Quách Tĩnh và Kiều Phong đều là nhân vật chính trong các tác phẩm kiếm hiệp nổi tiếng của Kim Dung là "Anh hùng xạ điêu" và "Thiên long bát bộ". Không chỉ là những đại hiệp nổi bật như những tượng đài của giới võ lâm, 2 nhân vật này còn có cơ duyên được lãnh ngộ Hàng long thập bát chưởng – bộ chưởng pháp chí cương của Cái Bang. Vậy nếu Quách Tĩnh và Kiều Phong nếu tỉ thí thì ai sẽ là người giành chiến thắng?
Điểm chung của Quách Tĩnh và Kiều Phong
Như đã nêu ở trên, điểm chung của Quách Tĩnh và Kiều Phong là 2 người cùng biết tuyệt kỹ Hàng long thập bát chưởng. Có thể nói, Hàng long thập bát chưởng là võ công nổi tiếng nhất trong truyện Kim Dung. Thậm chí ngay cả với những người chưa từng đọc qua truyện của ông, bộ chưởng pháp đó cũng được biết tới thông qua vô số bộ phim ảnh, lời bàn luận và câu chuyện kể.
Hàng long thập bát chưởng được mô tả trong loạt truyện gồm Thiên long bát bộ và Xạ điêu tam bộ khúc (Anh hùng xạ điêu, Thần điêu hiệp lữ và Ỷ thiên Đồ long ký). Theo Anh hùng xạ điêu, Hàng long thập bát chưởng đã vang danh thiên hạ từ lâu, song đến đời Hồng Thất Công, bang chủ thứ 18 của Cái Bang, thì mới thật sự uy trấn giang hồ, và đến đời Quách Tĩnh (đồ đệ của Hồng Thất Công) thì được biết đến rộng rãi nhất.
Theo Thiên long bát bộ, một nhân vật nữa làm cho Hàng long thập bát chưởng đi vào huyền thoại là Kiều Phong, một nhân tài kiệt xuất của Cái Bang. Kiều Phong cùng với Hàng long thập bát chưởng trở thành một trong những cao thủ đứng đầu võ lâm Trung Nguyên thời bấy giờ, hùng bá thiên hạ mà không hề có đối thủ.
Xét theo cốt truyện hậu Thiên long bát bộ được chỉnh sửa lại bởi chính nhà văn Kim Dung thì Kiều Phong đã ép Hư Trúc học tuyệt kỹ Hàng long thập bát chưởng để truyền lại cho chưởng môn Cái Bang đời sau. Từ đây, ta có thể khẳng định rằng Hồng Thất Công chính là hậu duệ được truyền thụ võ công từ Hư Trúc.
Nếu so sánh bộ chưởng pháp Hàng long thập bát chưởng thì Kiều Phong là tiền bối của Quách Tĩnh. Quách Tĩnh dù trí tuệ không bằng người khác nhưng vô cùng chăm chỉ, cần chủ. Ngoài ra, Quách Tĩnh còn học được Cửu âm chân kinh – bộ võ công lợi hại bậc nhất giang hồ ở thời bấy giờ. Bên cạnh đó, Quách tĩnh còn có thêm nhiều tuyệt học rất quái dị của Chu Bá Thông truyền lại như Nhất Tâm Nhị Dụng và nhiều tuyệt kỹ khác. Nên nếu kết hợp Hàng long thập bát chưởng với những môn võ khác, Quách Tĩnh có thể coi là vô cùng mạnh.
Kiều Phong so với Quách Tĩnh thì biết ít võ công hơn. Tuy nhiên, Kiều Phong có nhiều ưu điểm của riêng mình. Kiều Phong cũng là nhân vật chính duy nhất được Kim Dung miêu tả là người có thần lực trời sinh và là kỳ tài võ học, đã học là biết, đã biết là tinh thâm và anh ta là người thần võ nên càng gặp vào hoàn cảnh khó khăn thì tiềm lực trong người càng có dịp phát dương. Với khả năng trên, những môn nào Kiều Phong thi triển đều đạt uy lực cực cao, kể cả những chiêu thức phổ thông bình thường chàng cũng phát huy được sức mạnh.
