Năm 2012, tại một suất chiếu của bộ phim siêu anh hùng "The Dark Knight Rises" (Kỵ sĩ bóng đêm trỗi dậy) đã xảy ra một sự vụ bi thảm. Đó là vụ xả súng tại một phòng chiếu ở Aurora, Colorado, Mỹ, sự việc kinh hoàng gây ra bởi một gã thanh niên có tên James Holmes đã khiến 12 người trong phòng chiếu bị sát hại, 70 người bị thương.
Đó là một sự vụ kinh hoàng gây chấn động nước Mỹ, chấn động thế giới ở thời điểm bấy giờ. Ngay sau sự vụ bi thảm, truyền thông Mỹ đã có hàng loạt tin bài tranh luận về việc phim ảnh ngày càng đưa vào nhiều cảnh bạo lực, và điều này liệu có gây ảnh hưởng tới tâm lý - hành vi của khán giả hay không.
Khi ấy, tờ tạp chí tâm lý học - Psychiatric Times (Mỹ) đã có một bài phân tích giàu tính chuyên môn và cũng khá dễ hiểu, cho thấy góc nhìn chuyên gia xung quanh các nội dung bạo lực - tội phạm được khắc họa trong phim ảnh đương đại.
Ý kiến đầu tiên mà Psychiatric Times giới thiệu là của bác sĩ tâm lý Emanuel Tanay, một giảng viên chuyên ngành tâm lý đang tham gia giảng dạy tại Đại học Wayne (Mỹ). Ông Tanay nhận định: "Bạo lực xuất hiện trong phim ảnh và nhiều nội dung giải trí khác đang gia tăng, đã đến ngưỡng nguy hiểm.
Bạn mở tivi, thấy có phim tội phạm. Bạn xem phim điện ảnh, thấy có cảnh bạo lực và băng nhóm xã hội đen. Thực tế cuộc sống trong các phim ảnh ấy bị bóp méo. Nếu một người xem quá nhiều phim về tội phạm, xem quá nhiều cảnh bạo lực, thì cho dù đó chỉ là phim, là thế giới giả tưởng, nhưng rồi dần dần nó sẽ trở thành một dạng thực tế tồn tại trong tâm lý - hành vi của người đó".
Tính trung bình, người Mỹ dành ra 5 tiếng mỗi ngày để xem các nội dung dạng video. Các nội dung này có thể là chương trình truyền hình, phim điện ảnh, clip trên mạng, video games... Điều đáng lo ngại là hàm lượng nội dung tội phạm - bạo lực đang ngày càng gia tăng trong mọi mảng nội dung giải trí.
Bác sĩ Tanay phân tích: "Chúng ta tưởng mình chỉ xem một vài cảnh bạo lực trong phim, nhưng kỳ thực đó cũng là một dạng kích động tâm lý ưa bạo lực, tâm lý thích hành xử theo lối băng đảng.
Ở tại nước Mỹ, những công ty sản xuất vũ khí, súng đạn, chẳng cần thực hiện quảng cáo, đơn giản bởi điều đó vốn đã được thực hiện bởi hàng loạt các bộ phim đưa vào cảnh bạo lực giật gân, kích động rồi".
Có bằng chứng khoa học cụ thể nào không?
Một báo cáo hồi năm 2002 được đưa ra bởi Cơ quan Mật vụ Mỹ phối hợp với Bộ Giáo dục Mỹ đã phân tích kỹ lưỡng 37 vụ xả súng hoặc tấn công có dùng súng xảy tại các trường học ở Mỹ trong quãng thời gian từ năm 1974 tới năm 2000.
Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng tới hơn một nửa số tội phạm thực hiện hành vi xả súng hoặc dùng súng tấn công vào trường học đều từng bị hấp dẫn bởi những nội dung bạo lực trong phim ảnh, video games, sách truyện hay các nội dung giải trí khác.
Năm 2009, Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ từng đưa ra thông tin rằng: "Những nghiên cứu đưa lại nhiều bằng chứng cho thấy yếu tố bạo lực xuất hiện trên phim ảnh có thể dẫn tới những hành vi hung hăng, dẫn tới sự thờ ơ khi chứng kiến hành vi bạo lực xảy ra...".
Hiệp hội Quốc tế Nghiên cứu về Tính hiếu chiến (ISRA) cũng từng đưa ra báo cáo rằng: "Nhiều nghiên cứu được tiến hành trên khắp thế giới đã cho thấy việc xem chương trình tivi bạo lực, xem phim ảnh bạo lực, hoặc chơi video games bạo lực làm gia tăng khả năng xảy ra những hành vi hung hăng, hiếu chiến".
Tiến sĩ tâm lý học Craig Anderson, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Bạo lực tại Đại học Bang Iowa (Mỹ) khẳng định rằng có những bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa bạo lực khắc họa trong phim ảnh và các loại hình giải trí với thái độ - hành vi hung hăng, hiếu chiến.
