Đây là khu phố cổ của Sài Gòn gần như không bị tác động bởi sự phát triển rất nhanh của những khu nhà cao ốc xây dựng mới chung quanh. Nó nằm lọt thõm trong những trục đường sôi động, có vẻ trầm lặng, khiêm tốn nhưng lại ẩn chứa nhiều dấu tích thời gian đối với người Sài Gòn xưa, dân tứ xứ hay khách vãng lai kể cả khách du lịch người nước ngoài.
Phố đồ cổ Lê Công Kiều (phường Nguyễn Thái Bình Q.1) bán đủ thứ đồ cổ, từ “cây kim sợi chỉ”, chén dĩa, lư hương, chân đèn thờ, hàng gốm sứ, hộp quẹt Zippo, ống vố hút thuốc, mắt kính, máy ảnh… nhưng nhiều nhất là đồng hồ xưa. Những “cửa tiệm” bán đồng hồ xưa mặt bằng diện tích không lớn, nằm sát nhau nhưng lại chứa đựng khoảng không gian, thời gian bao la hàng trăm năm hoặc hơn thế nữa qua những chủng loại đồng hồ cổ hàng hiệu của các nước làm đồng hồ nổi tiếng như Thụy Sĩ, Đức, Nhật… Người ta có thể tìm thấy ở đây từ chiếc đồng hồ lên dây, hai kim vỏ mạ vàng, mỏng vánh, dây da cho đến chiếc đồng hồ tự động 3 kim có hai cửa sổ ngày và thứ, những chiếc đồng hồ không chỉ mạ vàng mà còn nạm kim cương, có những chiếc đồng hồ làm thủ công theo đơn đặt hàng của “đại gia” hoặc “nguyên thủ quốc gia”.
Không chỉ có thế, ở phố đồ cổ Lê Công Kiều còn có sự hiện diện của nhửng những chiếc đồng hồ không chỉ để đeo ở cổ tay mà để… bỏ túi, đồng hồ quả lắc, quả quýt, để bàn, treo tường. Có những chiếc đồng hồ nhỏ xíu dành cho phái nữ, giới quý tộc, nhưng cũng có những chiếc đồng hồ “hộp gỗ” to kềnh như cây đàn dương cầm hay cái tủ đứng, có cả đồng cát, đồng hồ đốt bằng dầu lửa và tất nhiên trong vô số chủng loại đồng hồ xịn, hàng hiệu có cả những chiếc đồng hồ rởm, nhái… hàng hiệu rất tinh vi không chỉ tay lơ tơ mơ về đồng hồ bị lầm mà ngay dân trong nghề, có kinh nghiệm lâu năm buôn bán đồng hồ hoặc thợ sửa đồng hồ cũng vẫn bị lầm. Nhưng khách mua đồng hồ cổ bị lầm nhiều nhất là… người nước ngoài và ở đây, những “tiệm đồng hồ” có thâm niên bán đồng hồ rởm, nhái nhãn hiệu Thụy Sĩ chủ yếu cũng nhắm vào khách nước ngoài.
Tất nhiên đồng hồ cổ thì không có giá, nói đúng hơn là vô giá nên người mua khi “kết” một chiếc đồng hồ cổ nào rồi thì cứ nghe “ông chủ tiệm” hét giá từ vài trăm USD cho tới vài chục ngàn USD, dẫu có lùng bùng lỗ tai nhưng nếu thích thì cứ chơi và đây là quy luật… chơi đồ cổ. Nhưng nếu lỡ bỏ ra một đống tiền để sở hữu một chiếc đồng hồ cổ hàng hiệu mình thích mà khi mang về nhà mới biết là hàng “giả cổ” thì người mua cũng chịu chết vì tức chứ không làm sao kiện cáo hay trả lại được bởi việc mua bán ở khu phố đồ cổ này chỉ dựa vào thỏa thuận, hể thuận mua thì vừa bán, chẳng có hóa đơn chứng từ hay bảo hành vì ai mà dám cấp hóa đơn hay cam kết bảo hành một chiếc đồng hồ cổ sản xuất cách đây… hàng trăm năm mà chính ông chủ tiệm đồng hồ cổ cũng không còn nhớ đã mua nó từ nguồn nào?
Theo một chuyên gia mua bán và sửa chữa bán đồng hồ cổ đã từng lăn lộn trong nghề và cũng đã từng đi mua đồng hồ cổ dạng “ve chai, đồng nát” khắp từ Nam, chí Bắc từ sau ngày giải phóng thì đồng hổ cổ ở Việt Nam chia làm 4 loại: đồng hồ đeo tay nam, nữ, đồng hồ quả quýt, để bàn, treo tường của các thương hiệu danh tiếng trên thế giới như OMEGA, Kundo, Kan, Longine, Titoni, Rolex, Petak Phillippe…và đẳng cấp xuống dần với Seiko, Orient. Nhưng nói tới đồng hồ đẳng cấp dân chơi đồng hồ nghĩ ngay tới đồng hồ Thụy Sĩ, bởi đó là thương hiệu huy tín nổi tiếng khắp thế giới và cũng chính vì thế nên mới có loại đồng hồ nhái nhãn hiệu Thụy Sĩ được gọi xách mé là đồng hồ “Hồng Kông bên hông Chợ Lớn” do… Trung Quốc sản xuất.
