Gucci, “cây đại thụ” trong làng thời trang Ý và thế giới mới đây đã hợp tác với The RealReal – một công ty rất thành công trong việc bán sản phẩn second-hand, mở ra một kênh kinh doanh riêng cho dòng sản phẩm đã sử dụng của thương hiệu. Động thái này cho thấy có sự chuyển mình trong làng thời trang xa xỉ. Bởi thường các nhà mốt cao cấp chỉ sản xuất sản phẩm với số lượng hạn chế với giá thành sản phẩm cao và hủy bỏ những sản phẩm tồn kho, thậm chí chẳng bao giờ khuyến mãi hay hạ giá.
Phần lớn các sản phẩm second-hand được Gucci đăng bán trên The RealReal là những món đồ được dùng trong các buổi chụp hình và chưa bao giờ được bán công khai.
Trước đó, Stella McCartney, Burberry cũng đã hợp tác với The RealReal để bán các sản phẩm cũ tuy nhiên Gucci là thương hiệu thời trang xa xỉ đầu tiên chấp nhận “thay đổi mình” cho hợp thời bằng việc bán đồ second-hand. Các thương hiệu xa xỉ luôn định kiện với điều này và lo sợ rằng thị trường này sẽ khiến những mặt hàng mới của họ bị “ngó lơ”.
Việc Gucci tham gia thị trường hàng second-hand còn được các nhà bảo vệ môi trường hoan nghênh khi tái sử dụng các sản phẩm thay vì bỏ đi và qua đó gián tiếp bảo vệ môi trường, giảm thiểu chất thải carbon.
Trong những năm gần đây, sự phát triển của các nền tảng trực tuyến cũng khiến thị trường bán đồ cũ bùng nổ trên thế giới. Theo ước tính của Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG), thị trường này có tổng giá trị khoảng 30-40 tỷ USD trên toàn cầu và tốc độ tăng trưởng nhanh, khoảng 9% mỗi năm từ 2015.
Báo cáo năm 2019 của BCG dự đoán giao dịch hàng second-hand sẽ chiếm 9% tổng doanh số bán hàng xa xỉ trên toàn cầu vào năm 2021 và trong vòng 5 năm tới, thị trường này sẽ tăng trưởng mỗi năm khoảng từ 15-20%. Nhật Bản là thị trường phát triển mạnh về ngành công nghiệp buôn đồ xa xỉ đã qua sử dụng.
Như vậy, với sự bùng nổ của thị trường bán hàng đã qua sử dụng đang được các nhãn hàng xa xỉ tham gia và hợp tác với những nền tảng chuyên về mặt hàng này như The RealReal, ThredUp hay Depop, đây cũng là cơ hội béo bở cho các kênh trực tuyến bán hàng cũ.
Ngay cả tập đoàn Richemont chuyên về đồng hồ xa xỉ của Thụy Sĩ mới đây cũng mua lại một số nền tảng để kiểm soát thị trường buôn bán hàng second-hand.
Việc sử dụng hàng second-hand trong giới tiêu dùng hàng hiệu đang ngày càng phổ biến hơn, nhất là với giới trẻ muốn tìm đến sự mới mẻ “cũ người mới ta” và quan tâm đến sự phát triển bền vững.
Hàng đã qua sử dụng không có nghĩa là giá bao giờ cũng thấp hơn so với hàng mới. Trên thị trường second-hand có những sản phẩm xa xỉ “đắt xắt ra miếng” như những chiếc túi của Hèrmes, tuy nhiên, chúng thường được bán qua các phiên đấu giá chứ không hợp tác trên kênh trực tuyến The RealReal như Gucci. Hai sàn đấu giá Christie và Sotheby (Anh quốc) tổng kết có rất nhiều túi đã sử dụng của thương hiệu danh giá này “thổi bay sàn đấu giá online” của họ. Thậm chí có chiếc túi xách cũ được làm từ da các sấu, gắn kim cương bán được gần 163.000 bảng Anh, gần 5 tỷ đồng, giá kỷ lục về túi ở châu Âu. Các nhà đấu giá nhận định, có những chiếc túi đã qua sử dụng của thương hiệu này, theo thời gian, giá tăng gấp vài lần khi mới mua.