Là một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc, Doãn Minh Thiện (Yin Ming Shan), người sáng lập Tập đoàn sản xuất xe Lifan (Trung Quốc), có nhiều kinh nghiệm cũng như khả năng xuất chúng trong kinh doanh.
Cách thức kinh doanh mà ông Doãn lựa chọn và cũng là chiến lược chủ đạo của Lifan được chính ông đúc rút và đưa ra sau những kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân.
Chọn đi theo con đường liên tục đổi mới, ông từng bước tạo nên thành công cho Tập đoàn Lifan không chỉ tại Trung Quốc mà còn vươn ra toàn cầu.
Cuộc đời thăng trầm của thiên tài toán học với "máu" kinh doanh sẵn có
Doãn Minh Thiện sinh năm 1938 trong một gia đình địa chủ ở quận Phù Lăng, Trùng Khánh. Nhờ gia đình khá giả nên cuộc sống hồi nhỏ của ông khá sung túc và buông thả.
Vận đổi sao trời, những ngày sống tươi đẹp sớm kết thúc khi cha ông bất ngờ qua đời năm ông 12 tuổi. Cả gia đình phải đến sống trong một ngôi nhà tranh bỏ hoang ở vùng nông thôn. Trong căn nhà tranh, chỉ có một chiếc chăn bông khô mốc và vài chiếc bát của chủ cũ để lại.
Mặc dù lâm vào cảnh túng quẫn nhưng chàng thiếu gia ngày nào không hề phàn nàn mà nhanh chóng thích nghi. Doãn Minh Thiện chia sẻ: "Trước đây, tôi chỉ nghĩ đến ăn uống và vui chơi. Giờ đây, tôi chỉ có một ý nghĩ là kiếm tiền để nuôi mẹ và bản thân".
Ban đầu, ông thấy nhà nào cũng cần may vá nên đã vay mượn họ hàng 5 hào rồi đi bộ vài cây số đến thị trấn mua sỉ để về làng bán. Ngày trước, 5 hào chả là gì đối với ông nhưng giờ đây, đó là số tiền cứu sống cả gia đình ông.
Bằng cách bán lại kim chỉ và hợp tác kinh doanh cùng người khác, Doãn Minh Thiện đã kiếm được vài chục nhân dân tệ trong khoảng thời gian ngắn, một khoản tiền không hề nhỏ vào thời điểm đó. Cầm số tiền lớn trong tay, lần đầu tiên ông cảm thấy hạnh phúc.
"Chỉ khi hợp tác với người khác, lợi ích của mình mới được tối đa hóa" - Doãn Minh Thiện
Tuy nhiên, mẹ của ông thì nghĩ khác. Bà tha thiết nói với con: "Con ơi, con phải học, không học thì không thể thay đổi được số phận".
Theo mong muốn của mẹ, Doãn Minh Thiện làm việc chăm chỉ trong một năm, rồi một mình đến Trùng Khánh để học. Nhờ sự thông minh và chăm chỉ, ông đã được nhận vào trường trung học số 1 Trùng Khánh với kết quả xuất sắc.
Trong học kỳ đầu tiên, Doãn Minh Thiện đã hoàn thành tất cả các môn học ở trường. Đặc biệt, ông còn hoàn thành chương trình cử nhân toán học ngay trong học kỳ tiếp theo.
Vào thời điểm đó, mọi người đều dự đoán rằng Doãn Minh Thiện sẽ là một thiên tài toán học trong tương lai.
So với các bạn cùng trang lứa, Doãn Minh Thiện có sự linh hoạt, học hỏi mọi thứ rất nhanh và được mệnh danh là thiên tài.
Tuy nhiên, vận mệnh vô thường, ông có thể tính ra các bài toán, nhưng lại không thể tính được số mệnh của mình. Vào năm thứ ba trung học, Doãn Minh Thiện chưa kịp tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học thì đã bị đuổi vì những nhận xét quá khích của mình. Ba năm sau, ông bị bắt giam, và từ đó thiên tài toán học trở thành tù nhân.
Mọi người đều cho rằng cuộc đời của ông sẽ kết thúc từ đây nhưng tất cả đều sai. Với Doãn Minh thiện, không gì là không thể và không có gì khiến tinh thần của ông lung lay. Trong tù, ông vẫn không từ bỏ việc học. Ông đọc sách, học tiếng Anh và tập thể dục mỗi ngày.
Các tù nhân khác chế nhạo nhưng Doãn Minh Thiện không để tâm. Năm 1979, nhờ cải tạo tốt, ông đã được trả tự do trước thời hạn. Khi đó, ông 41 tuổi.
