Trong khi không ít câu chuyện về chân dung anh hùng đời thật luôn cuốn hút giới làm nghệ thuật, ‘Minamata’ của đạo diễn Andrew Levitas lại có phần đi ‘chệch hướng’ kỳ vọng ban đầu. Bộ phim chính kịch tường thuật sự kiện từng gây chấn động truyền thông thế giới – khi nhiếp ảnh gia W. Eugene Smith lật tẩy vụ đầu độc bằng thủy ngân xảy ra tại một thành phố ven biển Nhật Bản. Bộ tiểu luận qua ảnh ông thực hiện về làng chài Minamata xấu số năm 1972, xứng đáng được nhắc nhớ như series ảnh báo chí nổi bật, truyền cảm hứng đến tận ngày nay.
Dẫu vậy, hình ảnh người phóng viên chiến trường dũng cảm không thể truyền tải thật ấn tượng thông qua một Johnny Depp hốc hác, càu nhàu thể hiện lối nhập vai có phần thờ ơ, giữa lúc ‘mạch phim’ dàn trãi cảm nhận buồn thảm đầy chủ đích.
Đôi chỗ trên phim, người xem vẫn nhìn thấy một số ‘điểm sáng’ giá trị: sự lên án hành vi bất lương của một tập đoàn kinh doanh, hay thông điệp biện hộ - bảo vệ người dân vô tội. Tuy nhiên vài chi tiết đề cao ý nghĩa nhân quyền không đủ để ‘cứu vớt’ một tác phẩm cố sức làm ‘mủi lòng’ khán giả bằng mọi giá.
Chuyện về thành tựu nhiếp ảnh đáng nhớ sau cùng Smith hoàn tất, mở ra theo cách khá hứa hẹn. New York, năm 1971: Smith khi này đã không còn là một phóng viên tên tuổi. Nhiếp ảnh gia từng làm việc năng nổ trong thế chiến thứ II, giờ chịu ám ảnh trước những phẩn uất thời cuộc cùng nỗi tự ti cá nhân.
Bị con cái đối xử lạnh nhạt, thiếu hụt cả tiền bạc, Smith van nài biên tập tạp chí Life bấy giờ, Bob Hayes (Bill Nighy thủ vai), cho ông cơ hội công việc. Hayes lúc đầu khước từ quyết liệt, mãi đến khi số phận đưa đẩy Aileen (Minami) – một phiên dịch viên người Nhật, đến bên Smith. Người phụ nữ tìm gặp vị nhiếp ảnh gia với hy vọng ông có thể giúp cô phơi bày âm mưu đầu độc nguồn nước gần ngôi làng ven biển Minamata, gây ra bởi Chisso, tập đoàn tư nhân quy mô chuyên sản xuất hóa chất.
Hay tin, Smith nhanh chóng tiến vào văn phòng Hayes, tuyên bố quyết tâm vạch trần toàn bộ sự thật. Thế nhưng, đáng tiếc, đây cũng là khoảnh khắc ‘sắc bén’ sau cùng ở ‘Minamata’.
Johnny Depp đương nhiên chịu trách nhiệm ‘gánh vác’ gần như trọn vẹn cốt truyện. Tuy nhiên, ‘chất’ nghệ sĩ ngông cuồng, phảng phất nét ‘ngạo đời’ thường thấy của tài tử ‘Cướp biển Caribbean’ dường như không mấy phù hợp nơi một tác phẩm chính kịch nghiêm túc xoay quanh nỗ lực đấu tranh vì lẽ phải.
Sự thương cảm đặt vào đúng tình huống sẽ đem lại sức lan tỏa mạnh mẽ. Duy, câu chuyện tôn vinh một nhiếp ảnh gia báo chí, vốn cần nhấn mạnh giá trị tường thuật, nếu ‘lợi dụng’ yếu tố đa cảm, dễ sa vào lối diễn đạt kịch tính hóa rườm rà – vốn chính là sai lầm đặc biệt ở ‘Minamata’.
Đặt chân đến thị trấn biển lâm nguy vì vụ đầu độc, Smith tiến hành phỏng vấn những người lao động nghèo đang nản chí, thăm hỏi từng bệnh nhân điều trị tại bệnh viện. Phim sau đó cho thấy chuỗi ảnh trắng đen ông chụp về Minamata, giúp người xem lý giải nguồn gốc một trong những series tác phẩm chân thật và xúc động nhất Smith từng thực hiện.
Nơi đây, nhiếp ảnh gia cũng trải qua cuộc gặp với giám đốc điều hành tập đoàn Chisso (Jun Kunimara), người cố gắng ‘bưng bít’ sự việc bằng cách hối lộ Smith. Nhịp phim, từ trường đoàn này, dần trở nên kịch tính hơn, khi cuộc điều tra truy tìm công lý chính thức bắt đầu.
Thế nhưng, bất kể một kịch bản khá nhiều tiềm năng, ‘Minamata’ liên tục tái lập dấu ấn ‘kịch hóa’ thừa thãi, từ không ít chi tiết hội thoại thô cứng đến diễn tiến thiếu chiều sâu đúng nghĩa.
Đỉnh điểm của phim là phân đoạn khi Smith ‘bắt lấy’ qua ống kính bức ảnh gây rúng động công luận, ‘Tomoko Uemura in Her Bath’. Tác phẩm đã khiến Chisso phải ‘thua cuộc’ và bồi hoàn xứng đáng cho những nạn nhân cùng gia đình họ. Bức ảnh cũng giúp Smith tái khẳng định chỗ đứng như một nhiếp ảnh gia báo chí huyền thoại.
Có không ít điểm đáng ngưỡng mộ nơi cốt truyện về cuộc đời Smith, duy ‘Minamata’ vô hình chung lại bó hẹp những giá trị tốt đẹp ấy vào ‘cái khuôn’ ghò bó của một dự án hồi ký nhiệt thành quá mức.
Về phương diện nghệ thuật, ‘khối gia sản’ ảnh Smith để lại hòa lẫn cả dấu ấn tích cực và gai góc nơi xã hội thế kỉ 20. Một tác phẩm tài liệu, thiết nghĩ, có lẽ sẽ thích hợp nhằm phản ánh những thông điệp chân thật cốt lõi vốn vị nhiếp ảnh gia quá cố đã diễn đạt hoàn mỹ qua ống kính. ‘Minamata’ ghi nhận tài năng không thể chối bỏ của ông, nhưng sự kịch hóa đầy lớp lang là không cần thiết để mô tả một câu chuyện đau thương có thật.
*‘Minamata’ công chiếu mở màn tại sự kiện ‘Special Gala’, trong khuôn khổ LHP quốc tế Berlin 2020. Phim hiện chưa có lịch phát hành cụ thể tại khu vực Bắc Mỹ.
Như Ý (dịch từ IndieWire)