Yêu có thể làm giảm cảm giác thèm ăn
Khi ai đó đang say đắm trong tình yêu, lượng dopamine và norepinephrine sẽ được tiết ra nhiều hơn. Dopamine được biết đến là một trong những hoóc-môn hạnh phúc, còn norepinephrine tạo ra sự hưng phấn và những chất hóa học này có thể làm cho mọi người cảm thấy thích thú, hưng phấn. Điều này cũng có thể dẫn đến giảm cảm giác thèm ăn và chứng mất ngủ, có nghĩa là bạn có thể yêu đến mức ăn không ngon, ngủ không yên.
Tình yêu có thể là thuốc giảm đau
Theo một nghiên cứu của Trường Y thuộc Đại học Stanford, cảm giác yêu đương mãnh liệt, nồng nàn có tác dụng như một loại thuốc giảm đau. Các nhà nghiên cứu đã yêu cầu 15 sinh viên năm cuối đại học mang theo ảnh người yêu và ảnh của một người quen.
Tiếp theo, các nhà nghiên cứu cho 15 sinh viên này xem các bức ảnh đó trong khi dùng bộ kích thích nhiệt điều khiển bằng máy tính để gây ra cơn đau nhẹ trên ngón tay của họ. Kết quả cho thấy, việc nhìn thấy hình ảnh của người yêu giúp làm giảm cơn đau mà các sinh viên cảm thấy.
Tình yêu là mù quáng
Cặp vợ chồng lâu năm Richard Schwartz và Jacqueline Olds là Giáo sư của Trường Y Harvard, nhà trị liệu cho các cặp đôi đã tiến hành nghiên cứu sự phát triển của tình yêu trong nhiều thập kỷ. Và trong một nghiên cứu, họ đã khám phá ra khía cạnh khoa học đằng sau cụm từ "tình yêu là mù quáng".
Trong tác phẩm được xuất bản bởi Đại học Harvard, Schwartz giải thích rằng, cảm giác yêu đương vô hiệu hóa đường mòn thần kinh chịu trách nhiệm về những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, phán đoán. Vì vậy, khi bạn bắt đầu yêu thì khả năng đưa ra những đánh giá quan trọng sẽ giảm xuống.
Chất gây nghiện trong tình yêu cũng có trong chocolate
Khi yêu, não của bạn tiết ra một loại hoóc-môn tên là phenylethylamine, được gọi là "chất gây nghiện trong tình yêu" và hoóc-môn này là tác nhân khiến cho hai người yêu nhau điên cuồng. Phenylethylamine cũng được tìm thấy trong sô cô la và điều này giải thích tại sao bạn không thể dừng ăn sô cô la sau khi đã ăn một miếng.
Khi bạn yêu, nhiều vùng não hoạt động
Trong cùng một nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học đã tiết lộ rằng, khi một người rơi vào tình yêu thì 12 khu vực của não cùng làm việc để giải phóng ra các chất hóa học. Các chất hóa học được giải phóng ra như dopamine, oxytocin, adrenaline và vasopressin tạo ra cảm giác hưng phấn, hạnh phúc lâng lâng cho những người đang yêu.
Chỉ mất 1/5 giây để yêu ai đó
Trong tất cả những khám phá mà các nhà khoa học đã thực hiện về chủ đề tình yêu thì điều thú vị nhất đó là việc ai đó có thể yêu nhanh đến mức nào. Một nghiên cứu phân tích tổng hợp được công bố trên Tạp chí Y học tình dục cho thấy rằng chỉ mất khoảng 1/5 giây để bạn rơi vào tình yêu với ai đó.
Người đang yêu có cảm giác như bị nghiện
Một nghiên cứu từ Viện Kinsey (Viện nghiên cứu về tình dục, giới tính và sinh sản thuộc Đại học Indiana) được công bố trên tạp chí Frontier Psychology cho thấy bộ não của một người đang yêu giống bộ não của người đã dùng chất kích thích.
Thực tế, những người trong giai đoạn đầu của tình yêu mãnh liệt có nhiều triệu chứng như bị nghiện, bao gồm hưng phấn, thèm thuồng, triệu chứng của cai nghiện, phụ thuộc về tình cảm và thể chất. Theo các nhà nghiên cứu, tình yêu có thể được coi là một "cơn nghiện tự nhiên" cực mạnh.
