Trong Once Upon a Time Hollywood, Quentin Taratino đã kết hợp các chi tiết có thật và hư cấu nhằm khắc họa Hollywood vào thập niên 1960 – giai đoạn đánh dấu bước chuyển giao của kinh đô điện ảnh thế giới từ một nơi cũ kỹ, cạn kiệt ý tưởng sang thời kỳ hoàng kim kéo dài suốt 2 thập niên tiếp theo. Hai nhân vật chính do Leonardo DiCaprio và Brad Pitt đóng là sản phẩm từ trí tưởng tượng của đội ngũ biên kịch. Trong khi đó, nhân vật nữ Sharon Tate của Margot Robbie thì có thật cũng như cái chết đầy thương tâm của cô.
Margot Robbie trong Once Upon a Time in Hollywood
Cô đào nóng bỏng của Hollywood
Nhan sắc lộng lẫy của Sharon Tate
Sinh năm 1943, Sharon Tate là một cô gái xinh đẹp đến từ tiểu bang Texas đầy nắng với mái tóc vàng óng ánh cùng đôi mắt sáng và nụ cười rạng rỡ. Ngay khi còn nhỏ, ngoại hình của cô đã thu hút nhiều sự chú ý. Năm 16 tuổi, Sharon chiến thắng một cuộc thi nhan sắc tại Washington dù việc sở hữu tính cách nhút nhát và rụt rè. Sau đó, cô chuyển hướng sang diễn xuất và dấn thân vào Hollywood – nơi đang bị thống trị bởi những bộ phim kinh dị và cao bồi.
Sharon Tate trong Valley of the Dolls
Sharon nhanh chóng được giao vai nhưng bị nhận xét là thiếu kinh nghiệm diễn xuất. Cô không ngần ngại khoe cơ thể của mình trên màn ảnh và cho rằng khán giả đã quá nhạy cảm với vấn đề này. Sau một vài phim hạng B, may mắn đã mỉm cười với Sharon khi Valley of the Dolls (1967) đạt thành công lớn về mặt thương mại và giúp cô mang về một đề cử Quả Cầu Vàng.
Sharon và Roman Polanski
Năm 1967, Sharon và đạo diễn lừng danh Roman Polanski gặp nhau lần đầu trong lúc ghi hình cho bộ phim The Fearless Vampire Killers. Bằng một tiếng sét ái tình, cả hai đã nhanh chóng kết hôn vào ngày 20.1.1968 tại London. Mặc dù vậy, theo Sunday Times, Sharon đã buộc đồng ý cho phép chồng quan hệ với những phụ nữ khác. “Chúng tôi đã giao kèo với nhau. Roman nói dối với tôi, còn tôi thì giả vờ tin điều đó”, cô nói.
Charles Manson - Thần tượng của dân hippie
Charles Manson vào năm 1956
Phong trào hippie xuất hiện tại Mỹ vào đầu thập niên 1960 trong lúc quốc gia này đang rối ren với chiến tranh Việt Nam. Khi ấy, một bộ phận giới trẻ cảm thấy bất mãn với chính quyền và cho rằng tầng lớp trung lưu đang bị chi phối bởi chủ nghĩa tiêu dùng. Chính vì thế, họ phản đối chiến tranh, tuyên truyền tình yêu, hòa bình và kêu gọi mọi người quay về với thiên nhiên. Câu slogan nổi tiếng “Make love, not war” có nguồn gốc từ đây.
Đáng tiếc, phong trào hippie tuy có mục đích tốt nhưng đã mang đến nhiều hệ quả không mong muốn, đi ngược với tiêu chí ban đầu và tự kết thúc vào cuối thập niên 1960. Charles Manson là một trong những nguyên nhân đã dẫn đến chuyện đó.
Có tên thật là Charles Milles Maddox, Charles Manson không biết cha ruột của mình là ai còn mẹ thì nghiện rượu và từng vào tù do bị kết tội cướp có tổ chức. Hắn được nuôi dưỡng bởi một người dì nhưng đã dành phần lớn thời thiếu niên trong các trại cải huấn.
Bước sang độ tuổi trưởng thành, Charles tiếp tục phạm nhiều tội, từ cưỡng hiếp, trộm cướp và phải ngồi tù nhiều năm. Trong lúc thụ án, vợ hắn – Roselie – sinh một bé trai và đệ đơn ly dị không lâu sau đó. Ở tuổi 32, Charles đã dành phân nửa cuộc đời của mình ở đằng sau song sắt và bị nhận xét là có vấn đề về thần kinh.
Charles bắt đầu nghe The Beatles và nhanh chóng bị ám ảnh bởi âm nhạc của họ. Hắn thậm chí còn tin rằng tài năng âm nhạc của mình có thể khiến hắn nổi tiếng hơn The Beatles nếu được cho một cơ hội.
Năm 1968, ngay sau khi được thả, Charles bắt đầu chiêu dụ đệ tử. Với bản tính bất cần, phong trần cùng IQ cao, hắn nhanh chóng được bao quanh bởi nhiều thanh niên đang say sưa với phong trào hippie – hầu hết trong số đó là phụ nữ trẻ xinh đẹp thuộc tầng lớp trung lưu. Charles đặt tên cho giáo phái này là Mason Family (Gia đình Mason) và thường tụ tập tại thành phố San Francisco.
