Sài Gòn một thuở - 'Dân Ông Tạ đó'! 3: Tiếng chuông từ bi vang cùng hồi chuông bác ái

Quang Thanh04/02/2024 09:00
Sài Gòn một thuở - 'Dân Ông Tạ đó'! 3: Tiếng chuông từ bi vang cùng hồi chuông bác ái

Từ đầu tháng 4 âm lịch, bà con Phật tử khắp nơi, trong đó có Ông Tạ đã bước vào những ngày đón mừng ngày Phật đản sinh. Những ngày này, nhiều con đường chính lẫn đường hẻm khu Ông Tạ rợp màu cờ Phật giáo thân quen.

Tính khu biệt văn hóa của người Ông Tạ hình như chỉ nhen lên thuở ban đầu, như nhiều khu định cư Bắc di cư khác ở miền Nam. Nhưng họ nhanh chóng hội nhập với miền Nam, với Sài Gòn, với tất cả những người các vùng miền tìm đến đây. Đó là “bí quyết” trong phát triển mạnh mẽ của Ông Tạ so với những khu toàn tòng Bắc di cư Công giáo khác sau 1954 và trước 1975.

Tính khác biệt tôn giáo cũng nhanh chóng bị xóa nhòa. Ngay sau khi khối Bắc di cư tràn đến vùng Ông Tạ, cùng với các nhà thờ Công giáo, hàng loạt chùa Bắc (hệ Bắc tông) cũng đồng thời được xây dựng.

Sớm nhất là chùa Viên Giác trên đường Bùi Thị Xuân (1955), cùng thời điểm những ngôi nhà thờ Công giáo trong khu vực. Chùa Hiển Quang có mặt năm 1956 gần nhà thờ Vinh Sơn, trước khi có đền thánh Vinh Sơn (1960). Chuông chùa Khuông Việt ngõ Cổng Bom vang lên năm 1956, hầu như cùng lúc với nhà thờ Tân Chí Linh gần đó (1955). Chùa Khánh Thiền ở xóm Đại Lợi gần nhà tôi hiện diện năm 1960.

Chùa Hải Quang của Trung Việt ái hữu xây dựng năm 1961, có cổng tam quan xưa rất đẹp; trẻ con quanh vùng thường đến chơi trước cổng chùa. Chùa Thái Hòa ở khu chợ Ông Tạ cũng kịp có mặt năm 1962. Chùa Vạn Quang trong con hẻm thông từ ngõ Con Mắt ra chợ Ông Tạ cũ trên đường Thoại Ngọc Hầu có từ năm 1965. Niệm Phật đường trong khu cư xá Tự Do năm 1969. Khi nhiều nhà thờ khu Ông Tạ đã xây dựng cơ bản xong, năm 1972, chốn từ bi của chùa Vĩnh Hòa ngay trên đường Đất Thánh Công giáo.

Chuông nhà thờ và chuông chùa vùng Ông Tạ vang bình yên bên nhau. Cha chánh xứ Vinh Sơn 3 xứ tôi xưa rất thân với các sư thầy gần nhà thờ. Noel, Phật đản hai bên đều đến mừng nhau, uống trà đàm đạo thân tình. Cố linh mục Mai Ngọc Khuê xứ Tân Sa Châu xưa thân thiết như anh em với trụ trì chùa Bắc Việt trên đường Phổ Quang hiện nay.

Đúng là giáo dân Công giáo vùng Ông Tạ đông hơn bà con Phật tử. Nhưng không thanh thiếu niên, bà con Công giáo khu Ông Tạ không có bạn là Phật tử, thậm chí có rất nhiều, rất thân. Họ thân thiết với nhau một cách tự nhiên; có khi không biết bạn mình đạo gì. Cạnh nhà tôi là nhà bác Giảng, tức nhạc sĩ Thông Đạt của Ai về sông Tương, Hoa cài mái tóc... Cả nhà là Phật tử thuần thành, có con gái đi tu làm ni sư. Hai nhà thân nhau từ cha mẹ đến con cái. Bún chả Ngọc Hà nức tiếng Ông Tạ theo Phật giáo, con gái là ni sư, vẫn sống khỏe ở Ông Tạ... Nhiều vô cùng, kể sao cho xiết.

Cô con gái của chủ một tiệm vàng nổi tiếng trước 1975 gần ngã ba Ông Tạ là một Phật tử nhiệt huyết, thường đi biểu tình chống chế độ Ngô Đình Diệm. Cô từng là hoa khôi khu trung tâm Ông Tạ. Sau 1975, cô định cư nước ngoài và rất bất ngờ khi con cô ấy sau lại theo đạo Công giáo, làm linh mục.

Dòng họ nhà tôi vốn Phật giáo, theo Công giáo đến tôi là năm đời. Vốn thời Tự Đức cấm đạo, có hai gia đình khác đạo thân thiết nhau. Ông đạo Phật đào hầm che giấu cho gia đình ông đạo Công giáo. Hết cấm đạo, gia đình ông Công giáo nhớ ơn, gả con gái cho con trai gia đình ông đạo Phật. Thế là cậu con trai theo đạo, là ông cố ngoại của tôi.

Khi ông cố ngoại tôi mất, bà ngoại tôi khóc (trích):

... Trong bẩy đứa con

Mình con là gái

Phận gái theo chồng

Vốn là nhẽ phải

Vì cha thương mến

Không muốn ở xa

Tìm ngay gần xóm

Tạo đất làm nhà

Vì chưng họ bà

Theo về Công giáo

Nên cha từ xưa

Sẵn lòng mến đạo...


Gửi bình luận
(0) Bình luận