Từ Mỹ, bạn tôi Đỗ Vẫn Trọn gửi cho tôi một bài thơ có tựa đề “Sài Gòn buồn" vào ngày 22.8.2021. Mấy hôm sau, Trọn gửi tiếp cho tôi đường link Youtube bài thơ của đã được nhạc sĩ Vũ Thành An phổ thành bài hát cùng tên qua giọng ca của ca sĩ Trần Thu Hà (con gái của nghệ Trần Hiếu, cháu ruột của nhạc sĩ Trần Tiến).
Tôi liền mở ra để nghe, Sài Gòn của tôi buồn da diết như lời thơ của Trọn được người nhạc sĩ tài danh phổ nhạc. Bao nhiêu năm sống trên đất Sài thành, thành phố này chưa giây phút yên tĩnh, nay bỗng dưng không một tiếng người, không một lời rao, không một hàng quán mở cửa. Sài Gòn giãn cách. Tôi đã từng viết, không có người Việt Nam nào mà không có ít nhất một kỷ niệm với Sài Gòn. Bây giờ, người Sài Gòn, người Việt Nam, ở khắp châu lục... người ta nghe tiếng Sài Gòn thở than, nghe Sài Gòn trở gió, nghe Sài Gòn náo nhiệt ngày đêm. Nghe Sài Gòn hôm nay đường phố vắng tanh, không bóng người qua lại vì “giới nghiêm” để phòng dịch COVID-19, phòng biến thể lan rộng. Sài Gòn của chúng ta đang trở bịnh nặng làm tôi nhớ đến mùi thơm của ổ bánh mỳ ngã 6, nhớ đĩa cơm tấm Thuận Kiều, nhớ mùi bắp nướng vỉa hè đường Lê Thánh Tôn, đĩa bánh cuốn Tây Hồ và tô phở Dậu quen thuộc mỗi sáng cùng bạn bè…
Ở Sài Gòn mà nhiều người còn nhớ Sài Gòn da diết, huống chi ông bạn nhà thơ Đỗ Vẫn Trọn của tôi ở tận San Jose của Bắc Cali, người luôn có mặt bên các quán xá vỉa hè Saigon mỗi lần về quê.
“Tiếng còi xe như ngừng thở đêm qua
Nhớ Sài Gòn, lòng giăng nhiều cảm xúc.
Những bạn bè, hàng quán thân quen
Sài Gòn buồn, giờ giới nghiêm
Chuông giáo đường không còn ngân thánh
Đức Bà buồn quy tích trăm năm
Bàn Cờ, Tân Định hiu hắt đêm về...”
Hôm qua, ca sĩ Cẩm Vân gởi tiếp cho tôi một đường link youtube “Sài gòn buồn” do chính cô hát. Cô kèm lời nhắn: "lời ca sao buồn quá vậy...?" Tôi nhắn lại: "Buồn thì chịu, đâu biết làm sao được!"