Khả năng thuyết phục của Charles đã giúp hắn được chú ý bởi Dennis Wilson – thành viên ban nhạc The Beach Boys. Manson Family sau đó đã chuyển đến nhà của Wilson trên đại lộ Sunset trong vài tháng và tiêu tốn của Wilson khoảng 100.000 USD cho thực phẩm, hóa đơn y tế và sửa chữa. Tại đây, họ đã tiệc tùng, sử dụng ma túy và quan hệ tình dục mà không cần quan tâm đến thế giới xung quanh.
Tháng 7.1969, Charles giết Gary Hinman – một giáo viên dạy nhạc 22 tuổi là người quen của hắn. Charles cho rằng nạn nhân sẽ gây cản trở cho mình trong tương lai nên đã quyết định thủ tiêu. Tiếp đó, hắn lên kế hoạch giết nhạc sĩ Terry Melcher – người từng từ chối thu âm cho Manson Family. Thế nhưng, Charles không hề biết rằng căn nhà của Melcher giờ đây đã thuộc về quyền sở hữu của vợ chồng Sharon Tate.
Đêm kinh hoàng
Ảnh chụp bởi nhiếp ảnh gia Terry O’Neill vài ngày trước khi Sharon Tate bị giết
Sharon Tate mang thai đứa con đầu lòng vào đầu năm 1969. Có lẽ do cuộc hôn nhân với Roman Polanski không hạnh phúc, cô đã rất vui mừng và dành phần lớn thời gian vào việc chào đón thành viên mới của gia đình.
Cùng thời gian đó, Manson ra lệnh cho những môn đệ trung thành nhất - Susan Atkins, Patricia Krenwinkel, Linda Kasabian và Charles "Tex" Watson - để thực hiện những vụ giết người chống lại giới thượng lưu giàu có của Hollywood và gán tội cho những người da đen.
Tối 8.8.1969, Sharon tổ chức một party tại nhà với bạn bè trong lúc Roman Polanski đang ở Anh do chưa xin được visa về Mỹ. Charles và đồng bọn đã ngắt điện tòa nhà trước khi đột nhập vào và khống chế những người có mặt trong đó.
Sharon và các vị khách mời bị trói trong phòng khách. Đang mang thai 8 tháng, cô đã quỳ gối van xin Charles tha mạng cho mình hay ít nhất là đứa con trong bụng. Đáng tiếc, chúng đã đâm 16 nhát vào người Sharon và kết thúc bằng một phát súng vào đầu.
Hiện trường vụ án
Các nạn nhân còn lại cũng chịu số phận tương tự, thậm chí còn tàn bạo hơn – có người đã phải chịu 51 nhát dao trước khi chết. Đó là nhà biên kịch Wojciech Frykowski cùng bạn gái Abigail Folger – người thừa kế của chuỗi café Folger, Jay Sebring – thợ làm tóc và một chàng trai trẻ phụ trách trông coi ngôi nhà. Nhà soạn nhạc lừng danh Quincy Jones cũng được mời nhưng không thể đến được, may mắn thoát chết.
Sau khi gây án, Charles đã lấy máu của Sharon viết chữ “PIGS” trước cửa với mục đích chuyển hướng điều tra của cảnh sát sang nhóm Black Panthers.
Cảnh tượng khi cảnh sát ập đến được miêu tả là “thê thảm” và “đẫm máu”. Sự kiện này lúc đó đã gây chấn động Hollywood lẫn truyền thông thế giới. Rất nhiều diễn viên nổi tiếng đã chuyển nhà khỏi Los Angeles do lo sợ mình sẽ là nạn nhân tiếp theo.
Trong số những môn đệ đi theo Charles vào đêm hôm đó, Linda Kasabian là người duy nhất không trực tiếp tham gia và sau này cô trở thành nhân chứng chỉ điểm chống lại Manson Family.
Án tù chung thân
Mason Family đã thực hiện một vụ giết người khác vào đêm hôm sau theo yêu cầu của Charles. Lần này, chúng giết Leno và Rosemary LaBianca – hai thương gia giàu có – tại nhà riêng của họ với phương thức tương tự. Mặc dù vậy, chỉ 4 tháng sau, cảnh sát đã liên kết được 2 vụ án và nhanh chóng bắt giữ Charles cùng đồng bọn thông qua những bằng chứng như dấu vân tay tại hiện trường cùng lời khai không thể chối cãi.
Tại phiên tòa ngày 15.6.1970, các nhân chứng đột ngột chuyển lời khai sang hướng có lợi cho Charles. Những người khác thuộc Mason Family đứng lên chống đối hắn ta đã gánh chịu kết quả đau đớn như luật sư Ronald Hughes bị giết ngay sau phiên tòa, nhân chứng Barbara Hoyt bị tiêm thuốc độc nhưng may mắn cứu được hay Paul Watkins bị thiêu sống trên ô tô. Điều này chứng tỏ sức ảnh hưởng của Charles lên môn đệ là cực kỳ lớn.
Đầu năm 1971, Charles, Susan Atkins, Patricia Krenwinkel và Charles "Tex" Watson bị kết án tử hình với tội danh giết người. Thế nhưng, hình phạt đã được chuyển sang tù chung thân vào năm 1972.
Charles Manson chết vào năm 2017 ở tuổi 83
Ở trong tù, Charles tiếp tục thu nhận đệ tử và điều hành đường dây buôn bán ma túy bên ngoài. Hành động bạo lực của hắn khiến những quản ngục cảm thấy ghê tởm nhưng đồng thời cũng “bó tay”. Charles từng 12 lần đệ đơn ân xá nhưng đều bị bác bỏ và chết vào tháng 11.2017 ở tuổi 83.
Mai Thảo