Hôm ra khỏi trại giam, ông trút hết những oan ức đã kìm nén suốt 18 năm trời bằng cách hất tung đám cỏ khô héo bên vệ đường. Ông tự nhủ bản thân phải làm nên sự nghiệp của riêng mình.
Màn "đá chéo sân" ngoạn mục từ biên tập viên trở thành doanh nhân
"Sự sáng tạo dựa vào chỉ số IQ; sự tinh tế dựa vào thái độ nghiêm túc của mỗi người"-Doãn Minh Thiện
Sau khi mãn hạn tù, Doãn Minh Thiện đến làm phiên dịch tại nhà máy hóa chất tổng hợp Trùng Khánh. Dưới sự phiên dịch của ông, việc sản xuất của nhà máy được tiến hành đúng thời hạn. Điều này khiến các lãnh đạo có cái nhìn khác về ông.
Sau đó, ông được mời làm giảng viên tiếng Anh của Đại học Truyền hình Trùng Khánh và Học viện Thiết kế Trùng Khánh. Mặc dù lương giáo viên khá cao, nhưng Doãn Minh Thiện lại không hứng thú với công việc này.
Năm 1983, Nhà xuất bản Trùng Khánh tuyển dụng biên tập viên. Doãn Minh Thiện cảm thấy cơ hội đã đến nên mạnh dạn nộp đơn xin việc và trúng tuyển. Ông nhanh chóng khẳng định tài năng của mình.
Chỉ trong 2 năm, ông đã trở thành phó chủ tịch của nhà xuất bản ở tuổi 47. Doãn Minh thiện chỉ mất 6 năm để thoát khỏi thân phận một tù nhân và nắm trong tay sự nghiệp vẻ vang.
Năm 1985, ông nghỉ việc ở nhà xuất bản và đến công ty tư vấn kỹ thuật quốc tế Trùng Khánh để phỏng vấn. Nhờ trình độ dịch thuật xuất sắc và tài năng phi thường, ông nhanh chóng trở thành tổng giám đốc. Không giống như các đồng nghiệp khác, họ đến đây để kiếm tiền, còn Doãn Minh thiện lại đến đây để tích lũy kinh nghiệm.
Với sự tham gia của ông, công ty kinh doanh thua lỗ suốt mấy năm này cuối cùng cũng "lật mình" vươn lên, chuyển lỗ thành lãi. Sau ba năm làm việc, Doãn Minh Thiện cảm thấy thời cơ đã chín muồi nên dứt khoát từ chức, quyết định tự kinh doanh và làm lại từ đầu ở tuổi 50.
"Trò chơi có tổng bằng 0" làm nên huyền thoại tạo dựng đế chế Lifan
Theo quan điểm của Doãn Minh Thiện, có 3 cách để lãnh đạo một doanh nghiệp thành công: Độc quyền, tích lũy và đổi mới.
Tuy nhiên, một công ty tư nhân lúc bấy giờ không thể có quyền độc quyền ở Trung Quốc. Và ông nhận thấy bản thân mình không đủ dũng cảm để đầu cơ như trong đầu cơ chứng khoán hay buôn lậu. Do đó, ông chọn đi theo con đường thứ 3: Liên tục đổi mới.
Lĩnh vực đổi mới đầu tiên là đổi mới công nghệ và sản phẩm với khẩu hiệu: Tạo ra những sản phẩm mới, mở rộng thêm những thị trường mới. Những thị trường cũ được ông nhận định: Chỉ là "trò chơi có tổng bằng 0". Sự phát triển của cái này kéo theo sự suy yếu của cái kia và cơ hội tồn tại của cái này chính là sự ra đi của cái khác. Sự cạnh tranh luôn luôn khốc liệt.
Tuy vậy, sẽ không có đối thủ cạnh tranh trong một thị trường mới. Nếu bạn tạo ra một sản phẩm mới, bạn có thể nắm trong tay toàn bộ thị trường rộng lớn. Do đó, ông chủ trương Lifan tạo ra rất nhiều những sản phẩm mới đột phá tại thị trường Trung Quốc và trên thế giới. Lifan mất 3 năm để phát triển một động cơ siêu nhỏ hoàn toàn mới trong thị trường Trung Quốc. Năm 1995, Lifan đã bán được 80.000 sản phẩm với lợi nhuận lên đến 16 triệu NDT, tạo nên bước đột phá vào thời điểm lúc bấy giờ.
