Những lời ‘thở than’ ấy phản ánh nhiều đề tài đang được quan tâm hàng đầu, từ chiến tranh, đại dịch AIDS, nạn bạo hành tình dục, đến phong trào bình đẳng giới và đấu tranh nhân đạo. Jenny Holzer là một trong những nghệ sĩ khái niệm xuất chúng và có sức ảnh hưởng nhất tại Mỹ hiện nay. Suốt 4 thập niên, hàng loạt dự án ‘nghệ thuật bằng từ’ của bà đã đem đến ấn tượng rung động, chia sẻ góc nhìn trước vô số mối bất an, xung đột ẩn hiện nơi đời sống con người.
“Trước kia tôi mơ ước trở thành một họa sĩ thể loại trừu tượng, nhưng tôi là một họa sĩ bất tài”, Holzer chia sẻ trên CNN.
“Tôi muốn truyền đạt những thông điệp chân thật, nhưng tính chân thật lại là thứ khó đạt nếu bạn là một họa sĩ trừu tượng. Nên, khi không thể chọn tranh vẽ, tôi chọn ngôn từ”.
Có hàng triệu người hâm mộ nghệ thuật trên thế giới từng chiêm ngưỡng và xúc động trước những tác phẩm khái niệm của Holzer. Bà sáng tạo cùng chất liệu giấy và đá, trên máy chiếu và đèn LED. Bạn có thể bắt gặp dấu ấn ‘Jenny Holzer’ ở gallery nghệ thuật, tại một địa điểm công cộng đông đúc, bên hông một tòa nhà cao ốc, trên bao bì một mảnh bao cao su, trên chiếc mũ bày bán trong cửa hàng quần áo, thậm chí nơi những dòng hashtag trên mạng xã hội Instagram.
Năm 1982, nữ nghệ sĩ tạo nên loạt cách ngôn cuốn hút: “Protect Me From What I Want” (Hãy kéo tôi khỏi thứ tôi muốn) và “Money Creates Taste” (Tiền làm nên thị hiếu) được giới thiệu trên bản quảng cáo khổng lồ đặt ngay quảng trường Thời Đại, New York. Dòng chữ “Raise Boys and Girls the Same Way” (Nuôi dạy bé trai lẫn gái theo cùng một cách) có thời được nhìn thấy phô bày trên ngực áo vô số người dân Mỹ.
Ngày nay, giữa kỷ nguyên #MeToo, Holzer trở lại với câu cách ngôn đầy ám ảnh: “Abuse of Power Comes As No Surprise” (Sự lạm quyền xuất hiện Nghiễm nhiên).
Mỗi câu từ kể trên đều được trích từ “Truisms” (Những sự thật), series nghệ thuật khái niệm gồm tất cả 250 dòng cách ngôn Holzer âm thầm hoàn thiện từ năm 1977 đến 1979, bấy giờ dưới tư cách một nghệ sĩ vô danh.
“Khi đó tôi không chắc mình là ai ... tôi từng nghĩ bản thân đơn thuần là người kỳ quặc. Tôi muốn tạo nên tác phẩm gì đấy trên phố để nhiều người chiêm ngưỡng, hay làm một nghệ sĩ tự do, cất tiếng nói cá nhân nơi đường phố”, Holzer, nay đã gần 70 tuổi, hồi tưởng về động lực vào nghề thuở ban đầu.
Jenny Holzer
“Khi còn là một phụ nữ trẻ cương quyết ngoài đôi mươi, tôi muốn nắm bắt mọi góc nhìn của một thành phố lớn, để rồi đặt ra câu hỏi: bạn có thể làm gì trước tất cả góc cạnh khác biệt ấy, trước muôn vàn đề tài? Bạn có thể chi phối chúng bằng cách nào? Bạn nghĩ mình thuộc về đâu?”.
