Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) vừa đề xuất Chính phủ trợ cấp cho 2.000 nghệ sĩ gồm đạo diễn, diễn viên, họa sĩ tại 100 đơn vị công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang hưởng lương hạng 4 (mức lương tối thiểu theo quy định) đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Nếu được Chính phủ chấp thuận, mỗi nghệ sĩ sẽ được 3 tháng trợ cấp, mỗi tháng 1,8 triệu đồng. Tổng số tiền là 5,4 triệu/người sẽ được xuất chi một lần cho các nghệ sĩ.
Theo Bộ VH-TT-DL, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và du lịch đang chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề nhất do tác động của dịch bệnh nhưng cho tới nay vẫn chưa có chính sách hỗ trợ.
Đề xuất trên ngay sau đó đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận, người đồng tình nhiều mà người phản đối cũng không ít.
Người ủng hộ thì cho rằng việc nhà nước trợ cấp cho các nghệ sĩ là đúng, bởi trong thời gian diễn ra đại dịch, các hoạt động nghệ thuật đều đóng băng nên nghệ sĩ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Các nghệ sĩ cũng là đối tượng lao động trong xã hội, sản phẩm của họ mang lại những giá trị tinh thần giúp đời sống trở nên phong phú hơn.
Ngược lại quan điểm trên, nhiều người khác chỉ ra rằng dùng ngân sách hỗ trợ nghệ sĩ là “sai đối tượng” bởi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến mọi đối tượng trong xã hội chứ không phải chỉ riêng nghệ sĩ. Dù sao thì giới nghệ sĩ cũng ít bị ảnh hưởng hơn so với những người lao động phổ thông, người bán hàng rong, vé số, nguồn sống cơm áo gạo tiền của họ chỉ biết dựa vào đường phố. Giãn cách xã hội kéo dài, đời sống của họ vô cùng khốn đốn, vì vậy các nghệ nên "nhường" phần trợ cấp này lại cho người khó khăn hơn.
Một luồng ý kiến khác cho rằng nhà nước hỗ trợ nghệ sĩ vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 là việc làm rất cần thiết trong thời điểm này. Tuy nhiên đối tượng trợ cấp không nên chỉ hướng đến các nghệ sĩ đang hoạt động tại các đoàn nghệ thuật công lập mà cần mở rộng đến nghệ sĩ trong các đoàn nghệ thuật các đơn vị tư nhân, xã hội hóa trên cả nước.
Nếu như nghệ sĩ thuộc các đoàn nghệ thuật công lập được hưởng lương dù ở mức tối thiểu thì các nghệ sĩ sân khấu tư nhân, xã hội hóa gần như không có hưởng lương. Họ có làm mới có ăn, có diễn mới có thu nhập vì tất cả doanh thu đều phụ thuộc vào việc bán vé. Nếu sân khấu đóng cửa ngưng hoạt động thì họ không được bất cứ khoản tiền nào.
Thông tin Bộ VH-TT-DL đề xuất Chính phủ hỗ trợ cho các nghệ sĩ khó khăn bởi COVID-19 cũng khiến cho nghệ sĩ đang hoạt động tại các sân khấu xã hội hóa tại TP.HCM rơi vào trạng thái “hờn tủi”. Nghệ sĩ Chánh Trực (Sân khấu 5B Võ Văn Tần, TP.HCM) chia sẻ rằng ban đầu đọc báo thấy cái tít “Bộ VH-TT-DL đề nghị hỗ trợ nghệ sĩ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, mỗi người 5,4 triệu đồng” thì rất vui mừng. Tuy nhiên khi đọc vào nội dung mới biết đối tượng được hỗ trợ là nghệ sĩ là các đoàn công lập. Anh cười buồn: “Như vậy tui và các nghệ sĩ đồng nghiệp thuộc “đoàn tư lập” phải bán hàng online thôi”.
Thực tế cho thấy thấy từ đầu năm 2020 cho đến tháng 6.2021, đại dịch COVID-19 bùng phát lại khiến tất cả các động nghệ thuật gần như tê liệt hoàn toàn. Nhà hát, sân khấu lớn nhỏ bị đóng cửa, các chương trình bị hủy, không có nguồn thu, đời sống nhiều nghệ sĩ rơi vào cảnh khó khăn khốn đốn. Ngoại trừ những nghệ sĩ ngôi sao đã có cuộc sống ổn định, còn nhiều người phải làm nghề tay trái như bán hàng online, thậm chí có người phải làm shiper, chạy xe công nghệ, làm thợ để duy trì cuộc sống chờ ngày trở lại với với nghệ thuật.
Việc Bộ VH-TT-DL đề xuất với Chính phủ trợ cấp cho các nghệ sĩ bị ảnh hưởng vì đại dịch COVID-19 hành động kịp thời đáng được ghi nhận, tuy nhiên Bộ cũng cần cân nhắc mở rộng đến nhiều đối tượng nghệ sĩ khác. Số tiền 5,4 triệu đồng cho một người trong 3 tháng có thể còn hẻo nhưng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, qua đó các nghệ sĩ thật sự khó khăn sẽ nhận rằng mình không bị bỏ rơi trong khó khăn hoạn nạn.