Theo kết quả điều tra từ các cơ quan chức năng, Sulli đã bị trầm cảm nặng từ rất lâu và kết cục là dẫn tới quyết định cực đoan như chúng ta đã thấy. Nhiều người tin rằng, chính những bình luận ác ý trên mạng là một trong những nguyên nhân chính, gián tiếp dẫn đến cái chết của nữ ca sĩ.
Sau khi Hiệp hội quản lý ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc lên tiếng sẽ có hành động cụ thể bảo vệ đời tư của nghệ sĩ trước vấn nạn bạo lực mạng xã hội ở xứ kim chi, sáng nay, 16.10, ít nhất 9 thành viên của Quốc hội Hàn Quốc đồng ý tiến hành xem xét đạo luật ''luật Sulli'' chống lại những bình luận ác ý. Dự luật này yêu cầu người dùng phải sử dụng danh tính thật cùng với đó là những quy định chặt chẽ để bảo vệ các ''idol''.
Một tiểu ban sẽ được thành lập để xem xét các chi tiết và điều khoản trong ''Đạo luật Sulli'' vào khoảng đầu tháng 12, tưởng niệm 49 ngày mất của Sulli và dự kiến sẽ được tổ chức tại Hội trường Tưởng niệm Hiến pháp của Quốc hội Hàn Quốc.
Với tên gọi ''Đạo luật Sulli'', dự luật mới này nhằm đưa ra những quy định nghiêm ngặt chống lại những bình luận ác ý, đặc biệt đến từ những cá nhân ẩn danh trên mạng internet.
Năm ngoái, công ty SM Entertainment quản lý của Sulli từng tuyên bố kiện netizen có bình luận ác ý đến nghệ sĩ. Tuy nhiên việc sử dụng địa chỉ ảo (ở nước ngoài), không phải tên thật khiến việc tìm kiếm danh tính của những netizen này gặp khó khăn.
Theo nhiều nguồn tin cho hay, tiểu ban sẽ có sự tham gia của những nghệ sĩ đã phải chịu đựng những lời bình luận ác ý trong quá khứ như Yoon Sang Hyun, Lee Ju Young, Cho Kyung Tae,… Ngoài ra, tiểu ban sẽ ghi nhận sự đóng góp từ các tổ chức lớn trong nước như Hiệp hội Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia, Hiệp hội Bóng đá, Liên đoàn Lao động Giải trí Quốc gia, Hiệp hội Nhân viên Chính phủ Hàn Quốc.
Cộng đồng mạng xứ Hàn cũng đã gửi đơn kiến nghị trên trang website của Chính phủ Hàn Quốc. Bản kiến nghị có tiêu đề: “Yêu cầu hình phạt nghiêm khắc với những kẻ mạt sát dẫn tới cái chết của Sulli”.
Bản kiến nghị có viết: “Chúng tôi yêu cầu hình phạt nghiêm khắc với những người đã dùng lời lẽ ác ý rồi dẫn tới cái chết của Sulli. Những người khác, như Jonghyun, đã phải chịu đựng những bình luận ác ý này để rồi đi đến quyết định cực đoan. Nếu luật pháp không thay đổi, nhiều sự kiện như thế này có thể tiếp tục xảy ra. Hãy sửa đổi Luật để những người bình luận ác ý phải bị xử phạt thật nặng”.
Sulli không phải là nghệ sĩ đầu tiên chọn cách kết thúc cuộc đời mình khi phải chịu quá nhiều áp lực. Vì đằng sau sự hào nhoáng của ngành giải trí Hàn Quốc là sự khắc nghiệt đến tận cùng. Chưa kể một hành động không đúng mực cũng đủ để thổi bùng cơn giận dữ của đám đông. Và căn bệnh trầm cảm cứ thế kéo dài bởi sự cộng hưởng từ những lời chỉ trích tràn lan trên mạng xã hội.
Sau rất nhiều sự ra đi của các nghệ sĩ, từ Park Yong Ha, Choi Jin Sil, Jonghyun (SHINee) đến Sulli, có lẽ, thời điểm này là hơi muộn màng khi Quốc hội Hàn mới quan tâm đến việc thắt chặt những bình luận trên mạng xã hội.
Nhưng hy vọng, đạo luật mới có thể khiến nhiều người biết nghĩ suy trước khi gõ những lời khiếm nhã lên trên bàn phím. Bởi vẫn còn một danh sách dài những nghệ sĩ vẫn đang vật lộn với bệnh trầm cảm cùng với sự chỉ trích gay gắt của cư dân mạng.
Đan Thùy