Trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ như hiện nay, các thiết bị nghe nhìn hiện đại như smartphone, máy nghe nhạc, các thiết bị loa Amply... ra đời và chiếm lĩnh trong đời sống của con người.
Thế nhưng, những thiết bị âm thanh cũ và cồng kềnh như máy cassette, radio; đầu băng cối, hay máy hát đĩa than… vẫn lặng lẽ có một đời sống riêng. Và ở Sài Gòn – TP.HCM, hơn 4 thập kỷ qua, có một người phụ nữ đã tiếp thêm sức sống, gìn giữ “những chất âm ngày cũ” giữa Sài Gòn sôi động, hào hoa; bằng nghề mua bán và sửa chữa máy cassette.
Nép mình trên con đường Nhật Tảo (quận 11, TPHCM) là cửa tiệm chuyên mua bán và sửa chữa máy cassette Thanh Hoài của bà Phạm Thị A (67 tuổi). Hơn 40 năm qua, bà đã “lưu giữ” và “hồi sinh” những chiếc máy cassette tưởng như hết thời, giúp cho nhiều người gìn giữ được món đồ kỷ niệm, lưu giữ lại những “chất âm” ngày cũ giữa Sài Gòn.
Đặc biệt, đây còn là nơi để người trẻ có thể tìm đến để sở hữu một chiếc máy cassette “thỏa mãn” nhu cầu nghe những âm thanh hoài cổ… trong thời đại số. Âm thanh của những chiếc máy cassette từ cửa tiệm Thanh Hoài vang lên như làm sống lại một thời xưa cũ tưởng chừng như bị lãng quên.
Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề buôn bán và sửa chữa máy cassette trên đất Sài thành, bà Phạm Thị A trải lòng: “Tôi quê ở Quảng Nam, năm 1966 vào Sài Gòn ở với bà dì. Cái cơ duyên là bà dì bán máy cassette, mình ra bán chung rồi mình thích. Năm 1983, tôi ra mở cửa tiệm bán riêng ở Tân Bình. Sau đó, 1999 dời về Nhật Tảo bán đến bây giờ”.
Ngày đầu “tập tành” đến với nghề mua bán và sửa chữa máy cassette cũ, bà A phải đối diện với muôn vàn những khó khăn: do máy hiếm phải bôn ba khắp nơi để thu mua máy, phải có kinh nghiệm “thẩm định” máy… Sau khi thu mua về, phải kiểm tra, vệ sinh, tân trang “diện mạo” mới cho máy và tùy theo từng loại “bệnh” của máy mà có cách “chữa” cho phù hợp. Hàng chục năm qua, bà đã lưu giữ và làm “sống lại” rất nhiều chiếc máy cassette, radio cũ lâu đời và bán lại cho những người cần.
Nhớ lại những năm tháng khởi nghiệp đầy gian nan nơi “miền đất hứa”, bà A chia sẻ: “Hồi đó, mua bán khó lắm, không phải dễ. Hồi đó hàng hiếm, tiệm ở Tân Bình nhưng cô phải đi tới Biên Hòa, Đồng Nai đi tới mấy chỗ người ta thu hồi người ta về, những người lái đi các xứ rồi về tập trung ở đó rồi mình lên đó mình mua về mình bán. Mua khó lắm, mắc lắm, mua máy tính bằng vàng, 1 chỉ 2-3 chỉ, 5-6 chỉ tùy theo loại máy. Về mình phải mở ra mình sửa. Làm xong rồi mình chùi rửa trong kẽ trong hóc cho nó sạch sẽ. Rồi mình nghe âm thanh có chất lượng không, hai bên đều không, lớn nhỏ hay sao rồi đài có hay mất. Mình phải kiểm tra hết, mình có kinh nghiệm mấy chục năm rồi”.
Theo Bà Phạm Thị A, giai đoạn 1985 – 1990 là giai đoạn hưng thịnh nhất trong hơn 4 thập kỷ gắn bó với nghề buôn “chất âm cũ”. Đến giai đoạn năm 1994 – 1995, thị trường mua bán máy cassette cũ “bão hòa” do thiếu cung – cầu. Những năm sau này, hàng nội địa từ các nước Mỹ, Nhật Bản, Campuchia... nhập về Việt Nam, thị trường mua – bán máy cassette dần sống lại.
Ngày nay, mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn, thị trường mua bán máy cassette không còn sôi động như những năm về trước, song người tìm mua máy cassette vẫn có nhiều đối tượng: người già, thích nghe những bản nhạc cũ bằng âm thanh analog hay cả những người trẻ thích tìm chút cảm giác hoài cổ. Thế nên, những cửa hàng "giữ gìn và buôn chất âm cũ" dù có nép mình nhưng vẫn có 1 sức sống riêng.
Còn riêng với cửa tiệm Thanh Hoài, hiện nay có nhiều loại máy cassette được nhiều người chuộng như: Teac, Bell&Howell, Sony, Ampex, Studer, Tesla Và Pioneer… Mức giá cũng tùy thuộc vào độ hiếm và chất lượng của máy, từ vài triệu đến vài chục triệu. Những chiếc đài có màu sắc và hình dáng khác nhau, đa dạng về giá thành được bà A sắp xếp ngăn nắp và sạch sẽ trong cửa tiệm nhỏ của mình.
