Năm 2021 là năm vô cùng đặc biệt đối với hơn 24 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước. Chưa bao giờ mà học sinh Việt Nam phải nghỉ ở nhà dài ngày, hạn chế ra ngoài và không thể đến trường học trực tiếp như trong năm vừa qua.
Cũng chính trong thời điểm khó khăn này, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ mà một thế hệ công dân số tương lai của đã hình thành. Gen Z đã tận dụng được sức trẻ để sáng chế ra những sản phẩm công nghệ gây tiếng vang trên trường quốc tế.
Bản tin Thời sự 19h của VTV tối ngày 3/1 vừa nhắc lại thành tích đáng tự hào của 3 học sinh gồm:
- Đỗ Trọng Minh Đức (sinh năm 2003, hiện đang học tại Montverde Academy, Florida, Mỹ)
- Trần Nguyễn Khánh An (sinh năm 2006, học sinh lớp 10 trường Dewey Schools, Hà Nội)
- Nguyễn Hoàng Phúc (sinh năm 2007, học sinh lớp 9 Trường quốc tế Pháp Lfay, Hà Nội). Đây là những chủ nhân của sáng chế "mũ cách ly di động" Vihelm.
Được biết, với sáng chế này, cả 3 học sinh đã được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ở Geneva, Thụy Sĩ trao tặng danh hiệu Đại sứ giới trẻ Sở hữu trí tuệ của WIPO. Đây là lần đầu tiên WIPO trao tặng danh hiệu này ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và cũng là lần thứ hai danh hiệu này được trao trong suốt 50 năm lịch sử của WIPO (thành lập năm 1967).
Mũ Vihelm được thiết kế trên nguyên lý hoạt động của mặt nạ có tên PAPR, lọc không khí với các tiêu chuẩn được toàn cầu công nhận và có độ an toàn gấp 100 lần so với khẩu trang N99. Sản phẩm mũ Vihelm đã được đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và bảo hộ quốc tế, được Bộ Y tế Việt Nam công nhận đạt chuẩn nhóm A và được phép lưu hành trên thị trường… Đây được xem là bước tiến đột phá trong việc ngăn chặn những tác động của dịch Covid-19 tới sức khỏe con người.
Các học sinh với sáng chế của mình tại sự kiện Techfest 2020 (Ảnh: Techfest 2020)
Bộ Y tế Hoa Kỳ đánh giá PAPR có nhược điểm không đeo được lâu vì nếu bị ngứa đầu hay mặt thì không sao gãi được. Vì lẽ đó, PAPR ít khi được dùng cho phòng chống dịch bệnh. Để khắc phục điều đó, nhóm sáng chế gắn thêm một găng tay đặc biệt ở đáy mũ, giúp người dùng gãi mặt, dụi mắt hay thậm chí ăn uống mà vẫn giữ cách ly đường hô hấp với môi trường bên ngoài.
Nhờ đó người dùng có thể đội mũ thoải mái liên tục trong suốt một ca làm việc khoảng 4 tiếng mà không lo bị ngứa hay nóng, trong khi nguy cơ lây nhiễm giảm tới 99,9% theo như đánh giá thử nghiệm của nhóm nghiên cứu, phát triển.
Hiện mũ Vinhelm đã có mặt trên thị trường (Ảnh: Vinhelm)
Hiện tại, mũ Vinhelm đã được phép bán tại các thị trường Mỹ, châu Âu và Việt Nam sau những đánh giá và kiểm định gắt gao.
Nói về thành tựu đáng tự hào này, nữ sinh Khánh An chia sẻ trên sóng VTV: "Thế hệ của bọn mình thực sự rất may mắn khi được sinh ra trong thời đại công nghệ số hóa vượt bậc, nó không bị phân biệt bởi điều gì cả, ai cũng có cơ hội, ai cũng có quyền để tiếp thu những cái gì mà mình mong muốn!".
Tổng hợp
Doanh nghiệp & tiếp thị