Và ngoài những khả năng trên, Kiều Phong còn được Kim Dung miêu tả khi gặp những đối thủ có nội công thâm hậu hơn, chiêu thức biến hóa hơn, vào lúc quyết định sinh tử thì chỉ với 1 chiêu, nửa thức, Tiêu Phong đã lật ngược được tình thế, khiến đối thủ tuy bại trận nhưng phải tâm phục, khẩu phục. Nếu sử dụng Hàng long thập bát chưởng cộng với nội công thâm hậu và khả năng tăng uy lực của tuyệt kỹ này thì Kiều Phong có thể nói là bất khả chiến bại.
Qua đây có thể thấy, thực lực Kiều Phong có phần trội hơn Quách Tĩnh.
Hoàng Dung, A Tử đưa đáp án trận tỉ thí giữa Kiều Phong và Quách Tĩnh
Trong tác phẩm Thần điêu hiệp lữ, Quách Phù chặt đứt một cánh tay của Dương Quá. Khi Quách Tĩnh gặp Quách Phù và Dương Quá đã rất tức giận và định dùng kiếm chặt cánh tay của cô nàng.
Kim Dung đã miêu tả như sau: "Quách Tĩnh giơ kiếm chém xuống. Đột nhiên vù một cái, có người từ ngoài song nhảy vào thân pháp cực kỳ mau lẹ, người chưa tới, cây bổng đã tới trước, chặn đứng thanh kiếm của Quách Tĩnh lại, người ấy chính là Hoàng Dung."
Sau đó, Hoàng Dung đã sử dụng "tuyệt kỹ gia truyền "Lan hoa phất huyệt thủ", điểm liền các huyệt "Uyên Dịch", "Kinh Môn" ở hai cánh tay Quách Tĩnh. Quách Tĩnh lập tức tê dại toàn thân, ngã nằm xuống giường, không cựa quậy được. Quách Tĩnh chỉ có thể giương mắt mà nhìn, không chống cự được."
Với võ công ở thời điểm đó của Quách Tĩnh, Hoàng Dung nếu không dùng chiêu lừa gạt thì sao có thể tiếp cận được.
Kiều Phong trong Thiên long bát bộ cũng từng gặp tình huống tương tự. Khi đó, A Tử giả vờ ngất xỉu để lừa Kiều Phong. Thế nhưng, lúc Kiều Phong đến gần, A Tử lại bất ngờ bắn ra một mũi kim độc với tốc độ phi thường. Một người dù có võ công cao đến mấy, trong trường hợp này khó lòng tránh được. Tuy nhiên, Kiều Phong trong tình thế cực kỳ nguy cấp này đột nhiên giơ tay phải lên, một luồng gió mạnh mẽ thổi ra, kim độc lập tức bay trượt qua vai.
Trong trường hợp của Quách Tĩnh Và Kiều Phong, họ đều bị người thân tấn công ở cự ly gần nên đã buông lỏng cảnh giác. Quách Tĩnh đã bị Hoàng Dung điểm huyệt tới mức không thể cử động nhưng Kiều Phong vào thời điểm quan trọng đã đánh bật được cây kim độc.
Nhiều người có thể sẽ cho rằng võ công của A Tử kém xa Hoàng Dung nên Kiều Phong đương nhiên có thể tránh được. Nhưng, chúng ta cần biết rằng, ở thời điểm đó, Hoàng Dung vừa mới sinh Quách Tương và Quách Phá Lỗ, cũng có nghĩa là nàng đang trong thời kỳ ở cữ và cơ thể yếu đuối nhất. Dù vậy, Hoàng Dung vẫn có thể hạ gục Quách Tĩnh. Chỉ tính riêng điểm này, Kiều Phong đã vượt qua Quách Tĩnh,
Qua 2 luận điểm trên, ta có thể kết luận, nếu Quách Tĩnh và Kiều Phong tỉ thí thì chắc chắn Kiều Phong là người mạnh hơn và chiến thắng.