảy lửa bên trong hội nhóm fan hâm mộ, nhắm vào đội ngũ sản xuất lẫn giới phê bình. (Ảnh: Disney)
Một gợi ý nhỏ trong đề xuất trên chính là nỗ lực ‘hóa giải’ cách biệt tư duy giữa giới phê bình và người xem. ‘Star Wars: The Last Jedi’ là ví dụ đơn cử nổi bật, thể hiện thực trạng tranh cãi liên miên này. Trên thực tế, sự khác biệt về góc nhìn đã nảy sinh từ lâu, khi cánh phân tích và chuyên gia phê bình phim thường bị ‘gắn mác’ tự phụ, ngược lại, số đông khán giả luôn muốn tìm kiếm những tác phẩm chân thật – ấn tượng theo cảm quan riêng. Đương nhiên, chúng ta khó lòng ‘đánh đồng’ hay thiên vị phía nào. Điều quan trọng trong khâu quảng bá, thiết nghĩ, vẫn là đảm bảo những cuộc tranh luận chỉ xoay quanh chất lượng bộ phim, thay vì nhắm vào một số ý kiến chủ quan tiêu cực.
Giải Oscar dành cho Diễn viên đóng thế
Những màn biểu diễn phối hợp và tình huống hành động thế vai đã trở thành nhân tố tối cần thiết tạo nên thành công cho nhiều dự án bom tấn chúng ta yêu thích ngày nay. Thế nhưng, dẫu nắm bắt vai trò quan trọng của diễn viên đóng thế, Nghiệp đoàn Điện ảnh Mỹ chưa thể hiện nỗ lực vinh danh cụ thể nào cho họ.
Một diễn viên đóng thế (giữa) luyện tập cảnh hành động trên không với dây cáp, trong phim trường của bom tấn điện ảnh ‘Captain America: Civil War’, năm 2016 (Ảnh: Imgur)
Những nghệ sĩ đặc biệt này không ít lần ‘đặt cược’ mạng sống trước ống kính, nhằm phục vụ khán giả. Hành động biết ơn, chí ít, bên cạnh chế độ phúc lợi tốt hơn, chính là công khai ghi nhận tài năng cũng như sự hy sinh quên mình của diễn viên đóng thế.
Một điều tưởng chừng không quá khó, duy Nghiệp đoàn Điện ảnh có vẻ vẫn đang thờ ơ trước những cá nhân với cống hiến thầm lặng. Trong lúc Oscars nhiều năm qua phải đối diện tình trạng lượng người xem sụt giảm liên tục – kéo theo loạt cố gắng ‘thử nghiệm’ thất bại từ phía Nghiệp đoàn để lôi kéo khán giả – một hạng mục trao giải vinh danh Diễn viên đóng thế xuất sắc, có thể là chọn lựa thú vị mang đến sự ganh đua mới mẻ nơi dòng sản phẩm phim hành động bom tấn luôn đắt vé thời gian gần đây.
Dấu ấn ‘đa dạng hóa’ quyết định chất lượng nghệ thuật
Một số tranh luận tiêu cực hiện thời xoay quanh câu chuyện đa dạng hóa nội dung phim ảnh, với những nhân vật trung tâm đa sắc thái hơn, minh chứng rõ nét việc Hollywood hãy còn chật vật ‘chuyển mình’ ra sao trước nhiều đổi thay trong nền văn hóa đại chúng. Trao cơ hội công việc tốt hơn cho cánh nghệ sĩ nữ, diễn viên đa sắc tộc hay tôn giáo, ở đây, không đơn thuần phản ánh một ‘nghĩa vụ’ đạo đức. Trên hết, đa dạng hóa là hướng đi thiết thực để đảm bảo chất lượng những tác phẩm nghệ thuật.
Lễ trao giảo Quả Cầu Vàng đã và đang ‘níu giữ’ một thói quen đáng quan ngại, khi họ phớt lờ giá trị của nhóm nghệ sĩ thiểu số. Tiêu biểu là danh sách đề cử trao thưởng năm nay, nơi không một nghệ sĩ nữ nào có tên trong hạng mục Biên kịch hay Đạo diễn xuất sắc, bất kể dự án của một loạt nhà làm phim, biên kịch nữ tài năng (Greta Gerwig – phim ‘Little Women’, Marielle Heller – ‘A Beautiful Day in the Neighborhood’, Alma Har’el – ‘Honey Boy’, Olivia Wilde – ‘Booksmart’, và Lulu Wang – ‘The Farewell’) đều thuộc danh sách phim xuất sắc nhất năm.
Quả Cầu Vàng từ lâu chịu ‘tiếng xấu’ như một sự kiện trao giải ‘chỉ nhằm vinh danh nam giới’ (Ảnh: Getty Images)
Theo báo cáo thống kê mới nhất năm 2019, ‘The Celluloid Ceiling’, của Trung tâm Nghiên cứu Vai trò Phụ nữ trong Ngành sản xuất Phim và Truyền hình (trụ sở tại California, Mỹ), số phần trăm những phụ nữ làm công tác đạo diễn trong top 250 phim doanh thu cao nhất hằng năm đang giảm dần, từ 11% (năm 2017), xuống 8% (năm 2018). Vài năm trở lại đây, số lượng nhà làm phim nữ cũng liên tục giảm sút trong danh mục 100 phim có doanh thu cao nhất thường niên. Nhìn chung, chỉ có 1% những dự án phim tuyển hơn 10 phụ nữ làm công tác dàn dựng – sản xuất. Đối nghịch là một con số gây ngỡ ngàng: 74% đoàn phim có hơn 10 nhân viên dàn dựng, sản xuất là nam giới.
Chúng ta không thể để thực trạng ‘lấn át vai trò’ tiếp diễn ở thị trường nghệ thuật, nếu không muốn tương lai ngành sản xuất phim bị định đoạt hoàn toàn bởi những nam nghệ sĩ. Nếu không thể ‘vịnh’ vào nỗ lực bình đẳng giới, Hollywood cần tạo ra khác biệt nhằm đảm bảo mỗi sản phẩm văn hóa, mỗi câu chuyện trên màn ảnh luôn tươi mới và đáng nhớ.
Như Ý (theo Observer)