Hiện nay, việc kinh doanh của bà A cũng gặp nhiều khó khăn như giá thuê mặt bằng cao, linh kiện để thay thế sửa chữa máy khan hiếm, phải nhập khẩu từ nước ngoài cộng thêm sức khỏe yếu, đã gần 70 tuổi, mắt đã kém, tay cũng không còn nhanh nhẹn như thời trẻ nhưng bà A cố gắng bám trụ với nghề. Hơn 40 năm gắn bó với nghề, tận sâu trong tâm khảm người phụ nữ này “mang ơn” cái nghề đã “cưu mang” mình từ thuở cơ hàn.
Hơn hết đó còn là lòng yêu nghề, nhớ nghề và muốn “giữ nghề” duy trì tiệm để chữa “bệnh” cho những chiếc máy cassete như lưu giữ một “thế giới riêng” cho những âm thanh cũ, là nơi để hoài niệm những giá trị xưa cũ giữa thời đại bùng nổ của máy móc, đồ điện tử với công nghệ số.
“Con cô nó kêu mẹ nghỉ đi mà mình nghỉ ở nhà thì nó buồn. Mình thích cái nghề này nên mình mới theo nghề. Cuộc sống của mình là cũng nhờ cái nghề này nên mình cũng yêu quý nó, mình cũng ráng đeo cuối cuộc đời của mình còn bao nhiêu thì mình làm bao nhiêu để hoài niệm, để lưu giữ lại những món đồ cổ những âm thanh xưa cũ", bà A chia sẻ.
SỐNG Ở SÀI GÒN: "Thèm trú dưới một tán xanh"
Những ngày gần đây, thời tiết tại TP. HCM nắng nóng ngột ngạt, nắng rát đến cháy da người. Ngang qua các tuyến đường có cây xanh, những ngôi nhà, hàng quán phủ lá hay chỉ là một bóng râm ở góc đường đều khiến tâm hồn con người một thoáng mát dịu… giữa trời nắng cực đoan.
Tháng ba, Sài Gòn vẫn đỏ rực những khoảnh khắc bình minh và hoàng hôn, nhưng lại vàng rượm khi nắng chiếu tràn mặt phố. Đường bỏng rát, những mặt người đi vội qua nhau, nhễ nhại những mồ hôi hằn lên da thịt. Người biết yêu thương bản thân thì che chắn cơ thể phần nào nhưng vẫn không thoát khỏi cảm giác râm ran, bí bách… Tôi có việc ra đường giữa trời chói chang mới hiểu được ít nỗi nhọc nhằn của những người lao động khi phải bươn mình mưu sinh ngoài phố.
Tình cờ chạy ngang qua một ngôi trường tiểu học, nhìn vào khoảnh sân vàng nắng chỉ lác đác vài cây xanh con con, bất chợt trong đầu tôi hiện lên ký ức cây bàng rộng lá, phủ mát một góc sân trường thuở bé. Ngày đó cứ mỗi giờ ra chơi, tụi nhỏ chúng tôi thích ngồi dưới tán cây bàng để được chở che, trốn nắng và tíu tít đủ chuyện như những chú chim non mượn cành buổi sớm mai...
Cho đến bây giờ, dẫu ký ức thời tiểu học đã tàn phai theo năm tháng thì hình ảnh cây bàng vẫn đậm nét trong tôi như một sự vỗ về tâm trí… Tôi thèm được ngồi dưới một tán xanh để tận hưởng cảm giác man mát, thư thái như thưở xưa khi bị trời nắng đậm vây quanh.
Không chỉ tôi, có lẽ những người ngoài phố đều thèm được đi dưới những hàng cây. Ở những ngã tư đèn đỏ, người ta dạt vào bên đường tranh thủ trú dưới một tán cây dù chỉ được vài giây. Ở một góc đường may mắn được bóng râm phủ xanh, bác tài xế xe ôm, người bán hàng rong chọn làm nơi dừng chân, nghỉ mát… Nhưng khắp thành phố này, đâu phải con đường, góc đường nào cũng có cây xanh như thế.
Hàng thập kỷ qua, Sài Gòn đã nở rộng thành siêu đô thị, người đông đến mức chẳng còn đất cho việc trồng cây. Hay những mầm xanh không kịp lớn để phủ mát khắp các con đường đô thị. Nhiều số phận khắc khổ, người lao động vẫn phải ngụp lặn trên những con đường nắng chan chát, bỏng rát cả da để mưu sinh. Mùi mồ hôi oi nồng, cái nheo mắt chói chang hay cơn khát nước cào cấu khiến thành phố trở nên thật thà hơn so với những lời hoa mỹ dành cho nó…
Thật ra, Sài Gòn cũng không hẳn trần trụi hết khi đi giữa mùa nắng hạn. Trên những con đường di sản ở trung tâm thành phố như Trương Định, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đồng Khởi, Nguyễn Du, Lý Tự Trọng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa,… những hàng cây trăm tuổi vẫn xào xạc nắng mưa và giữ gìn ký ức đô thị.
