Triều Tiên là đất nước kỳ lạ nhất trên thế giới. Mỗi khi nhắc đến đất nước này người ta thường nghĩ ngay đến chế độ cầm quyền độc tài, khủng hoảng lương thực... và rất bí ẩn.
Tuy nhiên, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Alpine tại bang Bern (Thụy Sĩ), một bảo tàng dành riêng về thiên nhiên và văn hóa lại nghĩ khác. Vì núi và đồi chiếm một phần lớn lãnh thổ của Triều Tiên, họ đã quyết định tập trung khám phá những ngọn núi tại Triều Tiên để hiểu hơn về bản sắc, văn hóa và nền kinh tế tại đất nước này. Bảo tàng hiện đang giới thiệu một cuộc triển lãm với tiêu đề Hãy nói về những ngọn núi: Phương pháp tiếp cận nền văn hóa Triều Tiên để làm sáng tỏ đất nước này từ một góc nhìn mới mẻ.
Beat Hachler, Giám đốc bảo tàng đã lựa chọn dự án này là dự án khó khăn và tốn nhiều công sức nhất từ trước tới nay, mặc dù ông nói rằng nó xứng đáng. “Cá nhân tôi thực sự không biết Triều Tiên trông như thế nào. Vào năm 2014, tôi đã nhìn thấy hình ảnh đất nước này tại cuộc triển lãm Architecture Biennale tại Venice (Pháp), trong các gian hàng của Hàn Quốc. Đây là một trải nghiệm quan trọng với tôi và thời điểm đó tôi bắt đầu nghĩ về các tiếp cận Triều Tiên từ những ngọn núi”, ông Hachler nói trong một cuộc phỏng vấn với The Korea Times.
Trong 10 năm qua, bảo tàng Alpine đã có các dự án khác với các nước như Afghanistan, Iran và Đài Loan hầu hết sử dụng hình ảnh những ngọn núi làm cánh cửa giao thoa văn hóa.
Hachler và đạo diễn phim Gian Suhner đã đề xuất một kế hoạch khám phá những ngọn núi tại Triều Tiên và trình lên Đại sứ quán Triều Tiên ở Thụy Sĩ vào năm 2017. “Vài tuần sau, chúng tôi nhận được điện thoại từ Ủy ban Văn hóa ở Bình Nhưỡng rằng họ đã chấp thuận ý tưởng của chúng tôi và hỗ trợ chúng tôi thực hiện cuộc triển lãm. Chúng tôi không những chỉ muốn tới thăm Bình Nhưỡng mà còn muốn đến những vùng núi như Paektu, Geumgang và những vùng nông thôn.
Quyết định quan trọng nhất mà họ đã làm là cho phép chúng tôi thực hiện các cuộc phỏng vấn với những người được lựa chọn ngẫu nhiên từ trước. Cuối cùng chúng tôi đã ghi lại được 40 giờ phim tài liệu và hơn 45 cuộc phỏng vấn, hầu hết từ phía Triều Tiên và một số ít từ ngọn núi Halla ở đảo Jeju (Hàn Quốc), nơi chúng tôi kết thúc cuộc hành trình của mình”.
Triển lãm bao gồm hai hình thức: một là những thước phim toàn cảnh về những địa điểm tại Triều Tiên và hai là những cuộc phỏng vấn với người dân nơi đây. Hành trình thú vị này được thể hiện qua 9 chủ đề khác nhau, từ đi dạo trong công viên thành phố Moranbong tại Bình Nhưỡng vào ngày Chủ Nhật, thăm triển lãm Mansudae và một trường trung học, đến khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Masikryong, trang trại ở Chonsam cũng như những địa điểm nổi bật khác ở vùng núi Paektu, Geumgang và Halla. “Tôi nhận ra người dân Triều Tiên cũng yêu thiên nhiên và cảm thấy hạnh phúc khi được ngắm cảnh đẹp giống như mọi người khắp nơi trên thế giới. Tôi đoán rằng cơ hội được đi bộ và leo núi là những khoảnh khắc hiếm hoi đối với họ nên khi có cơ hội được làm điều này, họ rất trân trọng nó”.
Ngoài ra, còn có sự khác biệt giữa hai ngọn núi lớn của Triều Tiên là Peaktu và Geumgang mà Hachler đã phát hiện ra. “Hai ngọn núi này không chỉ khác nhau về khí hậu và thảm thực vật mà những gì người ta nghĩ về chúng cũng khác nhau. Ngày nay, Peaktu được coi là Núi Thánh và giống như một nơi hành hương. Mặt khác, núi Geumgang lại là nơi để diễn ra những hoạt động vui chơi, giải trí thoải mái hơn nhiều. Người dân thường mặc quần áo sặc sỡ, tụ tập dã ngoại, hát hò tại đây. Nói chuyện với người dân nơi đây khá thoải mái và họ cũng quan tâm đến Thuỵ Sĩ trông như thế nào, đó là động lực để chúng tôi thực hiện dự án này”.
Hachler cũng cho biết tiếp xúc với người dân và sống ở Triều Tiên là trải nghiệm ấn tượng nhất. “Chúng tôi chỉ nhìn thấy những bức ảnh có khuôn mặt của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, hình ảnh quân đội hành quân hoặc những cuộc phóng tên lửa ở Biển Đông nhưng chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy hình ảnh những người dân bình thường. Cuộc phỏng vấn với những người dân bình thường đã giúp cho chúng tôi thấy Triều Tiên không phải là một đất nước kỳ lạ. Chính vì điều này đã khiến chúng tôi suy nghĩ về cách chúng ta có thể tương tác nhiều hơn với những quốc gia biệt lập như Triều Tiên thông qua các dự án văn hóa”.
“Dự án của chúng tôi là một cuộc hành trình, chúng tôi đến đó để xem xét, đặt câu hỏi và lắng nghe. Khách thăm quan bảo tàng của chúng tôi giờ đây có thể trải nghiệm lại những gì chúng tôi đã nhìn thấy. Điều này cũng thực sự rất thú vị với người dân Hàn Quốc vì họ không có khả năng du lịch tại Triều Tiên”, Hachler chia sẻ.