Nhật Bản: Kẻ khủng bố tinh thần ngôi sao đoản mệnh chỉ bị phạt... 2 triệu đồng
Ngôi sao truyền hình thực tế người Nhật - nữ đô vật chuyên nghiệp Hana Kimura đã qua đời hồi tháng 5/2020 ở tuổi 22 vì tự sát, trước đó, cô đã bị khủng bố tinh thần trên mạng xã hội.
Đã có hàng trăm tài khoản nhắn những tin nhắn ác ý, gây khủng bố tinh thần đối với cô Hana Kimura, sau khi cô tham gia chương trình truyền hình thực tế ăn khách, "Terrace House". Trong số những tin nhắn tiêu cực, có một người đàn ông đã nhắn những dòng tin đặc biệt ác ý: "Tính cách của cô thật kinh khủng, cô có đáng sống hay không?", "Bao giờ thì cô chết đi?"...
Sau sự ra đi gây bàng hoàng của Hana Kimura, nhà chức trách đã vào cuộc điều tra, thẩm định toàn bộ sự việc, bao gồm cả những tin nhắn đã gửi vào tài khoản mạng xã hội của cô, sau đó, một người đàn ông đã bị đưa ra xử lý vì tính chất đặc biệt ác ý trong những dòng tin nhắn mà người này gửi cho Hana Kimura.
Dù vậy, việc xử lý người đàn ông này lại làm dấy lên tranh cãi trong dư luận Nhật Bản. Bởi sau cùng, người này chỉ phải nộp phạt... 9.000 yên Nhật (tương đương 1,9 triệu đồng) hồi tháng 4 năm nay. Tên của người đàn ông được nhà chức trách giữ kín để tránh những hệ lụy tiếp theo có thể xảy ra.
Dư luận Nhật Bản cho rằng mức phạt tiền như vậy là quá nhẹ và sẽ không có tính chất răn đe cho những kẻ bắt nạt trên mạng. Hơn thế, việc người đàn ông chỉ bị xử phạt như một hành vi phạm luật không quá nghiêm trọng cũng khiến nhiều người cảm thấy không thỏa đáng.
Cô Hana Kimura mới 22 tuổi khi qua đời. Cô là một trong 6 nhân vật xuất hiện trong chương trình truyền hình thực tế "Terrace House" chiếu trên truyền hình Nhật Bản và dịch vụ giải trí trực tuyến.
Nội dung của chương trình xoay xung quanh những con người hoàn toàn xa lạ, đến từ những lĩnh vực khác nhau, họ bao gồm cả nam và nữ, cùng chung sống dưới một mái nhà, dần tìm hiểu để có thiện cảm và đi tới hẹn hò với nhau.
Hana Kimura thu hút sự quan tâm của công chúng sau khi xảy ra một cuộc cãi vã giữa cô và một thành viên nam tham gia chương trình. Ngay sau sự ra đi của Hana Kimura, chương trình đã bị dừng lại.
Với mái tóc màu hồng, cơ thể khỏe khoắn, và một gu thẩm mỹ chịu nhiều ảnh hưởng của phong cách truyện tranh Nhật Bản, Hana Kimura là một gương mặt được công chúng Nhật Bản quan tâm, điều này khiến cô phải chịu đựng những khen chê và thậm chí có cả những "anti-fan". Sự ra đi của cô đã trở thành một hồi chuông cảnh báo cho vấn nạn bắt nạt trên mạng tại Nhật Bản.
Hàn Quốc: Bi kịch của ca sĩ Sulli gióng hồi chuông về nạn bắt nạt trên mạng
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc là một trong những quốc gia phát triển có số người tự tử ở mức cao.
Những vấn đề sức khỏe tinh thần từ lâu đã là vấn đề nghiêm trọng trong giới sao Hàn. Nền công nghiệp giải trí của quốc gia này rất phát triển nhưng sức cạnh tranh và đào thải quá dữ dội, khắc nghiệt. Hồi tháng 10/2019, showbiz xứ Hàn chấn động bởi vụ việc nữ ca sĩ Sulli tự tử. Dù vậy, Sulli không phải trường hợp bi kịch đầu tiên hay sau cùng của showbiz Hàn.
Nhưng sự ra đi của Sulli đặc biệt nhức nhối, bởi bi kịch này cho thấy những thách thức đối với một ngôi sao trong showbiz Hàn.
Họ phải trải qua nhiều năm tháng làm thực tập sinh rất vất vả tại các "lò luyện ngôi sao", chịu đựng kỷ luật vô cùng khắc nghiệt mà các công ty giải trí đưa ra trong quá trình đào tạo. Có những quy chuẩn rất khắt khe về cân nặng, diện mạo, phong cách sống, điều này đặc biệt nặng nề, khắt khe đối với các thực tập sinh là nữ.
