Ngày 9.12, chính quyền thành phố Trương Gia Khẩu (tỉnh Hà Bắc) ra văn bản yêu cầu tất cả lao động doanh nghiệp quốc doanh, công chức đơn vị sự nghiệp, công chức cơ quan đảng và chính phủ trên địa bàn phải nêu gương bằng cách đón tết tại chỗ, không rời khỏi thành phố, không đến nơi có nguy cơ dịch bệnh cao, trường hợp thực sự cần rời khỏi phải quản lý chặt chẽ.
Cán bộ nhân viên các cấp và người dân thành phố khuyên người thân hay bạn bè đang ở nơi có nguy cơ trung bình, cao hoặc ở nước ngoài tạm thời không về/ không đến Trương Gia Khẩu để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Cùng ngày, chính quyền một huyện thuộc thành phố Trung Sơn (tỉnh Quảng Đông) cũng đăng thông tin lên tài khoản Wechat chính thức với nội dung đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn kêu gọi lao động đón tết tại chỗ, doanh nghiệp nên chủ động làm tốt công tác chăm lo cho lao động ăn tết để mọi người cùng nhất trí thực hiện quy định “không cần thiết không rời khỏi Quảng Đông”.
Thành phố Bằng Tường (khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây) ngày 5.12 đã ra văn bản kêu gọi đón tết tại chỗ, đối tượng kêu gọi là lao động làm việc cho các cửa hàng. Chính quyền địa phương đề xuất đón tết tại chỗ, chúc tết qua mạng để giảm tiếp xúc.
Loạt động thái trên được thực hiện sau khi Cục Kiểm soát - Phòng ngừa dịch bệnh thuộc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cảnh báo dù thành công ngăn chặn dịch từ bên ngoài nhưng rủi ro trong nước vẫn khá cao, đặc biệt khi dịp lễ tết cuối năm sắp đến.
Đón tết tại chỗ chỉ là chính sách mà các địa phương tự ý đề ra, chính quyền cấp trung ương của Trung Quốc chưa ban hành hướng dẫn cụ thể về chuyện này. Tuy nhiên lời kêu gọi từ 3 địa phương nêu trên đã khiến dư luận nước này bàn luận sôi nổi vấn đề về quê ăn tết.
Tổng biên tập Hoàn cầu thời báo Hồ Tích Tiến cho rằng quyền quyết định sắp xếp chuyện đón tết của lao động không thuộc về chính quyền địa phương mà cần có hướng dẫn từ Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, từng tỉnh thành căn cứ tình hình thực tế mà đề xuất chính sách. Quận huyện hay thị trấn muốn thực thi chính sách ảnh hưởng lớn đến người dân phải được tỉnh thành thông qua.
Một số người tán thành chính sách đón tết tại chỗ với những lý do như an toàn là trên hết, hi sinh thêm một năm để dập dịch, bài học bùng dịch sau kỳ nghỉ kỷ niệm quốc khánh 1.10 cần rút kinh nghiệm, ở lại có thể tự do vui chơi mà không nghe bố mẹ hối thúc kết hôn sinh con hay phải đi chúc tết,... Ngoài ra họ còn chỉ ra rằng “đón tết tại chỗ” chỉ là kêu gọi, không phải ép buộc.
Nhiều người khác lại phản đối mỗi địa phương đặt thêm quy định riêng, đồng thời bày tỏ nỗi chán nản khi có thể không được về quê năm thứ 3 liên tiếp. Họ vẫn muốn về quê đón tết cùng người thân sau cả năm làm việc quần quật. Có người đề xuất nghỉ tết sớm và nghỉ lâu để tăng thời gian mọi người di chuyển về quê và quay trở lại làm việc, qua đó tránh tình trạng tập trung di chuyển trong vài ngày ngắn ngủi.
Trước sự bàn luận sôi nổi của dư luận, ông Tăng Quang - quan chức cấp cao của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc - tuyên bố trong dịp Tết nguyên đán sắp tới, đa số người dân “cần” về quê thì về quê. Nếu quyết định về, họ phải thực hiện đầy đủ biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và kính bảo hộ, đem dung dịch sát khuẩn, thường xuyên rửa tay.
Hiện cách Tết nguyên đán còn khoảng 1 tháng rưỡi, tình hình dịch COVID-19 tại Trung Quốc diễn biến rất phức tạp. Biến thể Omicron đã xâm nhập, một vài địa phương phải tiến hành phong tỏa, biện pháp kiểm soát chặt biên giới vẫn được duy trì.