Ngày 2.5, bà Phạm Thị Quỳnh Dao, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP. Huế - Phó ban tổ chức Festival nghề truyền thống Huế 2019 đã có phản hồi trên xung quanh ý kiến trái chiều về chiếc nón lá Huế bị cho là “cắm sừng”.
"Tôi thấy việc NTK Minh Hạnh thiết kế chữ HUE trên nón lá là hợp lý. Ý đồ của đạo diễn là chữ Huế như là vương miện để làm Huế rực rỡ, lung linh trong ngày hội. Chữ Huế được thiết kế rõ ràng chứ không phải trừu tượng nên những ai nghĩ đó là cái sừng thì người đó đã làm tổn thương chữ Huế", bà Phạm Thị Quỳnh Dao phản hồi trên phương tiện truyền thông.
Bà Dao cũng nói rằng, BTC rất ghi nhận những đóng góp của NTK Minh Hạnh, một người con xứ Huế cho chương trình này. "Chúng tôi luôn lắng nghe những ý kiến khen chê để hoàn thiện. Nhưng mọi ý kiến phải trên tinh thần xây dựng, nhìn nhận khách quan, đóng góp cho quê hương đất nước. Chiếc nón đã được biểu diễn đêm khai mạc và bế mạc, rất lung linh đẹp mắt, không có ai ý kiến gì. Vậy mà khi diễu hành qua cầu Tràng Tiền thì một số người chụp rồi mang lên mạng nói những lời không hay. Trong đó có cả người con xứ Huế”.
Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội kèm theo nhiều nhận xét là "nón Huế bị cắm sừng"
Như Một Thế Giới đã thông tin, trong những ngày qua, dư luận xã hội bàn tán xôn xao về hình ảnh những cô gái Huế mặc áo dài tím đội nón lá có gắn chữ "HUE" to quá khổ trên đỉnh, diễu hành tại Festival nghề truyền thống Huế 2019 do UBND TP.Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) tổ chức.
Hình ảnh được chụp lại và sau đó lan truyền trên mạng xã hội, kèm theo là những bình luận trái chiều sôi nổi trên nhiều diễn đàn. Không ít người đã dùng những lời lẽ dè bỉu mỉa mai so sánh rằng đó là chiếc sừng của Ngưu Ma Vương - một nhân vật trong truyện Tây Du Ký, hoặc ví von đây là những cô gái Huế bị “cắm sừng”…
Một tiết mục tại Festival nghề truyền thống Huế 2019 có sự xuất hiện của chiếc nón là Huế
Trước phản ứng của dư luận, ngày 2.5, NTK Minh Hạnh cũng đã chính thức có phản hồi về ý tưởng này. Bà Hạnh cho rằng đó không phải "cái sừng" như người ta nói mà chữ "HUE" được thiết kế với kích cỡ to, rõ ràng, không phải một tạo hình mang tính biểu trưng, không trừu tượng mà nhằm vào mục đích làm cho lễ hội trở nên lung linh hơn trong đêm.
Theo NTK Minh Hạnh, đây là công nghệ đèn led được sử dụng rất phổ biến trong nghệ thuật biểu diễn. Cụ thể ở đây chữ "HUE" trên nón được làm bằng chất liệu format, màu tím, xung quanh trang trí đèn led và được gắn lên trên chiếc nón; quanh vành nón lớn nhất cũng được trang trí bằng công nghệ này.
"Không hiểu vì sao nhiều người nhìn ra đó là cái sừng, chuyện này hơi lạ. Cái gì mới cũng cảm thấy lạ, tạo hình làm sao là cái sừng được... Tại sao họ không hiểu đó là một vương miện cho Huế? Người ta nói vậy thì xúc phạm luôn Huế rồi và tự làm cho Huế thấp kém đi. Nhưng người ta nghĩ thế thì mình cũng phải lắng nghe", NTK Minh Hạnh phát biểu với báo chí.
Trước làn sóng tranh cãi ngày càng dữ dội của cộng đồng mạng, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Huế, Trưởng ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế cho biết hôm nay (3.5) ban tổ chức sẽ họp để đánh giá lại sự việc.
Tiểu Vũ
TIN BÀI LIÊN QUAN
Nhiều ý kiến trái chiều về chữ ‘HUE’ trên chiếc nón lá
NTK Minh Hạnh: Nói ‘nón Huế bị cắm sừng’ là xúc phạm Huế