Tại phiên thảo luận về dự án luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/9, Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Thiếu tướng Lê Tấn Tới nêu thực tế, hiện có một số bộ phim có tình tiết cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật như phạm tội nhưng không bị xử lý, lối sống ích kỷ... Trong khi đó, một số phim phản ánh quá chân thực, quá chi tiết về sự tự diễn biến, tự chuyển hóa, vô hình chung làm cho người xem nhận thức sai và bắt chước làm theo.
"Mới đây, sau khi VTV chiếu phim "Người phán xử" thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen, tự phán xử xảy ra rất nhiều. Đất nước quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng trong phim lại thể hiện pháp luật không giải quyết được mà để một ông trùm làm người phán xử, "phán xử" cả lực lượng công an", Thiếu tướng Lê Tấn Tới dẫn chứng.
Ý kiến của thiếu tướng Lê Tấn Tới đã nhận về nhiều sự quan tâm, ý kiến khác nhau từ độc giả Dân trí. Có ý kiến đồng tình: "Tôi hoàn toàn nhất trí với đánh giá của Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Nên dừng kiểu đóng phim hành động bạo lực, phim nên đưa hình ảnh đời sống thực và hướng cái thiện để cho khán giả xem, nhất là các thanh thiếu niên học tập"; "Theo tôi là nên "tiền kiểm". Bởi phim có nội dung đen, nội dung bạo lực hoặc nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, hoặc những cảnh tạm gọi là "rẻ tiền" gây ảnh hưởng xấu nhất là tới lớp trẻ - thế hệ tương lai của đất nước nếu mà "hậu kiểm" thì những tác động xấu đó đã xảy ra rồi. Rất khó để khắc phục"…
Bên cạnh đó cũng có độc giả đặt câu hỏi: "Hầu hết nền điện ảnh nước nào cũng có nhiều thể loại phim và thể loại hành động, xã hội đen, xã hội ngầm... Nên có nhất thiết ta phải cấm thể loại này hay không? Và làm vậy thì liệu ngành điện ảnh nước nhà có bị ảnh hưởng hay không khi mà đề tài "hot" không được sản xuất?".
Cũng có ý kiến lập luận: "Không thể đổ lỗi về tình hình tội phạm gia tăng là do phim ảnh như thế"; "Nhận xét "Mới đây, sau khi VTV chiếu phim "Người phán xử" thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen, tự phán xử xảy ra rất nhiều" là rất khiên cưỡng. Chẳng lẽ thấy trên phim tự tử cũng rủ nhau tự tử? Chẳng lẽ cứ thấy trên phim bạo lực là xã hội bạo lực? Nếu hạn chế sẽ triệt tiêu tính sáng tạo của điện ảnh"; "Nếu nói thế thì phải có số liệu, dẫn chứng về số lượng vụ tương tự "phán xử" chứ? Thế phim Mỹ, Ý chiếu về Mafia, xã hội đen… người xem bao năm nay biến thành tội phạm hết à?"…
Phóng viên Dân trí liên lạc với diễn viên Việt Anh, người thủ vai cậu ấm Phan Hải, con trai ông trùm Tập đoàn Phan Thị là Phan Quân "NSND Hoàng Dũng đóng) trong phim "Người phán xử".
Diễn viên Việt Anh chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng cứ để khán giả, cộng đồng - những người trực tiếp xem phim tự cảm nhận và đánh giá, đưa ra quan điểm riêng. Bây giờ, tôi là người tham gia phim mà nói thì e là một chiều, không khách quan.
Khán giả, công chúng hoàn toàn có thể đánh giá được vai trò, giá trị của phim ảnh đối với đời sống như thế nào.
Tôi chỉ đặt câu hỏi là, chẳng lẽ xem một bộ phim chống tham nhũng thì… tham nhũng hết? Xem phim "Quỳnh búp bê" thì tình trạng gái mại dâm tăng lên?
Nếu xem trọn vẹn bộ phim, khán giả sẽ thấy vai trò của công an, vai trò của chính quyền và đây không phải bộ phim nói riêng về tội phạm mà còn nói về tình cảm gia đình, cha con. Câu nói của ông trùm Phan Quân đã nhận được hiệu ứng rất lớn từ khán giả: "Gia đình là thứ tồn tại duy nhất, còn các thứ khác có hay không có không quan trọng"".
Trao đổi với phóng viên Dân trí xoay quanh ý kiến về phim "Người phán xử" gây tranh cãi, chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Vũ Việt Anh nêu ý kiến riêng:
"Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho phim ảnh. Việc sản xuất những bộ phim phản ánh thực tế xã hội, phục vụ đa dạng nhu cầu của khán giả là điều cần thiết. Dĩ nhiên những phim này phải phù hợp với quy định pháp luật và thuần phong mỹ tục của người Việt.
Việc một bộ phim có thể gây ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến xã hội là hoàn toàn có thể xảy ra. Nhiều khi nằm ngoài sự chủ ý của đạo diễn. Gần đây, tại Mỹ có một bộ phim gây tranh cãi khi truyền thông thống kê có tới 195 trẻ em tự tử sau khi bộ phim này phát hành. Các nhà khoa học giáo dục cũng đã nghiên cứu các ảnh hưởng khác đến xã hội như bắt chước hành vi, xu hướng trở nên bạo lực hơn, sống trong thế giới ảo tưởng...
Bên cạnh đó, phim ảnh cũng có những ảnh hưởng tích cực khác: truyền cảm hứng từ lối sống tốt đẹp, thúc đẩy hành động, sống tử tế và mạnh mẽ hơn. Trong nghiên cứu của Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, điểm nổi bật mà các bạn trẻ học được qua phim ảnh là ý chí vươn lên (18,5%), cách thể hiện tình yêu lãng mạn (56,2%), cách sống tự lập (39%), sự say mê trong công việc (23,4%), cách giữ tôn ti trật tự tại gia đình, công sở (20,5%) và sự nhẫn nại, chịu đựng (22,5%).
Như vậy tính 2 mặt trong điện ảnh là luôn hiện hữu và không thể phủ nhận.
Việc kiểm soát, phân loại các bộ phim cũng như cách kênh thông tin góp phần vô cùng quan trọng trong việc định hướng phát triển xã hội. Những bộ phim có những yếu tố như độ phức tạp của nội dung, hình ảnh tình dục, khỏa thân, kinh dị, bạo lực, ngôn từ tục tĩu, sử dụng chất gây nghiện và một số nội dung gây tranh cãi khác như chính trị, tôn giáo, lịch sử... cần có khung giờ hoặc kênh phát phù hợp để tránh ảnh hưởng đến đa dạng người xem".
Bộ phim truyền hình "Người phán xử" công chiếu giờ vàng trên sóng truyền hình quốc gia vào tháng 3/2017, thuộc thể loại hình sự và dài 46 tập. Kịch bản phim được kế thừa từ bộ phim cùng tên của nền điện ảnh truyền hình Israel, khai thác bức tranh đa chiều về đời sống, suy nghĩ, tình cảm, các mối quan hệ phức tạp và cuộc chiến giành quyền lực trong giới giang hồ hiện đại. Bên cạnh đó, bộ phim của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng cũng thể hiện nhiều ý nghĩa về tình cảm gia đình.
Tại giải thưởng Ấn tượng VTV 2017, phim "Người phán xử" đã giành được giải thưởng ở 2 hạng mục danh giá là giải Phim truyền hình ấn tượng và Diễn viên nam ấn tượng (NSND Hoàng Dũng).
Nguyễn Hằng