Một thời gian sau khi cài lại, mình lại thấy bản thân đang lôi điện thoại ra mở Facebook mỗi khi rảnh rỗi, kéo Tiktok như zombie và ngồi đếm ‘like’. Chắc bạn cũng không ngạc nhiên lắm nếu mình nói với bạn rằng bạn đang tốn rất nhiều thời gian lãng phí trên mạng xã hội.
OK, vẫn có những trường hợp đặc biệt nếu bạn là KOLs, Influencers hoặc kinh doanh trên mạng – công việc đòi hỏi bạn cần phải online thường xuyên. Nếu không thuộc các nhóm trên, 99% bạn thuộc nhóm đang tốn thời gian để lướt và ‘like’ trên mạng xã hội.
Trong bài viết này mình muốn nói về việc bản thân đã áp dụng tư duy tối giản vào mạng xã hội như thế nào và làm cách nào để sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả nhất.
Nói một cách đơn giản thì cách tốt nhất để không nghiện mạng xã hội nữa là đừng dùng nữa, tuy nhiên mấy ai trong chúng ta có thể chối từ được những drama Tuesday hay những hot girl trên Facebook đúng không?
Như đã chia sẻ ở trên, mình đã từng thử vài lần cai mạng xã hội theo tuần hoặc theo tháng, cuối cùng vẫn quay lại vòng lặp cũ của chuyện ngồi lướt newfeed và đếm ‘like'.
Nếu bạn đang đọc bài này, mình nghĩ có khi bạn cũng đã từng cố thử một vài cách để bớt nghiện mạng xã hội rồi – nhưng rồi tình cảnh nghiện ngập lại quay trở lại, nên bạn đọc bài này để xem có thêm cách nào không.
Thời buổi hiện nay thật khó mà sống thiếu mạng xã hội. Thật ra mạng xã hội có ích đấy chứ, giúp chúng ta kết nối với người khác nè, lan truyền các tin tức nè, hay bán hàng kiếm về nhiều tiền hơn. Tuy nhiên chúng ta cũng phải thừa nhận những mặt trái của mạng xã hội như: tạo sự trì hoãn, giảm đi tương tác giữa người và người, tạo sự so sánh, tạo sự tiêu cực.
Bằng cách áp dụng tư duy tối giản vào việc sử dụng mạng xã hội, mình đã tìm được điểm cân bằng của việc vẫn dùng mạng xã hội nhưng dùng một cách có ích.
1/ ĐỪNG BÌNH LUẬN
Chuyện gì xảy ra khi bạn bình luận một bài viết trên Facebook?
Bạn sẽ nhận được một câu trả lời cho bình luận đó. Câu trả lời này tạo sự tò mò về việc người kia đã bình luận gì. Mà nếu không có ai bình luận lại, bạn cũng tò mò xem những người khác bình luận sao về chủ đề mà bạn vừa bình luận.
Cảm giác phấn khích xuất hiện khi bạn nhận được một chấm đỏ notification báo rằng có ai đó mới bình luận hoặc ‘tag’ tên bạn vào. Và cuối cùng bạn đắm chìm vào những cuộc bình luận qua lại. Bạn có vô vàn lý do để hợp lý hóa chuyện bình luận qua lại này: không nên để bạn mình chờ lâu, lỡ không bình luận thì chuyện sẽ qua mất, vân vân.
Vậy giải pháp ở đây là gì? Không bình luận gì cả. Khi bạn thấy gì hay ho, bạn ấn ‘Like’ cho bài viết đó. Thay vì bình luận, hãy trao đổi trực tiếp với người đó về nội dung mà họ chia sẻ nếu bạn có cơ hội gặp họ ngoài đời.
2/ ĐỪNG POST KHI BẠN MUỐN NHẬN LIKE
Giống như việc bình luận, khi bạn đăng một bài lên Facebook, Tiktok – bạn sẽ kỳ vọng nhận được nhiều ‘Like’, ‘Share’ hay ‘Comment’. Nếu bạn chuẩn bị đăng một bài với những kỳ vọng trên, hãy suy nghĩ lại. Nếu bạn đăng một bài viết với không kỳ vọng gì về chuyện tương tác cả, chỉ với suy nghĩ đơn giản rằng bạn đăng bài viết này lên thì nhiều người sẽ tiếp cận được nội dung bạn chia sẻ hơn, bao nhiêu người cũng được – đó là khi bạn nên đăng.
Con người thích nhận sự chú ý, nên chúng ta thấy phấn khích khi bài viết của mình có nhiều tương tác. Tuy nhiên cái này cũng dẫn đến chuyện ngược lại, khi bạn viết một bài mà không có nhiều tương tác, bạn sẽ buồn cả ngày. Bạn cố gắng tìm những góc bài, những nội dung có thể không hay, không giúp ích gì để chia sẻ, viết lại với mong muốn có nhiều tương tác hơn, bạn đã góp phần giúp Facebook trở nên rác hơn.
