Vài năm trở lại đây, Việt Nam trở thành một điểm đến mới và hấp dẫn trong mắt các du khách nước ngoài. Người nước ngoài rất quan tâm đến ẩm thực, các thắng cảnh nổi tiếng và đặc biệt là vẻ đẹp văn hóa và lịch sử của Việt Nam. Chính vì thế, du lịch bảo tàng chính là một trong những lựa chọn hàng đầu giúp họ tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của Việt Nam. Chia sẻ về lý do chọn viện bảo tàng là một trong những điểm đến khi du lịch tại TP.HCM, cô Susan (du khách người Mỹ) chia sẻ: “Hồi còn ở New York, tôi đã rất thích đến viện bảo tàng rồi, tôi xem việc đến bảo tàng như một cách để tìm cảm hứng cho công việc và nó dần trở thành sở thích của tôi. Vậy nên khi đến Việt Nam, tôi rất hào hứng khi được đến một viện bảo tàng, tôi xem như đây là một cơ hội để tìm hiểu thêm về văn hóa cũng như lịch sử của Việt Nam vậy”.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, ở nhiều nước, việc đến bảo tàng giống như một thói quen, sở thích, tìm tại liệu hay là tìm cảm hứng nghệ thuật. Nhưng khi được hỏi, nhiều người Việt chia sẻ rằng họ không có ý định đến viện bảo tàng hoặc nếu có cũng chỉ vì lý do học tập, công việc. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thu hút 58.990 lượt khách đến thăm quan, trong đó chỉ có 20% là khách trong nước. Quả là một con số đáng buồn khi nói nói đến sự quan tâm của người Việt đối với những giá trị văn hóa trong thời đại ngày nay.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 126 bảo tàng chuyên đề và tổng hợp, ngoài ra còn có hơn 100 bảo tàng địa phương thuộc dạng bảo tàng tổng hợp. Hệ thống bảo tàng này chủ yếu thiết kế theo theo lối trưng bày và hướng đến giáo dục nên còn cứng nhắc, chưa đủ hấp dẫn để thu hút khác tham quan. Người Việt không thấy hấp dẫn với lối trưng bày này cũng đúng khi mà đi đến 10 bảo tàng thì cả 10 đều chỉ có 1 lối trưng bày duy nhất này thôi. Có những hiện vật giá trị cả ngàn năm lịch sử nhưng chỉ được để trong một tủ kính với vài dòng chú thích đơn điệu, không có hướng dẫn viên du lịch hay người thuyết minh thì thứ duy nhất còn đọng lại trong đầu du khách chỉ là một cái tên.
Nhắc đến những cái tên, ở Việt Nam có một viện bảo tàng cũng có tên tuổi là Bảo tàng Hà Nội với mức kinh phí là 2.300 tỉ đồng dù đã được khai trương từ năm 2010 ngay dịp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nhưng luôn trong tình trạng vắng khách, có hiện vật còn “tạm ngưng trưng bày”. Một cái tên khác là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, dù đã được lên kế hoạch từ năm 2012 thì đến nay dự án 11.300 tỉ đồng này vẫn còn bị bỏ ngỏ. Thay vì chi ra hàng nghìn tỉ đồng rồi nhìn các hiện vật hàng ngày cô đơn trong 4 bức tường thì tại sao ta không tìm hiểu trước để biết được thật sự công chúng muốn gì, trông đợi gì ở một bảo tàng tầm cỡ quốc gia? Để khi khánh thành thì không cần phải tìm hướng giải quyết cho vấn đề muôn thuở: Bảo tàng ế khách.
Những thành phố lớn trên thế giới như New York (Mỹ), Paris (Pháp) hay Bắc Kinh (Trung Quốc) đều sở hữu riêng những viện bảo tàng nổi tiếng mà mỗi du khách đều phải ghé qua khi đặt chân đến thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh cũng sở hữu một hệ thống các bảo tàng với quy mô không hề nhỏ, trong đó Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tại TP.HCM từng được trang web du lịch lớn nhất thế giới TripAdvisor trao Giải thưởng Travelers’ Choice Attractions (tạm dịch: Những lựa chọn hấp dẫn của du khách) ở hạng mục Bảo tàng thuộc khu vực châu Á. Nhưng có bao nhiêu người trong tổng số 29 triệu khách du lịch nội địa đến thành phố này trong năm 2018 có ý định ghé đến một viện bảo tàng nào đó để tham quan?
Tú Anh