"Gói" cả nghệ sĩ tự do
Đối diện những bất ổn trong ứng xử của nghệ sĩ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang tổ chức soạn thảo Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ. Cuộc họp mới đây nhất về việc soạn thảo này vừa diễn ra ngày 1.9. Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phụ trách khối nghệ thuật Tạ Quang Đông cho biết: “Nó là một cái khung để nghệ sĩ biết tiết chế, ứng xử có văn hóa với nhau để các sao cũng phải nhìn vào đấy, nhìn lại mình”.
Về việc bộ quy tắc này có quy định về việc “phong sát”, nói cách khác là cấm sóng, cấm diễn với các nghệ sĩ ứng xử thiếu văn hóa hay vi phạm pháp luật hay không, ông Đông cho biết: “Có cấm sóng không thì không. Nó chỉ là một cái khung về quy tắc ứng xử thôi chứ không phải quy phạm pháp luật".
Mặc dù vậy, Thứ trưởng Đông cho biết: “Dựa trên bộ quy tắc này, các bộ, ban, ngành sẽ có các quy tắc riêng, ban hành các định chế riêng của từng hội. Lúc đó, nghệ sĩ ở trong hội mới áp dụng. Đây là quy tắc ứng xử chung, không có phần xử phạt”.
Cũng theo ông Đông, quy chế này dành cho cả các nghệ sĩ tự do, không thuộc các nhà hát của nhà nước. “Bộ quy tắc này cho cả các nghệ sĩ tự do. Nghệ sĩ tự do nhiều chứ nghệ sĩ của Bộ cũng chỉ chưa đến 1.000 người”, ông Đông nói.
Khái niệm nghệ sĩ tự do ở đây có thể được hiểu là nghệ sĩ không thuộc nhà hát công lập. Họ có thể là thành viên của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp; tổ chức xã hội, nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác…
Các hội, tổ chức có thể đề xuất “phong sát”?
Những nhóm "anti" nghệ sĩ đang xuất hiện và phát triển liên tục. Trong các nhóm này đều đặn có ý kiến “bóc phốt” cũng như những câu hỏi phản biện dành cho nghệ sĩ. Bên cạnh đó, những câu hỏi phản biện này cũng xuất hiện trên mạng xã hội mà không cần ở trong nhóm anti nào cả. Đơn giản là cá nhân công dân cũng có thể đặt câu hỏi về sự minh bạch, tính văn hóa trong ứng xử nghệ sĩ. Vì thế, họ có thể đặt câu hỏi vì sao cô người mẫu này hay chửi tục trên mạng, ca sĩ kia thích nói kiểu giang hồ hoặc tại sao việc làm từ thiện lại có dấu hiệu thiếu minh bạch.
Nhiều câu hỏi trong số đó cho thấy xuất phát từ cá nhân có hiểu biết về lĩnh vực liên quan. Chẳng hạn, với việc làm từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên, có những câu hỏi liên quan đến việc sao kê các khoản thu chi và các hóa đơn. Theo đó, nữ ca sĩ nếu muốn chứng minh sự trong sạch cần đưa ra nhiều sao kê và hóa đơn hơn nữa, rõ ràng hơn nữa.
Về những ứng xử nghệ sĩ làm rầu lòng dư luận và tạo hình ảnh xấu về giới nghệ thuật, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương cho rằng, cần có sự vào cuộc của các đơn vị khác nhau.
“Có những trường hợp tuy chưa có quy định pháp luật rõ ràng nhưng chúng ta cũng nên cảnh báo. Chẳng hạn nghệ sĩ Minh Béo bị kết tội ấu dâm tại Mỹ thì khi về Việt Nam sẽ thế nào. Theo tôi, chúng ta vẫn nên có cảnh báo. Các cơ quan tổ chức đại diện cho trẻ em nên lên tiếng, ví dụ T.Ư Đoàn hay Cục Trẻ em của Bộ LĐ-TB-XH có thể có cảnh báo để chúng ta khi tổ chức biểu diễn, phát sóng thì không gây ảnh hưởng”, ông Dương nói.