Đó là chưa kể những nguy hiểm luôn rình rập bởi lịch trình hoạt động dày đặc một khi nghệ sĩ trẻ đã được công ty tung ra thị trường. Việc vội vã chạy từ sự kiện này đến sự kiện khác đã gây nên những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Nhiều ngôi sao bị đối xử chỉ như những hợp đồng lợi nhuận mà đơn vị quản lý phải vắt kiệt để thu về lợi nhuận cao nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất.
Nhiều ngôi sao được đào tạo từ khi còn rất ít tuổi và họ không được dạy những kỹ năng sống cần thiết, từ ngày này sang ngày khác chỉ học mỗi hát và nhảy. Vấn đề càng trở nên trầm trọng đối với nữ nghệ sĩ, bởi sự quan tâm hiếu kỳ của công chúng đối với đời tư của họ rất lớn, còn những đánh giá, soi xét, định kiến lại khắt khe hơn.
Trong những năm trở lại đây, mạng xã hội cũng gây khốn khổ cho một số sao Hàn bởi có những ngôi sao trở thành mục tiêu nhắm đến của những cuộc bắt nạt hội đồng trên mạng diễn ra một cách dai dẳng, khủng khiếp.
Sulli, một nữ ca sĩ nổi tiếng tại Hàn Quốc, cô có tên thật là Choi Jin-ri, vốn được biết tới với cá tính mạnh mẽ, độc lập, sẵn sàng nói lên những quan điểm riêng của mình.
Sulli từng phải nhận nhiều đánh giá tiêu cực trên mạng xã hội vì những phát ngôn thể hiện quan điểm riêng cũng như những bức ảnh bị fan chỉ trích vì phong cách sexy phóng túng.
Cô trở thành nạn nhân đáng thương nhất của hiện tượng bắt nạt trên mạng. Trong suốt nhiều năm, Sulli đã phải chịu đựng những đòn công kích, những chỉ trích thậm tệ, những bình luận tiêu cực, bêu riếu...
Hồi năm 2014, công ty quản lý của cô cho rằng chính việc bị bắt nạt quá nhiều trên mạng đã khiến cô từ giã sự nghiệp của một ca sĩ: "Sulli đã phải chịu đựng những hệ lụy về thể chất và tinh thần vì những tin đồn sai sự thật và rất độc ác hướng vào mình. Sulli đã phải đề nghị để cô có một quãng thời gian tạm ngừng hoạt động trong giới giải trí".
Một trong những lần xuất hiện công khai sau cùng của Sulli là tại một show truyền hình nói về những cách hành xử tiêu cực trên mạng xã hội.
Trước khi qua đời, Sully đã từng chia sẻ về việc mình bị bắt nạt trên mạng, cô cũng tiết lộ về những vật lộn với vấn đề tâm lý, theo đó, cô "giấu giếm mọi người bằng cách cố tỏ ra mình hạnh phúc".
Trước khi Sulli qua đời, Victoria - thành viên trong cùng nhóm nhạc f(x) với Sulli đã phải đăng một lời khẩn cầu trên tài khoản mạng xã hội, đề nghị cộng đồng mạng hãy thôi bắt nạt hội đồng: "Nếu bạn có thời gian để bịa ra những câu chuyện, tại sao không dành thời gian đó để làm điều gì có ích?
Đừng để những chuyện lan truyền trên mạng trở thành cuộc sống của chính bạn. Bạn sẽ không thể nào tìm ra chính mình trong thế giới ảo và những điều dối trá. Đừng tốn thời gian của mình vô ích".
Nhà báo chuyên về mảng giải trí của tờ Dong-A Ilbo (Hàn Quốc) - anh Jung Ho-jai nhận định: "Nền công nghiệp giải trí của Hàn Quốc dựa trên sự cạnh tranh dữ dội của chính các ngôi sao trẻ, các thực tập sinh được lựa chọn từ khi còn ở lứa tuổi "teen". Họ phải rèn luyện trong môi trường rất vất vả, rất cạnh tranh với những quan điểm vẫn còn rất hạn hẹp.
Tôi nghĩ về mặt tinh thần, họ vẫn là những thiếu niên, nhưng vì sớm tham gia vào các lò đào tạo ngôi sao nên họ không có đủ các trải nghiệm, tương tác xã hội để tồn tại mạnh mẽ trong xã hội sau khi nhóm nhạc tan rã.
Khi đó, họ sẽ có cảm giác cô đơn, khó hòa nhập vào cuộc sống và rất khó để có thể vượt qua được điều ấy. Lúc này, vì đã được biết đến, họ cũng không dễ ra ngoài một cách vô tư thoải mái, không dễ kết bạn mới ở ngoài giới showbiz. Họ cũng có những khó khăn trong việc hẹn hò, kết hôn".
Sự ra đi của Sulli đã khiến vấn đề thóa mạ, bắt nạt trên mạng và cách thức vận hành của các mạng xã hội tại Hàn Quốc được nhìn nhận nghiêm túc hơn. Dù vậy, các giải pháp được đưa ra có đủ khả năng để kiểm soát được tình hình hay không vẫn cần thời gian để trả lời.
Bích Ngọc
Theo Nikkei/Korea Times/The Guardian