Bộ não yêu chứ không phải trái tim
Nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu xem là bộ não hay trái tim rơi vào tình yêu. Và dựa trên công trình nghiên cứu của mình, Giáo sư Stephanie Ortigue của Đại học Syracuse tin rằng bộ não làm nhiệm vụ này dù trái tim cũng có liên quan.
Ortigue viết trên Tạp chí Y học tình dục: "Sự kích hoạt ở một số bộ phận của não có thể tạo ra kích thích đối với tim và cảm giác bồn chồn ở dạ dày. Và một số triệu chứng mà đôi khi chúng ta cảm thấy như biểu hiện của tim đôi khí có thể đến từ não".
Tình yêu khiến bạn ngốc nghếch
Rơi vào tình yêu có thể khiến người ta làm những điều khó hiểu và ngốc ngếch. Nghiên cứu cho thấy, kích thích tình dục làm vô hiệu hóa các vùng trong não kiểm soát tư duy phản biện, nhận thức bản thân và hành vi hợp lý.
Nó làm dừng hoạt động của vùng vỏ não trước trán - vùng chịu trách nhiệm cho những sai lầm, quyết định tồi tệ, khoảng khoắc đáng tiếc khi người ta yêu.
Tình yêu có thể gây ra bệnh cơ tim
Đôi khi, tình yêu khiến bạn tổn thương, đau lòng là cảm giác thực sự chứ không phải chỉ trong suy nghĩ. Nó được gọi là "bệnh cơ tim takotsubo" hoặc hội chứng trái tim tan vỡ.
Theo Tạp chí Harvard Women's Health Watch, hội chứng trái tim tan vỡ là sự suy yếu của buồng bơm chính của tim do căng thẳng nghiêm trọng về tình cảm hoặc thể chất, chẳng hạn như mất người thân hoặc một tai nạn nghiêm trọng. Nó hầu như chỉ xảy ra ở phụ nữ và các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu lý do tại sao lại như vậy.
Những cặp vợ chồng lâu năm vẫn có yêu nhau điên cuồng
Có thể bạn nghĩ rằng tình yêu sâu sắc, nồng nàn chỉ dành cho những người mới yêu. Tuy nhiên, nghiên cứu của Đại học Stony Brook ở New York đã chỉ ra rằng, bạn vẫn có thể yêu một người điên cuồng sau nhiều thập kỷ kết hôn.
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện chụp cộng hưởng từ não (MRI) trên các cặp vợ chồng đã kết hôn trung bình được 21 năm. Sau đó, họ so sánh với kết quả thực hiện ở các cặp đôi đang ở giai đoạn đầu của mối quan hệ.
Và các nhà nghiên cứu nhận thấy mức độ hoạt động như nhau ở những vùng não giàu dopamine đối với cả những cặp vợ chồng đã kết hôn lâu và những người mới yêu.
Hoóc-môn tình yêu mang cả tác động tích cực và tiêu cực
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2013 của Đại học Northwestern tiết lộ rằng, oxytocin - "hoóc-môn tình yêu" có tác dụng thúc đẩy cảm giác ấm áp, hạnh phúc và sự kết nối cũng có mặt tiêu cực.
Theo đó, oxytocin cũng có thể gây ra cảm giác đau đớn. Nếu oxytocin ở mức hợp lý thì có thể giúp mọi người cảm thấy kết nối với nửa kia. Ngược lại, nếu hoóc-môn này tăng cao, nó có thể dẫn đến các thói quen xấu như ghen tuông và cáu kỉnh.
Trái tim của các cặp đôi đập cùng một nhịp
Trái tim của bạn có thể loạn nhịp khi "người ấy" đi ngang qua. Nhưng một nghiên cứu cho thấy rằng, nếu bạn đang có mối quan hệ sâu sắc với nửa kia thì trái tim của hai người có thể cùng một nhịp đập.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Đại học California tại Davis (Mỹ) cho thấy, có những tín hiệu về sinh lý học giữa hai người đang yêu. Trên thực tế, trái tím của các cặp đôi bắt đầu đập cùng nhịp khi họ yêu nhau.
Mặc dù bạn khó có thể đo lường điều này nhưng cảm giác về mối liên hệ sâu sắc với nửa kia giúp hai người gắn bó hơn và có thể cùng nhau vượt qua những thời điểm khó khăn.
Theo Lý Nam
VOV