Trào lưu Blackface xuất hiện từ thế kỷ 19 - Ảnh: Internet
Blackface chỉ việc hoá trang thành người da đen của người thuộc chủng tộc khác, thường vì mục đích thương mại hoặc giải trí. Một người da trắng hoá trang thành nhân vật da đen trong dịp Hallloween có thể được xem là blackface. Một thương hiệu thời trang hoá trang người mẫu thành người da đen để quảng bá sản phẩm cũng được coi là blackface.
Blackface bắt nguồn từ các chương trình giải trí vào thế kỷ 19. Các diễn viên hài da trắng sẽ tô đen da mình, mặc quần áo xuề xoà để châm biếm hình ảnh người da đen. Nhân vật người da đen trong hài kịch blackface chỉ mang những hình mẫu rập khuôn như lười biếng, thờ ơ, hèn nhát để củng cố tư tưởng kỳ thị lúc bấy giờ.
Các chương trình này nổi tiếng đến mức blackface trở thành một thông lệ trong ngành giải trí. Những diễn viên danh tiếng như Shirley Temple và Judy Garland đều đã từng tham gia vào blackface.
Blackface dẫn đến một tiền lệ xấu trong ngành giải trí: người da đen ít được xuất hiện trong vai chính của các bộ phim lớn, hoặc nếu có thì chỉ được đóng vai phản diện.
Thị hiếu của đa phần khán giả không quen với hình ảnh người da đen trong những vai thiện hoặc chính, diễn viên da trắng luôn được ưu ái hơn. Một lý do khác không kém phần quan trọng đó là những ngôi sao da trắng sẽ hút khách cho các phòng vé và đảm bảo doanh thu cao cho bộ phim.
Tuy nhiên, thật không công bằng khi cho rằng chỉ khi bộ phim có các diễn viên da trắng đảm nhận vai chính thì mới hút khán giả. Will Smith, Denzel Washington, David Oyelowo… đều là các diễn viên da đen tài năng và đã giành được những giải thưởng diễn xuất danh giá.
Việc phản đối sự bất công trong nạn phân biệt chủng tộc gần đây đã khiến cho Jimmy Kimmel phải lên tiếng xin lỗi vì đã sử dụng hình ảnh blackface trong chương trình hài kịch của mình và Tina Fey cũng đã phải loại bỏ những tập phim có những diễn viên hoá trang thành khuôn mặt đen trong series 30 Rock.
Nsenga Burton, giáo sư nghiên cứu về điện ảnh và truyền thông tại Đại học Emory ở Atlanta, Georgia chia sẻ với CNN rằng bạn phải sống trong sự kỳ thị thì mới hiểu được sự đau khổ của những người da đen.
‘Tôi nghĩ mọi người cuối cùng cũng hiểu được sự cay nghiệt của sự phân biệt chủng tộc đã tồn tại hơn một trăm năm với cộng đồng người da đen trong xã hội. Mọi người cũng ý thức được mức độ bạo lực và sự áp bức của các tổ chức, bao gồm cả ngành công nghiệp Hollywood”, bà Burron chia sẻ.
Dân tộc thiểu số, đặc biệt là người da đen, từ lâu đã trở thành tầng lớp thấp kém bị đem ra làm trò đùa của Hollywood. Năm ngoái, Tyler Perry là người da đen đầu tiên được làm chủ một hãng phim lớn và kể cả những diễn viên da đen thành công nhất cũng phải đưa ra những sự lựa chọn khó khăn về việc có tiếp tục chịu đựng sự kỳ thị phân biệt chủng tộc nếu họ muốn t tục làm việc.
Nổi tiếng với vai diễn Curtis trong bộ phim hài Black-ish và vai Bobby trong phim hài The Last OG, diễn viên Maldonado đã nói với CNN rằng các động thái lên tiếng xin lỗi của Kimmel và Fey là rất quan trọng và có ý nghĩa trong việc phản đối nạn phân biệt chủng tộc vì họ là những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng để giúp thay đổi văn hoá nhận thức trong xã hội.
Giám đốc hãng phim Sony - Tom Rothman cho rằng, cần có sự cân bằng giữa các diễn viên da trắng và da màu trên màn ảnh để tạo sự đa dạng cho điện ảnh. Còn theo Guy Aoki, giám đốc và là sáng lập viên Mạng Lưới Hành Động Truyền Thông cho người Mỹ gốc Á (MANAA), hiện nay Trung Quốc đang trở thành thị trường phim ảnh lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.
David White, Giám đốc điều hành Liên đoàn nghệ sĩ điện ảnh, truyền hình, phát thanh tại Mỹ SAG-AFTRA quả quyết: “Các điều luật của Liên đoàn khẳng định, chủng tộc không hề phản ánh phẩm chất, năng lực của một diễn viên và chúng tôi không ủng hộ việc ưu ái một diễn viên chỉ vì màu da của họ”. Mỹ là quốc gia đa văn hóa và Hollywood cũng không phải là ngoại lệ khi các tài năng điện ảnh của mọi màu da đều có cơ hội tỏa sáng ngang nhau.
Mới đây hơn 300 nghệ sĩ, nhà làm phim da màu, trong đó có nhiều tên tuổi nổi tiếng như Idris Elba, Queen Latifah và Billy Porter ngày 23.6 đã ký tên vào bức thư ngỏ kêu gọi Hollywood ngừng khai thác các chủ đề về cảnh sát mà thay vào đó tăng cường đầu tư vào các sản phẩm điện ảnh có nội dung chống phân biệt chủng tộc.
Đan Thùy