Ví dụ thay vì viết về những chủ đề giáo dục, bạn quay sang chia sẻ quan điểm về những chủ đề đang hot như ‘Tuesday’, từ thiện lởm, vân vân – vì bạn biết rằng nếu mình viết những chủ đề này thì sẽ có nhiều người ‘Like’ và ‘Bình luận.
3/ ĐI VÀO ĐIỂM CHÍNH KHI NHẮN TIN
Cái hay của nhắn tin trên mạng xã hội là nhanh, tiện lợi và bất kỳ lúc nào. Cái dở là cứ nhắn qua nhắn lại không có điểm dừng thì chúng ta sẽ tốn nhiều thời gian chỉ cho chuyện nhắn tin này.
Chính vì vậy, mình ít khi trao đổi những nội dung cần nhiều thời gian trên tin nhắn mạng xã hội. Với những nội dung cần nhiều hơn 15′ để trao đổi, tốt nhất là gặp trực tiếp hoặc lên lịch cho một cuộc hẹn online vào một khung giờ cố định.
4/ KỲ VỌNG CÁ NHÂN
Nếu bạn trả lời mỗi bình luận và mỗi tin nhắn ngay lập tức khi người ta nhắn cho bạn, bạn tạo cho người khác một kỳ vọng rằng khi họ liên lạc bạn thì bạn sẽ trả lời rất nhanh.
Mình không làm như thế.
Mình tắt thông báo Messenger nên mình chỉ kiểm tra Messenger 2-3 lần một ngày. Có ngày chỉ vào một lần.
Vấn đề ở đây là tạo sự kỳ vọng đúng đắn.
Khi mọi người nhận ra rằng bạn không trả lời lại cho họ liền ngay lập tức, họ sẽ gọi cho bạn hoặc tìm cách khác liên lạc nếu đó là chuyện khẩn cấp, họ sẽ chờ nếu chuyện không khẩn cấp. Bạn không bị trách móc là vô trách nhiệm nếu không trả lời tin nhắn ngay.
5/ TẮT TẤT CẢ THÔNG BÁO
Mình không để bất kỳ một thông báo nào của mọi ứng dụng mạng xã hội trên điện thoại.
Nếu bạn đang để Notifications trên các ứng dụng này, bạn đang phí phạm rất nhiều thời gian quý giá của bản thân.
Tại sao?
Mạng xã hội được thiết kế để gây nghiện, những dòng Noti và tiếng kêu ting ting là một công cụ để làm cho bạn nghiện. Tuy nhiên ở khía cạnh làm việc hiệu quả, khoa học đã chứng minh rằng bạn cần 23 phút để tập trung và quay trở lại mood làm việc mỗi khi bạn bị phân tâm.
Khi màn hình bàn đen xì trong nhiều giờ đồng hồ, lúc đó độ tập trung của bạn sẽ tăng cao.
6/ BỎ THEO DÕI TẤT CẢ MỌI NGƯỜI
Món ngon để cuối cùng.
Mình đã bỏ theo dõi tất cả bạn bè trên mạng xã hội. Hơi kì lạ nhưng đúng là mình đã làm như vậy.
Mình muốn làm việc hiệu quả hơn và bớt nghiện mạng xã hội hơn. Mình tự biết rằng mỗi khi mở Facebook hay Tiktok, mình sẽ tốn nhiều giờ để ngồi lướt xem có gì hay ho, xem hết video này đến video kia, độ tò mò không bao giờ hết.
Một ngày nọ, mình quyết định bỏ theo dõi hết tất cả mọi thứ trên Facebook, bạn bè, nhóm, Fanpage. Newfeed mình trống trơn, không có gì gây tò mò nữa.
Nếu bạn vẫn còn đang băn khoăn không biết nên làm gì tiếp theo, hãy dành ra vài phút và suy nghĩ về lý do mình sử dụng mạng xã hội là gì?
Có phải bạn đang muốn nâng cái tôi của bản thân bằng cách chia sẻ những điều đẹp đẽ về bản thân và nhận được những lời tán dương? Hay bạn đang dùng mạng xã hội để tránh phải làm những công việc khác? Nói cách khác là trì hoãn. Hay bạn đã thực sự chánh niệm khi sử dụng mạng xã hội. Ý mình là bạn biết rõ mình mở Facebook ra để đọc nội dung gì hay nhắn tin với ai.
Chúng ta thường tự an ủi mình rằng chúng ta không hề có vấn đề gì với mạng xã hội đâu. Nhưng thử nghĩ kĩ xem, bạn có đang mua sắm vì ảnh hưởng trên mạng, có đang so sánh vì ảnh hưởng trên mạng, sự tự tin có đang đến từ những hình ảnh trên mạng?
Theo Trí Thức Trẻ