Cụ thể, tờ Rolling Stone cho biết đang nắm giữ hơn 2.500 tin nhắn trao đổi giữa Steve Zap, người đứng đầu hãng thu âm Artbeatz và công ty giải trí Z- Entertainment với nhiều đài phát thanh, một trong số đó có Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách việc quảng cáo trên đài phát thanh của Elektra Records, ông Mitch Mills từ năm 2018 đến tháng 7 năm nay. Trong đó, nhiều cuộc hội thoại đề cập đến vấn đề các khoản thanh toán và sự thoả thuận dàn xếp giữa các thế hạng trên BXH âm nhạc.
Steve Zap là đại diện bên trung gian làm cầu nối nhận tiền từ bên nghệ sĩ. Sau đó, Steve sẽ liên hệ với Mitch Mills của đài phát thanh Elektra Record để trả một khoản tiền nhờ họ phát các bài hát mà nghệ sĩ yêu cầu với tần suất lớn. Số lượt phát càng lớn thì bài hát đó càng dễ dàng thăng hạng trên BXH âm nhạc.
Nhiều tên tuổi nghệ sĩ lớn được nhắc đến trong vụ lùm xùm này như Shawn Mendes, Pink, Khalid, Marshmello, Panic! at the Disco, Twenty One Pilots, Fitz and the Tantrums,... Tháng 11.2018, Zap thương lượng để giúp nhóm 5 Seconds of Summer lên top bảng xếp hạng. Tháng 8.2019, anh đề nghị một kênh phát thanh phát nhạc của Ellie Goulding 40 lần/ tuần. Tuy nhiên Rolling Stone không thu thập được bất kỳ bằng chứng nào của các nghệ sĩ đã giao tiếp với Steve Zap về việc này.
Steve Zap đã lập ra nhiều kế hoạch nhằm thao túng các bảng xếp hạng về lượt nghe trên các đài phát thanh. Thậm chí Zap đã từng thoả thuận với một đài để giảm lượt phát sóng nhạc của Jonas Brothers để ca sĩ Pink chiếm lại top 1. Nhưng hai tuần sau, anh lại đề nghị giảm số lượt phát của Pink để Kelly Clackson lên đầu bảng.
Zap thường trả vài nghìn USD cho các đài phát thanh sau mỗi thương vụ thành công. Để tránh sự chú ý, các bài hát thường được phát vào buổi đêm, khi có ít người nghe đài. “Trước 20h, hãy phát nhạc của Shawn Mendes 30 phút một lần. Sau 20h, chúng ta có thể đẩy lên 15 phút một lần. Không ai để ý đâu. Hiếm ai nghe radio trừ khi đang ngồi trong xe”, một tin nhắn của Zap trong chiến dịch giúp Mendes vượt Ed Sheeran lên đầu bảng xếp hạng.
Không chỉ can thiệp vào việc nâng hạng các bài hát theo yêu cầu nghệ sĩ, Zap còn có dấu hiệu “cò mồi” và hạ bệ các hãng đĩa, nghệ sĩ không hợp tác. Anh đề nghị các đài phát thanh gửi trước danh sách các bản nhạc dự kiến phát để nghiên cứu. Từ đó, tiếp cận các hãng đĩa và nghệ sĩ mời họ mua lượt nghe, nếu không hợp tác sẽ dễ dàng bị hạ bệ. Bản cover I Think We’re Alone Now của Billie Joe Armstrong đã leo lên BXH vào tháng 5 vừa rồi thế nhưng vì bên Billie không chấp nhận trả tiền, Zap đã nhắn cho đài phát thanh giảm lượt phát để thứ hạng của ca khúc này bị hạ xuống.
Tuy nhiên Steve Zap và các hãng đĩa lớn đã phủ nhận các cáo buộc của Rolling Stone. Anh khẳng định không làm gì sai trái, đồng thời anh cho rằng phía Rolling Stone đã cắt ghép, chỉnh sửa các tin nhắn từ nhiều bối cảnh khác nhau để vu khống anh. Ba tập đoàn âm nhạc lớn có các hãng đĩa liên quan đế sự việc này gồm Warner Music, Sony Music và Universal Music đều một mực phủ nhận các cáo buộc gian lận.
Chiêu trò dùng tiền để giành được quyền phát sóng và chiếm lĩnh vị trí cao trên BXH đã có từ rất lâu. Những chiến thuật này thường được các hãng đĩa áp dụng để theo sát được đối thủ một cách nhanh chóng. Nhiều hãng đĩa cho rằng thành tích cao trên BXH sẽ giúp các nghệ sĩ có doanh thu tốt hơn, chính vì vậy đã dẫn đến sự tồn tại của thực trạng này.
Tổng chưởng lý New York, ông Eilot Spitzer đã từng phát động chiến dịch điều tra các hãng đĩa lớn vì nghi có hành vi thao túng bảng xếp hạng âm nhạc. “Họ mua chuộc nhiều đơn vị phát thanh bằng những món quà 'hỗ trợ quảng bá', để các nhà đài sử dụng làm quà tặng cho thính giả”, Tổng chưởng lý New York nói.
Nhiều thương vụ có giá trị lên đến hàng triệu USD giữa các hãng đĩa và các đài phát thanh nhằm tăng lượt phát nhạc trên radio đã bị phát giác. Ngay sau đó, hành động này đã bị cấm tại Mỹ.