Tại các tuyến đường khác ở khu vực Chợ Lớn như Nguyễn Chí Thanh, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Trần Phú, … hàng cây cổ thụ tỏa bóng khắp mặt đường, chỉ lốm đốm những tia nắng lọt qua. Có dịp rẽ sang những con đường này, tôi đều cảm nhận được nguồn năng lượng mát lành, khoáng đạt từ thiên nhiên ban tặng; ví như mảnh đất khô cằn trong tim mình được tưới mát để một mầm xanh đâm chồi nảy lá. Có lẽ, tình yêu Sài Gòn của tôi được nuôi dưỡng một phần bằng những khoảnh khắc bình thường mà lạ kỳ như thế.
Trong tiến trình phát triển TP. HCM hiện đại phục vụ đời sống đô thị, không tránh khỏi những hàng cây trăm tuổi phải hy sinh để nhường chỗ cho các tòa cao ốc, hạ tầng giao thông công cộng. Người Sài Gòn đã từng chạnh lòng khi nhớ đến hàng cây xanh mát, thơ mộng trên đường Tôn Đức Thắng hay đại lộ Lê Lợi bị đốn hạ để xây dựng các công trình hiện đại. Nhưng cũng tại những vị trí đó, đã được thay thế bằng những hàng cây con đang được vun đắp mỗi ngày với niềm hy vọng rằng, con cháu ngày sau của chúng ta cũng sẽ được đi trên những con đường rợp bóng mát và có thể ngồi dưới một tán cây ở bất cứ nơi nào của thành phố này…(?!)
TIN YÊU
# Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2024), hưởng ứng Ngày đoàn viên – Ngày làm việc tốt năm 2024, vừa qua, các sơ sở Đoàn tại TPHCM đã đồng loạt thực hiện nhiều hoạt động hữu ích cho cộng đồng. Cụ thể, Quận đoàn Bình Tân phối hợp Liên đoàn Lao động TPHCM tổ chức Ngày hội đồng hành cùng thanh niên công nhân.
Tại ngày hội, hơn 400 công nhân đã tham gia mua hàng bình ổn giá, được tư vấn pháp luật… Ban tổ chức đã trao 200 phần quà chăm lo công nhân hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó,Trung tâm Công tác Xã hội Công đoàn TP.HCM (trực thuộc LĐLĐ TP.HCM) cũng đã phối hợp cùng Quận đoàn Tân Bình, CLB Sài Gòn Xanh cùng các tình nguyện viên là học sinh, sinh viên, các đoàn viên thanh niên và người lao động tham gia dọn dẹp 6 tấn rác tại đoạn kênh A41 (từ đường Giải Phóng đến đường Ba Vì) phường 4 (quận Tân Bình).
# Lễ hội Văn hóa Ẩm thực, Món ngon Saigontourist Group 2024 sẽ diễn ra trong 4 ngày, từ 28 đến 31/3/2024 tại Khu Du lịch Văn Thánh (TP.HCM), mở cửa phục vụ người dân từ 16h-22h mỗi ngày. Lễ hội tái hiện ba cụm không gian biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống ba miền Bắc - Trung - Nam, các khu vực làng nghề - chợ quê và khu trò chơi dân gian, nơi khách có thể vừa thưởng lãm, vừa trực tiếp tham gia tương tác.
Ngoài ra, khách dự lễ hội cũng có cơ hội trải nghiệm tại khu vực làng nghề, làng bánh dân gian với hơn 50 loại bánh, trải nghiệm học gói lá, nướng, hấp, chiên bánh cùng nghệ nhân, học làm bún, đan nón, tráng bánh tráng, nướng bánh phồng, nấu rượu, làm bánh phục linh. Tham gia lễ hội, khách mua vé vào cổng có đính kèm coupon để sử dụng dịch vụ, với giá vé trọn gói là 200.000 đồng/người lớn, trẻ em đi cùng sẽ được miễn phí.
# Theo Công ty liên danh vận chuyển quốc tế Hải Vân – chi nhánh TP HCM, đơn vị sẽ đưa 14 tuyến xe kết nối hành khách từ sân bay Tân Sơn Nhất đến TP Thủ Đức, quận Bình Tân, quận 7, quận 8, quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh và qua quận 1, quận 3, quận 4, quận 5, quận 10, quận 11, quận Tân Phú, quận Tân Bình, quận Phú Nhuận, quận Bình Thạnh.
Mỗi tuyến xe sẽ có 12 phương tiện 16 chỗ phục vụ 24/24 giờ. Dự kiến trong tuần này đơn vị sẽ hoàn thiện hồ sơ công bố các điểm dừng, đón trả khách gửi đến Sở Giao thông vận tải TP HCM thẩm định, kịp triển khai đề án dịp lễ 30-4-2024. Dự kiến có khoảng 30 điểm dừng, đón tại các điểm tham quan, du lịch, mua sắm, bến xe trong nội đô thành phố.