Vừa qua, Holzer lần nữa lột tả những trăn trở kia thông qua triển lãm kéo dài “Jenny Holzer: Thing Indescribable” (Jenny Holzer: Chuyện mơ hồ), diễn ra từ đây đến ngày 9.9.2019 tại bảo tàng Guggenheim, Bilbao, Tây Ban Nha. Bên cạnh không ít dự án nghệ thuật nổi bật từng được biết tới, sự kiện sẽ trưng bày một số dự án hoàn toàn mới của nữ nghệ sĩ. Tiêu biểu như “There Was a War” (Từng có một cuộc chiến), một bảng đèn LED in chữ 4 mặt được treo trên trần phòng, với chi tiết mô tả lời phỏng vấn, phát biểu của những nạn nhân chiến tranh Syria và người tị nạn từ khắp thế giới.
Dự án sắp đặt “Purple” (trên sàn) và “I Woke Up Naked” trưng bày tại bảo tàng Guggenheim, Bilbao.
“I Woke Up Naked” (Thức giấc trong trơ trọi) - một tác phẩm sắp đặt khác dùng đèn LED, ‘ghi lại’ lời khai của hàng loạt nạn nhân bị tấn công tình dục, viết bằng tiếng Anh, Tây Ban Nha và tiếng Basque. Tác phẩm được lắp trên một hệ thống trượt, chuyển động bảng chữ thay đổi từ nhịp điệu êm ả sang thất thường, gợi nhắc về cách trải nghiệm xâm hại khiến cuộc đời một cá nhân ‘nghiêng ngã’ và mất phương hướng.
Chuỗi tác phẩm ra mắt tại “Thing Indescribable” truyền tải nỗ lực miệt mài của Holzer để mang đến tiếng nói nhân quyền cho vô số nạn nhân đang chống chọi vấn nạn xung đột, bạo lực, để phản ánh những điều “mơ hồ” đầy nhập nhằng như tựa đề triển lãm. Duy, nhận thức nghệ thuật ở nữ nghệ sĩ 68 tuổi không dừng lại ở đặc tính tĩnh nơi một bức ảnh hay tượng. Từng dòng chữ lướt qua sống động trên bề mặt đèn LED, trải nghiệm thị giác đậm chất ‘điện tử’ bao phủ không gian trưng bày, tạo sức hút khác lạ đưa khách thăm quan đến gần hơn với thế giới nghệ thuật ngôn từ.
Dự án trên máy chiếu “For Bilbao” trình chiếu trên chính mặt ngoài bảo tàng Guggenheim Bilbao, trong khuôn khổ triển lãm “Thing Indescribable”
Từng lột tả đa dạng chủ đề, vài trong số đó đặc biệt nhạy cảm (nạn bạo hành tình dục, áp bức chiến tranh,..) thế nhưng Holzer cho biết, bà thận trọng né tránh cảm nhận “lên án nhắm cụ thể vào ai đó”. Loại trừ tiêu chí ‘đổ lỗi’, những tác phẩm của nữ nghệ sĩ, tuy nhiên, không hề đánh mất giá trị chân thật khi thẳng thắn khai thác nhiều mảng tối nơi đời sống xã hội, giữa lúc thực trạng mất cân bằng nhân quyền hãy còn là nỗi lo chung. Chính yếu tố này khiến Holzer trở thành một trong những nghệ sĩ đương đại có tầm ảnh hưởng bậc nhất hiện nay.
“Tôi tin những phản ánh về đau thương trong mỗi tác phẩm tôi tạo ra là rất thật, vì đang còn rất nhiều điều đau lòng diễn ra mỗi ngày quanh ta”, Holzer nói. “Để sống cùng một đức tin tốt, bạn cần cố gắng đối diện nỗi đau”.
“Mục đích của tôi không phải để buộc mọi người nản chí trước hiện thực. Nghệ thuật có thể tồn tại như sự sẻ chia, xoa dịu. Một thứ đáng để thử thực hiện, đúng chứ?”
Như Ý (theo CNN)