Nghiên cứu tâm lý đối với trẻ nhỏ chơi games bạo lực khiến tiến sĩ Anderson phải cảnh báo rằng, chỉ trong vòng một năm theo dõi, trẻ em (bao gồm cả bé gái và bé trai) đều thay đổi tính cách, thái độ và hành vi theo hướng nóng giận, hung hăng hơn sau khi có chơi games bạo lực.
Tiến sĩ Anderson cũng chia sẻ thêm rằng những nghiên cứu được tiến hành tại các quốc gia khác như Nhật Bản, Singapore, Đức, Bồ Đào Nha... cũng đều khẳng định mối liên hệ giữa bạo lực được khắc họa trong phim ảnh và những tác động đối với người xem.
Tiến sĩ Anderson thậm chí còn cảnh báo rằng đối với nhóm trẻ vị thành niên - đối tượng dễ bị tác động, những nội dung bạo lực khiến nhóm này dễ có hành vi hung hăng, hiếu chiến. Ngay cả trong trường hợp sớm được hỗ trợ điều trị tâm lý, yếu tố hung hăng trong thái độ và hành vi vẫn còn tồn tại sau đó.
Theo tiến sĩ Anderson, khi liên tục tiếp xúc với nội dung bạo lực suốt một thời gian dài, từ phim ảnh, clip trên mạng cho tới video games, sẽ có những thay đổi trong cách thức não bộ vận hành hoạt động, theo đó, xúc cảm ghê sợ trước bạo lực dần giảm đi, một số người trở nên thờ ơ, bình thản trước bạo lực, coi đó là chuyện bình thường.
Bạo lực trong phim ảnh là một trong nhiều yếu tố cần quan tâm
Dù có những mối liên hệ giữa bạo lực trong phim ảnh và thái độ hung hăng, hiếu chiến của cá nhân, nhưng tiến sĩ Anderson khẳng định rằng đây chỉ là một trong nhiều yếu tố nguy cơ cần quan tâm.
Những cá nhân có xu hướng bạo lực thực tế không bao giờ chỉ chịu tác động bởi một yếu tố nguy cơ duy nhất. Một người có lối sống lành mạnh, biết tự điều chỉnh, cân bằng bản thân sẽ không trở nên bạo lực, nguy hiểm chỉ vì xem nhiều phim tội phạm có cảnh bạo lực.
Tiến sĩ tâm lý Brad Bushman đến từ Đại học Bang Ohio (Mỹ) đã đưa ra nhiều yếu tố nguy cơ có thể dự báo trước về tính hung hăng, hiếu chiến ở trẻ nhỏ khi đến tuổi trưởng thành.
Nghiên cứu theo dõi 430 trẻ em tại Mỹ ở độ tuổi từ 7 tới 11 cho thấy rằng bên cạnh yếu tố bạo lực xuất hiện trong phim ảnh, những yếu tố nguy cơ khác tác động tới một cá nhân còn phải kể tới môi trường sống, đời sống gia đình, cá nhân đó có từng là nạn nhân của hành vi bạo lực không, có từng trải qua những cuộc xô xát, ẩu đả không...
Theo tiến sĩ Bushman, muốn dự báo về mức độ hung hăng, hiếu chiến ở một đứa trẻ, trước hết, hãy quan sát cách phản ứng của đứa trẻ khi giận dữ, sau đó mới tới các nội dung giải trí mà đứa trẻ tiếp cận, sau nữa là việc đứa trẻ có từng là nạn nhân của hành vi bạo lực hay không.
Tiến sĩ Bushman nhấn mạnh: "Bạo lực khắc họa trong phim ảnh hay các nội dung giải trí khác không phải là yếu tố nguy cơ duy nhất dẫn tới hành vi bạo lực, đây không phải là yếu tố nguy cơ hàng đầu, nhưng chắc chắn cũng không phải yếu tố nguy cơ có thể xem nhẹ".
Theo tiến sĩ tâm lý học Craig Anderson, có tới hơn 100 yếu tố nguy cơ dẫn tới việc một cá nhân trở nên hung hăng, bạo lực: "Chúng ta cần phải hiểu rằng bạo lực xuất hiện trong phim ảnh chỉ là một yếu tố nguy cơ, nó không phải yếu tố hàng đầu, không phải yếu tố "bét bảng". Nếu có điều gì cần nói đến về nội dung bạo lực trong phim ảnh, thì đó chính là yếu tố này thực ra lại dễ kiểm soát.
Cha mẹ có thể quan tâm, điều chỉnh những nội dung mà con cái mình tiếp nhận, người trưởng thành cũng nên tự cân đối nội dung giải trí mà mình theo dõi, nhưng còn nhiều yếu tố khác như một người có từng bị tấn công bạo lực không, có vấn đề tâm lý không, có đang sống trong môi trường bạo lực không..., đó mới chính là những yếu tố nguy cơ rất khó điều chỉnh và xử lý".