Ở bộ môn nghệ thuật thứ bảy, nỗ lực kể truyện giúp người làm phim truyền tải sự thấu cảm. Nói cách khác, thế giới điện ảnh phản ánh cách chúng ta trải nghiệm cuộc sống, kết nối cùng người lạ, và giúp chúng ta thấu hiểu hơn nỗi khó khăn vốn có thể ngày thường ta không trực tiếp đối mặt.
Nếu đang muốn mở rộng góc nhìn cuộc sống, bạn nên thử tìm hiểu về 10 bộ phim thú vị sau thực hiện bởi những đạo diễn da màu, những nghệ sĩ đã mang chiêm nghiệm đời thực của họ lên màn ảnh. Một số dự án không chỉ xúc động, truyền tải thông điệp nhân văn, mà còn để lại ấn tượng đậm nét khó quên.
‘Do the Right Thing’
Tác phẩm xuất sắc ra mắt năm 1989 lấy bối cảnh khu phố Brooklyn nhộn nhịp, đến nay vẫn được xem như một trong những đề cử điện ảnh chất lượng nhất của đạo diễn người Mỹ gốc Phi Spike Lee. Sở hữu dàn diễn viên đa sắc thái, phim là câu chuyện về nhóm cư dân Brooklyn phải đối diện sức ép thường nhật từ thực trạng căng thẳng sắc tộc.
‘Do the Right Things’ khép lại với một lời tri ân đặc biệt đến những nạn nhân qua đời vì vấn nạn bạo hành của cảnh sát. Phim nhận 2 đề cử Oscars và đã được đưa vào danh sách Dữ liệu Phim Quốc gia Hoa Kỳ.
‘13th’
Dự án tài liệu đặc sắc thực hiện bởi Ava DuVernay do Netflix phát hành, cho thấy một góc nhìn thấu suốt ngoạn mục về đề tài sắc tộc và công lý, 2 chủ thể đang tiềm ẩn vô số tranh cãi tại quốc gia Bắc Mỹ. ‘13th’ nỗ lực làm sáng tỏ một số góc khuất bất công, cùng sự phức tạp khó lường phía trong những nhà tù.
Phim thu về hàng loạt đánh giá tích cực từ giới phê bình. Công chiếu mở màn năm 2016, ‘13th’ vinh dự nhận cả 2 giải Oscar lẫn Emmy ở hạng mục Phim tài liệu Xuất sắc nhất.
‘I Am Not Your Negro’
Văn sĩ, nhà hoạt động xã hội tận tụy người da màu James Baldwin đã dành trọn cuộc đời thảo luận, đấu tranh vì công lý sắc tộc tại Hoa Kỳ, duy ‘I Am Not Your Negro’ lại dựa trên câu chuyện dang dở vốn ông chưa kịp hoàn thành trước lúc mất. Phim phác họa dấu ấn phân biệt chủng tộc qua chuỗi hồi ức xúc động Baldwin ghi nhận của những nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng: Medgar Evers, Malcolm X, và Martin Luther King, Jr.
‘Fences’
Đã 15 năm sau khi ông qua đời, nhưng những tuyệt tác sân khấu của biên kịch xuất chúng người da màu August Wilson vẫn được trân trọng như một phần thiết thực phản ánh văn hóa – đời sống cộng đồng Mỹ gốc Phi. Gần đây, tài tử Denzel Washington có hàng loạt nỗ lực tri ân đáng ngưỡng mộ đến nhà biên kịch quá cố, với minh chứng đặc biệt là tác phẩm điện ảnh lôi cuốn ‘Fences’ (do Washington sản xuất, đạo diễn, và đóng chính). Dự án, chấp bút bởi Wilson, nói về hành trình đấu tranh trước nạn kỳ thị sắc tộc của một gia đình da màu tại khu dân cư Hill District (thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania) hậu thế chiến thứ II.
‘Fruitvale Station’
Gần 10 năm trước, Oscar Grant – bấy giờ 22 tuổi – qua đời không lâu sau khi bị một cảnh sát viên hành hung tại ga tàu điện ngầm ở California. Trong tác phẩm phim đầu tay, đồng thời là lần hợp tác đầu tiên cùng tài tử triển vọng Michael B. Jordan, đạo diễn trẻ Ryan Coogler tái hiện câu chuyện xúc động về Grant, về tương lai bị vụt mất khỏi tầm tay anh, về những gì chàng thanh niên da màu đã làm trong đêm đầu năm mới 2011, tất cả sự việc vốn đã dẫn đến cái chết tang thương, gây phẫn uất của anh.
