Kể từ khi thành lập vào năm 1957, lông chó sói từng là loại lông được sử dụng nhiều nhất cho những chiếc áo parka của hãng Canada Goose. Các nhà hoạt động môi trường bao gồm cả những người yêu động vật đã kêu gọi Canada Goose ngừng sử dụng lông thú trong vài năm qua. Tổ chức bảo vệ động vật tại Mỹ (PETA) đã từng lên án gay gắt việc chó sói đồng cỏ bị săn bắt để lấy lông.
Hãng Canada Goose từng cho biết rằng danh tiếng và doanh số bán hàng của họ đã bị tổn hại nặng nề bởi những người yêu động vật và các nhà hoạt động vì quyền lợi động vật.
Động thái ngừng sản xuất áo từ lông thú của Canada Goose là một phần trong sứ mệnh của hãng để trở nên bền vững hơn. Đầu năm nay, công ty đã phát triển công nghệ sử dụng ít carbon hơn 30% và cần ít nước hơn 65% trong quá trình sản xuất so với trước kia. Công ty có trụ sở tại Toronto (Canada) cho biết họ cam kết đạt được mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2025.
Các công ty thời trang khác cũng đã cam kết loại bỏ lông động vật thật ra khỏi quy trình sản xuất của mình. Vào tháng 10.2019, hãng Macy’s và Bloomingdale’s đã thông báo rằng họ sẽ ngừng bán lông thú. Vào tháng 4 năm nay, hãng Saks Fifth Avenue cho biết sẽ ngừng bán các sản phẩm từ lông động vật vào cuối năm tài chính 2022, cả trực tuyến và tại các cửa hàng.
Theo PETA, giới trẻ (dưới 30) tuổi là những người yêu động vật và chống lại việc săn bắt chúng để lấy lông. Tuy nhiên, một nguồn thông tin kinh tế khác cũng cho thấy giới trẻ mê mẩn lông thú, đặc biệt là khi dùng để viền áo khoác, tay áo, giày dép và làm đồ trang trí phụ kiện.
Thị trường thời trang lông thú vẫn có giá trị cao. Một số những thương hiệu sử dụng lông thú cao cấp như Canada Goose, Moncler nằm trong danh sách được ưa chuộng nhất của giới trẻ.
Nhiều năm qua, những người yêu động vật đã lên án hành vi nuôi, giết thú chỉ vì bộ lông là vô nhân đạo. Việc hoạt động một trang trại nuôi dưỡng và lấy lông động vật cũng rất hao tốn tài nguyên. Phân thải động vật chứa hàm lượng phốt-pho và ni-tơ cực cao, gây nhiễm khuẩn sông ngòi. Công đoạn thuộc da, nhuộm lông sử dụng nhiều hóa chất độc hại như formaldehyde hay nonylphenol ethoxylates.
Trước những phản đối gay gắt, trong những năm qua, các hãng như Gucci, Versace, Michael Kors, Jimmy Choo, Furla, John Galliano và Donna Karan New York đã tham gia danh sách các thương hiệu thời trang “nói không với lông thú”. Tom Ford và Givenchy thay thế lông thú bằng da cừu, da bò và giả lông dạng fleece.