Loại đồng hồ dởm, giả thương hiệu này bán đại trà ở thị trường các nước. Ở thị trường Việt Nam cũng thế, đồng hồ nhái nhãn hiệu do Trung Quốc sản xuất bán tràn lan từ cửa tiệm cho tới... lề đường.
Nói đến đồng hồ Thụy Sĩ người ta nghĩ ngay tới nhãn hiệu OMEGA, đây là loại đồng hồ đẳng cấp của dân chơi đồng hồ sành điệu. OMEGA đã “thống trị” thị trường thế giới vào các thập niên 1960, 1870, 1980 của thế kỷ trước. Ngày nay tìm được một chiếc OMEGA lên dây, hai kim, vỏ vàng, dây da, máy móc “nguyên si” sản xuất những năm đầu của dòng sản phẩm này gần như “bó tay”, dù cho nó có cái giá trên trời. Vì những chiếc đồng hồ loại này hầu như đều được “độ” lại ít nhất cũng… 50%. Nhãn hiệu đồng hồ OMEGA của Thụy Sĩ do Louis Brandt và Nicolas Hayek sáng lập và trở nên nổi tiếng. Sản phẩm đầu tiên của thương hiệu này có tên là La Chaux-de-Fonds, được chào đời năm 1848 và thời gian đầu người làm ra nó đã phải lặn lội, bôn ba khắp châu Âu, từ Ý đến các nước thuộc bán đảo Scandinavi để quảng bá sản phẩm trước khi nó nổi tiếng khắp thế giới.
Năm 1879 Louis Brandt qua đời, hai người con trai của ông là Louis Paul và Cesar tiếp tục sự nghiệp của cha để lại và dời trụ sở hãng sản xuất đồng hồ của gia đình tới quận Gurzelen của Bienne và bây giờ vẫn là nơi đặt trụ sở chính của công ty. Đến năm 1894 hai mẫu đồng hồ đầu tiên trong series đồng hồ nhãn hiệu OMEGA là Labrador và Gurzelen chính thức ra mắt.
Và năm 1930 hai thương hiệu OMEGA và Tissot sáp nhập thành tập đoàn SSIH, từ đó phát triển không ngừng để trở thành thương hiệu sản xuất đồng hồ số 1 của Thụy Sĩ và đứng hàng thứ 3 trên thế giới suốt thế kỷ 20. Ngoài đồng hồ đeo tay thì đồng hồ quả quýt bằng vàng có sợi dây nhỏ xíu nhưng để… bỏ túi, thỉnh thoảng lấy ra coi giờ cũng thuộc loại đồng hồ đẳng cấp mà chỉ có dân quý tộc mới mua nổi. Ngay cả chiếc đồng hồ treo tường quả lắc của hãng Odo Nhật Bản từ những năm 1950 cũng đã nổi danh. Loại đồng hồ này cứ 15 phút đánh chuông báo giờ một lần và 10 ngày mới bê xuống lên dây cót một lần.
Phố đồng hồ cổ Lê Công Kiều không có cảnh mua bán tấp nập nhưng lại là nơi người sưu tầm đồ, đặc biệt là đồng hồ cổ lui tới suốt ngày kể cả người nước ngoài. Họ là những người khách đặc biệt, như đi tìm lại quá khứ qua một sản phẩm lưu trữ thời gian, ở đó mỗi tiếng tích tắc của cỗ máy thời gian nhỏ xíu, được chế tác rất tinh vi như nhắc lại vô số kỷ niệm đã mất và chính vì thế phố đồng hồ cổ Lê Công Kiều cũng là một nét đặc trưng của Sài Gòn, nơi lưu trữ những cỗ máy thời gian xưa cũ nhất.
Nhưng rồi cũng theo thời gian, phố đồ cổ Lê Công Kiều cũng bão hòa với thị trường sưu tầm đồ cổ, đặc biệt là các loại đồng hồ cổ. Nhịp độ sôi động những năm đầu sau 1975 đã xuống thang do nguồn hàng ngày càng khan hiếm, đồ giả cổ nhiều hơn đồ cổ xịn nên người sưu tầm đã quay lưng. Cảnh người bán nhiều hơn người mua cho đến hiện tại cho thấy phố đồ cổ Lê Công Kiều chỉ còn là hình ảnh một thời vang bóng hay chỉ còn trong hoài niệm về một khu chợ xưa của người... hoài cổ.