‘12 Years a Slave’
Phát hành năm 2013, dự án từng đoạt tượng vàng Oscar cho đề cử Phim xuất sắc nhất, phỏng theo cuốn hồi ký năm 1853 viết bởi Solomon Northrup. Chiwitel Ejiofor vào vai Northup, một người đàn ông da màu có cuộc sống tự do ở New York bất ngờ bị bắt cóc và bán làm nô lệ. Phim thuật lại quảng thời gian khốn khó Northup phải trải qua suốt 12 năm tại một đồn điền phía nam Hoa Kỳ, cũng như những cố gắng trốn chạy của ông.
Do Steve McQueen đạo diễn, ’12 Years a Slave’ đến nay vẫn được ca ngợi như một trong những bộ phim tiêu biểu nhất lột tả nỗi dày vò, bất công cộng đồng người Mỹ da màu phải hứng chịu ở đồn điền nô lệ.
‘Get Out’
Trong đề cử phim đầu tay ấn tượng đến khó tin, Jordan Peele sử dụng nhiều thủ pháp kinh điển của thể loại tâm lý kinh dị nhằm lột tả sự kinh hãi ẩn giấu bên trong nạn phân biệt sắc tộc. Daniel Kaluuya vào vai Chris, một thanh niên da màu tình cờ khám phá bí mật rùng rợn về cô bạn gái da trắng khi cả hai đến thăm nhà bố mẹ cô. Hài hước, ghê rợn, đi cùng một thông điệp phê phán sắc bén về nạn kỳ thị màu da tại Hoa Kỳ, ‘Get Out’ đã mở ra ‘cánh cửa’ điện ảnh mới lạ cho những chủ đề xoay quanh đấu tranh sắc tộc.
‘If Beale Street Could Talk’
Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của James Baldwin, phim là câu chuyện truyền cảm về Tish và Fonny, một cặp đôi sinh sống ở Harlem (Manhattan, New York). Tương lai tươi sáng của họ bỗng chốc vụn vỡ khi Fonny bị bắt vì một tội danh anh không hề phạm phải.
Đạo diễn bởi Barry Jenkins (người từng làm nên thành công cho ‘Moonlight’), ‘If Beale Street Could Talk’ mang cốt truyện chua xót dẫu không kém phần nên thơ. Nơi một hệ thống hành pháp thiếu công bằng, giữa một thực tại đau thương, Jenkins vẫn mô tả vẻ đẹp của tình yêu và hy vọng.
‘Selma’
Tác phẩm chính kịch lịch sử ‘Selma’ là dự án ghi dấu khác từ nữ đạo diễn, biên kịch gốc Phi Ava DuVernay. Phim kể về những cuộc diễu hành đòi quyền bầu cử diễn ra năm 1965 từ khu dân cư nhỏ bé Selma đến thành phố đông đúc Montgomery, dẫn đầu bởi nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King Jr. và nghị viên John Lewis. Mô tả một chặng đường đấu tranh sôi nổi vì quyền bình đẳng sắc tộc, có lẽ giá trị rúng động nhất về ‘Selma’ nằm ở cách, câu chuyện vẫn mang đậm dấu ấn đương đại, biểu thị một hiện thực gây nhiều trăn trở.
‘The Hate U Give’
Phỏng theo quyển tiểu thuyết thanh thiếu niên nổi tiếng cùng tên chấp bút bởi nữ nhà văn trẻ Angie Thomas, ‘The Hate U Give’ xoay quanh thực trạng phân biệt sắc tộc cùng nạn bạo hành của cảnh sát, vốn trong bối cảnh phim, không đơn thuần là vấn đề riêng thuộc về người lớn.
Nữ sinh 16 tuổi Starr Carter lớn lên trong một cộng đồng da màu truyền thống nhưng lại theo học ở ngôi trường phần lớn là người da trắng. Cố gắng tách biệt chuyện học và cuộc sống gia đình, tuy nhiên cô bé lại bất đắc dĩ trở thành nhân chứng chứng kiến người bạn thân thuở nhỏ bị giết hại ngay tại một chốt dừng đèn đỏ trên giao lộ. Phim theo chân Starr trong những ngày tháng tiếp theo, khi cô bé học cách tranh đấu tìm công lý, cùng hàng loạt khó khăn, thăng trầm sau đó.
Như Ý (theo Esquire)