Trên đà thắng lợi đó, Lifan sáng chế ra một loại động cơ khởi động bằng điện khi mà trước đó, tất cả các động cơ xe máy sản xuất tại Trung Quốc đều được khởi động bằng chân. Chính vì vậy, những động cơ khởi động bằng điện do Lifan tạo ra ngay lập tức trở nên cơn sốt trên thị trường. Chỉ trong vòng 4 tháng, Lifan đã đạt mức kỷ lục 60.000 chiếc và đạt doanh thu 15 triệu NDT. Năm đó, ở tuổi 57, ông cuối cùng đã trở thành một triệu phú.
Năm 2003, sự nghiệp thành công giúp Doãn Minh thiện trở thành ông trùm mô tô lớn nhất và nằm trong danh sách người giàu Trung Quốc của Forbes.
Bước đi đầy chiến lược chắp cánh cho những tham vọng lớn
"Hầu hết mọi người đều thích cái mới và người doanh nhân phải trau dồi sự mới mẻ cho vị trí của mình."-Doãn Minh Thiện
Đổi mới thương hiệu cũng là bước đi ông Doãn đặc biệt lựa chọn cho Lifan. Tạo ra một thương hiệu có nghĩa là cần một khoản tiền lớn. Ông bắt đầu với một ý tưởng vào năm 2000 và đầu tư 58 triệu NDT để làm chủ Câu lạc bộ bóng đá Huandao. Lý do Lifan dốc sức vào một đội bóng khiến giới kinh doanh hết sức nghi ngờ. Tuy nhiên, không ai có thể ngờ đó là một bước đi đầy chiến lược.
Trước khi Lifan đầu tư vào Huandao, những người đưa ra ý tưởng này dự đoán số người biết về thương hiệu Lifan ít hơn con số 20 triệu. Nhưng sau vụ mua bán này, Lifan thu hút tới 300 nghìn người biết đến thương hiệu Lifan vốn là fan hâm mộ của câu lạc bộ bóng đá này.
Không chỉ vậy, để nâng cao uy tín của Lifan trên thị trường, ông Doãn đã tổ chức rất nhiều show biểu diễn mang thương hiệu Lifan ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á.
Việc đổi mới trong bán hàng và marketing đã giúp cho Lifan tăng lợi nhuận lên gấp 5 lần. Ở khía cạnh đổi mới trong quản lý nguồn nhân lực, Lifan áp dụng cách quản lý nhân viên như đang đối xử các thành viên trong một gia đình lớn. Nhờ thế, đội ngũ nhân viên Lifan đều chung quan điểm nỗ lực hết mình, chung sức để đạt hiệu quả cao nhất. Mỗi nhân viên đều được học để trở thành những người biết sáng tạo hết tiềm năng.
Ông Doãn chia sẻ: "Đừng biến họ thành những cái máy bị gò bó, nhàm chán bởi môi trường làm việc cứng rắn và áp lực. Hãy để họ cùng góp sức lực và tài trí cho sự lớn mạnh của tập đoàn, gắn mục tiêu của tập đoàn thành động lực của chính bản thân họ".
Vào ngày 25/11/2010, cổ phiếu của Lifan được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải, giá trị thị trường đã có lúc lên tới hơn 30 tỷ NDT, còn tài sản ròng của Doãn Minh Thiện trị giá hơn 11 tỷ NDT. Lúc này, ở tuổi 72, ông trở thành người giàu nhất Trùng Khánh.
Lifan cũng ấp ủ rất nhiều kế hoạch và dự định cho tương lai: Khẳng định vị thế và tạo ra sự đột phá trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Tuy nhiên, năm 2016, Lifan bị dính vào "tham nhũng" 114 triệu NDT quỹ trợ cấp của chính phủ trung ương. Sai một ly, đi một dặm, Lifan bắt đầu xuống dốc không phanh, thua lỗ hết lần này đến lần khác.
Năm 2017, tại một hội nghị ra mắt xe hơi mới, Doãn Minh Thiện đã viết một bài thơ và tuyên bố giải nghệ.
Năm 2019, ở tuổi 81, ông tái xuất. Đến nửa đầu năm 2020, tổng nợ phải trả của Lifan đã lên tới 17,863 tỷ NDT. Sau hơn 4 tháng chật vật, tháng 8 năm 2020, Tập đoàn Lifan thông báo: "Cổ đông chi phối Lifan Holdings đã nộp đơn xin tái tổ chức phá sản vì tài sản không đủ trả các khoản nợ đến hạn".
Ngày 22/1/2021, Geely chính thức gia nhập Tập đoàn Lifan, Tập đoàn Lifan thay đổi quyền sở hữu.
Trí thức trẻ