Đối diện với việc phim sẽ không được chiếu tại rạp Trung Quốc vì cách khắc họa đối với huyền thoại điện ảnh của dòng phim võ thuật - Lý Tiểu Long, đạo diễn Tarantino chia sẻ với Hollywood Reporter rằng ông không có ý định sẽ cắt bỏ các cảnh phim gây tranh cãi chỉ để phim có cơ hội được chiếu tại thị trường điện ảnh Trung Quốc.
Theo nhiều tờ báo quốc tế, một nguồn tin thân cận với hãng Bona Film Group cho rằng Lý Hương Ngưng - con gái của Lý Tiểu Long - đã gửi đơn khiếu nại trực tiếp tới Hội đồng Kiểm duyệt phim Trung Quốc. Từ lúc phim khởi chiếu tại Bắc Mỹ hồi mùa hè, chị đã nhiều lần công khai chỉ trích Tarantino trên mặt báo.
Lý do bởi hình ảnh Lý Tiểu Long trong phim tuy xuất hiện ngắn ngủi nhưng để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp. Nhà làm phim đã miêu tả huyền thoại như một người kiêu ngạo trên phim trường, để rồi suýt trở thành bại tướng dưới tay nhân vật hư cấu Cliff Booth do Brad Pitt thể hiện.
Ban đầu bộ phim này đã được dự kiến sẽ ra rạp tại Trung Quốc vào 25.10, nhưng vì những mâu thuẫn trong cách khắc họa hình ảnh Lý Tiểu Long nên phim đã bị hủy lịch chiếu tại đất nước này. Đáp lại, đạo diễn Tarantino chia sẻ với báo chí rằng “hoặc phim phải được chiếu như nguyên bản hoặc không cần ra rạp nữa”.
Về phần bà Lý Hương Ngưng - con gái của Lý Tiểu Long, bà chia sẻ với Variety rằng: “Cha tôi tiếp tục bị hiểu sai và bị khắc họa không chính xác bởi những nhà làm phim”.
Trong giới điện ảnh, nam diễn viên Lý Tiểu Long (1940-1973) vốn nhận được sự ngưỡng mộ của giới làm phim phương Đông và phương Tây, việc khắc họa nhân vật huyền thoại theo hướng “hung hăng, ngổ ngáo” đã gây nên tranh cãi đối với phim.
Đáp lại điều này, vị đạo diễn khẳng định: “Lý Tiểu Long là một người đàn ông khá ngổ ngáo, hiếu thắng, tôi không bịa ra điều đó. Đó chính là cách ông Lý trò chuyện, tôi đã từng được nghe ông ấy nói chuyện theo kiểu như vậy. Có những người sẽ nói rằng Lý Tiểu Long không bao giờ nói ông có thể đánh bại Muhammad Ali, nhưng ông có nói vậy đấy.
Không những vậy, chính người vợ của ông - bà Linda Lee đã từng chia sẻ như vậy trong cuốn hồi ký đầu tiên của bà, tôi từng đọc cuốn sách ấy”.
Quentin Tarantino nổi tiếng là người không chịu thỏa hiệp với các yêu cầu cắt phim. Vị đạo diễn từng chẳng thoải mái gì khi sự việc xảy ra với Django Unchained tại Trung Quốc, và nay không muốn trải qua điều đó thêm một lần nữa.
Năm 2013, Django Unchained của Quentin Tarantino được cấp phép trình chiếu tại Trung Quốc. Nhưng kỳ lạ hơn cả Once Upon a Time in Hollywood, chỉ vài giờ sau những suất chiếu đầu tiên, tác phẩm Viễn Tây của Tarantino đồng loạt bị rút khỏi rạp với không một lời giải thích.
Có nguồn tin cho rằng một vị lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã đi xem suất chiếu sớm và tỏ ra không hài lòng về mức độ bạo lực của tác phẩm. Hậu quả là Django Unchained phải duyệt thêm một lần nữa, và trở lại các rạp chiếu bóng sau khoảng một tháng khi đã được cắt gọt.
Nhưng cũng trong khoảng thời gian ấy, Django Unchained bị lọt lên Internet. Người Trung Quốc có thể xem bản lậu của bộ phim ở trên mạng, hoàn toàn không bị chỉnh sửa gì. Còn bản phim ra rạp muộn một tháng rốt cuộc chỉ đóng góp hơn 2 triệu USD trong tổng thu 425 triệu USD toàn cầu.
Cho đến giờ, phim của đã thu 366 triệu USD toàn cầu, tức cao hơn gấp bốn lần kinh phí sản xuất 90 triệu USD. Đến Trung Quốc, phim đứng trước cơ hội vượt mốc 400 triệu USD, một phần nhờ “Tiểu Leo” - biệt danh thân thuộc mà người Trung Quốc đặt cho Leonardo DiCaprio từ sau Titanic (1997).
Trên thực tế, Once Upon a Time in Hollywood là một bộ phim “Mỹ đặc sệt”, với nhiều nét văn hóa Mỹ hồi cuối thập niên 1960. Chúng có lẽ xa lạ với phần đông khán giả Trung Quốc hiện đại. Cộng thêm nhịp phim chậm rãi, ít biến động, đây thực sự là một tác phẩm thách thức tính kiên nhẫn của người xem.
Do đó, có chỉnh sửa hay không chỉnh sửa, phim của Quentin Tarantino cũng khó có thể kiếm lợi lớn từ Trung Quốc. Bộ phim thực tế đã làm xong nhiệm vụ kiếm tiền nhờ quê hương Bắc Mỹ và nay đang hướng tới mùa giải thưởng điện ảnh 2019-2020.
Trailer phim Once Upon a Time in Hollywood
Đan Thùy